Xe

Ôtô nhập khẩu giảm, cơ hội tốt cho xe lắp ráp trong nước

Theo các chuyên gia ôtô, việc xe nhập khẩu giảm số lượng trong 2 tháng gần đây cũng là cơ hội tốt để doanh nghiệp trong nước bứt phá. Tuy nhiên, muốn có ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô hoàn chỉnh thì công nghệ linh kiện hỗ trợ phải đi trước một bước.

Ôtô nhập khẩu giảm

Theo số liệu Tổng cục Hải quan vừa công bố, trong tháng 2.2021, ôtô nhập khẩu về nước khoảng 7.000 chiếc, giảm hơn 1.000 xe so với tháng trước, tương đương giảm gần 37%.

Theo Tổng cục Hải quan, tổng lượng xe nhập khẩu 2 tháng đầu năm 2021 đạt khoảng 15.000 chiếc, chỉ tương đương với cùng kỳ năm ngoái khi dịch COVID-19 bắt đầu diễn ra.

Nhiều người cho rằng, việc ôtô nhập khẩu giảm trong những tháng đầu năm 2021 sẽ là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước có cơ hội bức phá. Tuy nhiên, để làm được điều này thì công nghệ linh kiện phải đi trước một bước.

Ôtô mang thương hiệu Việt được kỳ vọng sẽ phát triển trong thời gian tới. Ảnh minh hoạ Vinfast

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Tiểu ban Chính sách, Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho biết, việc xe nhập khẩu giảm số lượng trong 2 tháng gần đây cũng là cơ hội tốt để doanh nghiệp trong nước bức phá.

"Tôi cho rằng, thị trường ôtô Việt Nam đã có quy mô đủ lớn để đẩy mạnh lắp ráp trong nước, nhưng cần chính sách mạnh hơn để phát triển công nghiệp phụ trợ.

Muốn có ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô hoàn chỉnh thì công nghệ linh kiện hỗ trợ phải đi trước một bước. Trong khi đó, để phát triển công nghệ linh kiện thì cần phải có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhà cung ứng linh kiện trong nước", ông Hiếu nói.

Tập trung phát triển linh kiện, tham gia vào chuỗi cung ứng

Muốn công nghiệp ôtô trong nước phát triển, sản phẩm làm ra cạnh tranh được với xe nhập nguyên chiếc, chuyên gia ôtô Nguyễn Minh Đồng cho rằng - cần phải tăng quy mô sản xuất, lắp ráp ôtô tại Việt Nam, giá cả cạnh tranh với ôtô nhập khẩu, chất lượng tốt.

"Quy mô tăng sẽ lôi kéo các nhà đầu tư vào sản xuất linh kiện, qua đó nâng cao tỉ lệ nội địa hóa và công nghiệp hỗ trợ sẽ phát triển. Kéo theo đó, là giá xe cũng giảm, có thể tương đương với giá xe Thái", ông Đồng nói.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì nhận định, trong thời gian vừa qua, sự tham gia của Vinfast, Tập đoàn Thaco vào lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ôtô đã "nâng cấp" ngành công nghiệp ôtô Việt Nam.

"Những năm trước đây, ôtô ở Việt Nam chủ yếu là của các nhà đầu tư nước ngoài tiến hành lắp ráp tại Việt Nam. Có một số thời điểm, những nhà đầu tư nước ngoài chuyển từ lắp ráp sang nhập khẩu nguyên chiếc. Họ đòi hỏi Chính phủ Việt Nam phải tăng thêm các ưu đãi cho họ, nếu không sẽ rút ra khỏi thị trường.

Chính vì vậy, sự xuất hiện của Vinfast, Thaco trong "bản đồ" công nghiệp ôtô Việt đã làm thay đổi bức tranh đó. Mặt khác, điều đó cũng giúp Việt Nam có thêm các sản phẩm ôtô "Made in Việt Nam" - bà Lan nói.

Chuyên gia ôtô Trương Đăng Tân - Giám đốc Trung tâm đào tạo lái xe Học viện Quốc tế cho biết, ngành ôtô Việt Nam nên tập trung sản xuất phụ tùng, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thay vì chế tạo xe mới.

"Nền công nghiệp ôtô của Việt Nam không thể đứng ngoài việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, bởi khi không thể chủ động được chuỗi cung ứng linh phụ kiện thì các hãng xe sẽ bị các công ty sản xuất linh phụ kiện chi phối. Nếu gia nhập được vào chuỗi cung ứng này thì tính ổ định, chủ động trong việc sản xuất là rất cao", ông Tân cho hay.

Tác giả: ANH TUẤN

Nguồn tin: Báo Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP