Kinh tế

Ông Trịnh Văn Quyết lại giàu nhất Việt Nam, loạt tỷ phú ‘bốc hơi’ ngàn tỷ

Tuần này là thời điểm các tỷ phú Việt Nam có biến động lớn về tài sản, trong khi ông Trịnh Văn Quyết lấy lại ngôi vị giàu nhất Việt Nam, loạt tỷ phú “bốc hơi” ngàn tỷ.

Trong những ngày cuối năm, thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều biến động. Cùng với thăng trầm của VN-Index, túi tiền giới nhà giàu Việt cũng biến đổi theo. Trong khi ông Trịnh Văn Quyết lấy lại ngôi vị giàu nhất Việt Nam thì loạt tỷ phú Việt phải chứng kiến khối tài sản “bốc hơi” ngàn tỷ.

Ông Trịnh Văn Quyết lại giàu nhất Việt Nam

2 tháng trở lại đây, ngôi vị giàu nhất sàn chứng khoán là chủ đề được giới đầu tư quan tâm nhiều. Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần Tập đoàn FLC và ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup liên tục nắm giữ vị trí số 1 này.

Và trong tuần này, ông Trịnh Văn Quyết đã lấy lại ngôi vị này từ ông Phạm Nhật Vượng khi cổ phiếu ROS của công ty cổ phần xây dựng Faros tăng đáng kể. Chốt tuần, ROS tăng 5.100 đồng/CP lên 110.200 đồng/CP. Nhờ đó, vốn hóa thị trường Faros tăng 2.193 tỷ đồng lên 47.386 tỷ đồng.

ROS cũng giúp giá trị cổ phiếu ROS do ông Trịnh Văn Quyết, nắm giữ tăng 1.426 tỷ đồng lên 30.807 tỷ đồng. Nhờ ROS, tài sản trên thị trường chứng khoán của bà Lê Thị Ngọc Diệp, vợ ông Quyết tăng 102 tỷ đồng lên 2.204 tỷ đồng.

Ông Trịnh Văn Quyết lại giàu nhất Việt Nam
Trong tuần, giá cổ phiếu FLC giảm nhẹ nhưng giá trị cổ phiếu FLC thuộc sở hữu của ông Quyết vẫn duy trì ở mức khoảng 560 tỷ đồng. Hiện tại, với tổng tài sản trị giá 31.367 tỷ đồng, ông Trịnh Văn Quyết đã lấy lại ngôi vị tỷ phú giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam từ tay ông Phạm Nhật Vượng.

Ông Trịnh Văn Quyết không phải vị đại gia duy nhất có cơ hội chứng kiến khối tài sản tăng mạnh. Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần tập đoàn Hòa Phát cũng là người may mắn khi cổ phiếu HPG tăng 1.150 đồng/CP lên 42.950 đồng/CP.

Nhờ HPG, tài sản của ông Trần Đình Long tăng 212 tỷ đồng lên 7.917 tỷ đồng. Bà Vũ Thị Hiền, vợ ông Long chứng kiến khối tài sản “nở” thêm 61,4 tỷ đồng. Với 2.293 tỷ đồng, bà Hiền đứng ở vị trí thứ 9 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Trong khi đó, ông Long đứng ở vị trí thứ 3, ngay sau ông Trịnh Văn Quyết và ông Phạm Nhật Vượng.

Ông chủ Vinasoy tuột dốc

Trong tuần, thị trường chứng kiến màn chào sàn ấn tượng của “tân binh” QNS của công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi, đơn vị sở hữu thương hiệu sữa đậu nành Vinasoy. Ngay trong phiên giao dịch đầu tiên trên thị trường chứng khoán, QNS tăng tới 40% lên 112.000 đồng/CP.

Nhờ đà tăng ấn tượng này của QNS, ông Võ Thành Đàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty Đường Quãng Ngãi từ một người vô danh trong danh sách tỷ phú Việt Nam đã lọt vào Top 30 người giàu nhất Việt Nam với tài sản đạt 964 tỷ đồng.

Tuy nhiên, QNS nhanh chóng trở thành “bom xịt” của năm. Nếu cổ phiếu SAB của Tổng công ty cổ phần bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và BHN của Tổng công ty cổ phần bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco) liên tục tăng mạnh sau khi chào sàn thì ngay trong phiên thứ 2, QNS đã quay đầu giảm giá. Sau 4 phiên giao dịch, QNS giảm 15.800 đồng/CP.

Đà giảm mạnh của QNS đã khiến tài sản của ông Đàng “bốc hơi” 136 tỷ đồng xuống 828 tỷ đồng. Dù vậy, ông Đàng vẫn đứng trong Top 30 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Cổ phiếu QNS biến động mạnh, ông chủ Vinasoy sẽ thiệt hại nặng nề hơn nếu tính cả lượng cổ phiếu do bà Võ Thị Cẩm Nhung, vợ ông Đàng nắm giữ. Sau 4 phiên giao dịch, tài sản trên thị trường chứng khoán của bà Nhung hao hụt 89 tỷ đồng. Với 545 tỷ đồng, bà Nhung lọt vào Top 50 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Tuần này, QNS không phải cổ phiếu đen đủi duy nhất. Cùng với QNS, cổ phiếu SAB và BHN đều đồng loạt giảm sâu. Chốt tuần, SAB giảm 25.000 đồng/CP xuống 200.000 đồng/CP. Thậm chí, trong phiên 20/12, SAB giảm sàn xuống 197.200 đồng/CP.

SAB giảm sâu khiến vốn hóa thị trường Sabeco “bốc hơi” 16.032 tỷ đồng xuống 128.256 tỷ đồng. Dù vậy, Sabeco vẫn nằm trong Top 3 doanh nghiệp có vốn hóa thị trường lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Trong khi đó, BHN lao dốc chóng mặt hơn SAB. Chốt tuần, BHN dừng ở mức 95.200 đồng/CP, tương ứng 42,2% xuống 130.600 đồng/CP. Vì BHN, vốn hóa thị trường Habeco giảm 22.067 tỷ đồng.

Tác giả bài viết: Bảo Linh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP