Pháp luật

Ông Trầm Bê: 'Tôi thiếu hiểu biết pháp luật'

Nguyên phó Chủ tịch HĐQT Sacombank tự tin rằng không làm sai, nếu có vi phạm là do suy nghĩ đơn giản, thiếu hiểu biết.

Ngày 31/7, phiên xử ông Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch HĐQT VNCB, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh), Trầm Bê (cựu phó Chủ tịch HĐQT Sacombank) và 44 đồng phạm về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tiếp tục với phần tranh luận.

Tự bào chữa, ông Trầm Bê mong tòa xem xét mức án 4-5 năm tù VKS đề nghị trước đó "vì quá nặng nề". "Nếu tôi có sai phạm là do tôi suy nghĩ đơn giản, thiếu hiểu biết pháp luật, chứ không cố ý biết sai mà vẫn làm", bị cáo phân trần.

Ông Trầm Bê (giữa) và các bị cáo. Ảnh: Thành Nguyễn.

Ông Bê cũng cho rằng, trong 38 năm làm doanh nghiệp chỉ thực hiện những gì pháp luật cho phép, chưa từng có sai phạm nhỏ nào. "Tôi tự tin không sai vì nghĩ rằng, khi cho vay mà có sự bảo lãnh bằng tiền thì là đúng. Nhưng VKS luận tội tôi sai thì tôi không dám phản biện", cựu phó Chủ tịch HĐQT Sacombank trình bày.

Xin rút lại câu "không phục" tại phiên xử hồi đầu năm, ông Bê giải thích: "Không phải là không phục cơ quan điều tra, HĐXX hay VKS, mà là tôi không phục quan điểm cho rằng tôi giúp sức đắc lực cho ông Danh. Bởi tôi cho vay hoàn toàn không vì trục lợi, ông Danh gặp tôi là do khoản vay đó thuộc hạn mức tôi duyệt. Sau đó tôi dẫn xuống chỗ anh Phan Huy Khang làm đúng luật pháp".

Vẻ thành khẩn, bị cáo Bê đưa ra nhiều tình tiết xin HĐXX xem xét mức án thấp hơn đề nghị: "Từ đầu mùa tới cuối mùa tôi khai báo chân thành, rõ ràng từng chi tiết, không để cho cơ quan điều tra gặp khó khăn nào. Tôi khẳng định tôi có thể hoà nhập, đóng góp cho xã hội mà không gây rối".

HĐXX do Chánh tòa Hình sự làm chủ tọa. Ảnh: Thành Nguyễn.

Trước đó, luật sư Nguyễn Thị Mai Hồng (bào chữa cho ông Bê) giữ nguyên quan điểm tại phiên sơ thẩm trước, khẳng định thân chủ không cố ý làm trái, không đồng phạm giúp sức cho ông Danh gây thiệt hại 1.800 tỷ đồng của VNCB.

Về dân sự, dù trước đó VKS đã đề nghị giải tỏa kê biên quyền sử dụng đất số 591 An Dương Vương (quận Bình Tân), luật sư tiếp tục đề nghị HĐXX giải tỏa kê biên quyền sử dụng đất số 601 Hồng Bàng (quận 6) bởi cho đây là tài sản chung của vợ chồng ông Trầm Bê từ năm 1996, không phải là vật chứng của vụ án.

Dẫn ra nhiều tình tiết giảm nhẹ cho thân chủ như: nhân thân tốt, nhiều đóng góp cho công tác từ thiện; thành khẩn khai báo; là bị cáo lớn tuổi nhất, mắc bệnh tiểu đường nặng hơn 10 năm, hiện biến chứng gây suy thận, suy gan; thời gian tạm giam một năm đã đủ tính răn đe và nghiêm khắc... luật sư đề nghị HĐXX không cần thiết tiếp tục cách ly bị cáo khỏi xã hội.

Ông Phạm Công Danh. Ảnh: Thành Nguyễn.

Trong phạm vi vụ án này, ông Danh bị cáo buộc đã chỉ đạo đồng phạm rút trái phép tiền của nhà băng, bảo lãnh cho 29 lượt pháp nhân (là các công ty do ông thành lập, hoặc mượn) để làm hồ sơ vay khống ngân hàng Sacombank, BIDV, TPBank. Do các công ty này không thể trả nợ, 3 nhà băng đã thu hồi tiền cho vay từ tiền gửi của VNCB, khiến VNCB thiệt hại hơn 6.100 tỷ đồng.

Trong đó, ông Trầm Bê cùng cấp dưới Phan Huy Khang (Tổng giám đốc Sacombank) được xác định đã giúp sức cho ông Danh rút trái phép hơn 1.800 tỷ đồng của VNCB. Phía BIDV giúp sức ông Danh gây thiệt hại cho VNCB 2.550 tỷ đồng, số còn lại từ TPBank.

Ở giai đoạn một vụ đại án, ông Danh bị tuyên phạt 30 năm tù về các tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và bị buộc cùng đồng phạm bồi thường thiệt hại 9.000 tỷ đồng.

Tác giả: Kỳ Hoa

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP