Pháp luật

Đinh La Thăng nhận thêm 18 năm tù, bồi thường 600 tỷ đồng

Chiều 29-3, sau nhiều ngày nghỉ nghị án, TAND Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam- PVN) 18 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Trước đó, ông Thăng đã phải nhận 13 năm tù vì tội Cố ý làm trái trong vụ án liên quan đến Tổng công ty Xây lắp dầu khí PVC.

Hội đồng xét xử cũng tuyên phạt: Bị cáo Vũ Khánh Trường 5 năm tù; bị cáo Nguyễn Xuân Liêm 20 tháng cải tạo không giam giữ; bị cáo Nguyễn Xuân Thắng 22 tháng tù; bị cáo Phan Đình Đức (nguyên thành viên HĐQT, HĐTV PVN) 15 tháng cải tạo không giam giữ; bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó TGĐ PVN) 30 tháng tù; bị cáo Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng, Trưởng Ban tài chính kế toán và Kiểm toán PVN trong giai đoạn 2008-2011) 7 năm tội Cố ý làm trái, 16 năm tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, tổng hợp hình phạt chung là 23 năm tù.

Bị cáo Đinh La Thăng nhận tổng cộng 31 năm tù trong hai vụ án

Về trách nhiệm dân sự, tòa tuyên buộc bị cáo Đinh La Thăng cùng 6 đồng phạm liên đới bồi thường 800 tỷ cho cho PVN. Trong đó, ông Đinh La Thăng chịu trách nhiệm bồi thường 600 tỷ đồng vì là người phải chịu trách nhiệm chính.

Đưa ra mức án trên, HĐXX nêu rõ đã xét đến các tình tiết giảm nhẹ của các bị cáo như có nhân thân tốt, có nhiều đóng góp, có nhiều huân huy chương, được tặng thưởng nhiều danh hiệu của Nhà nước...

HĐXX nhận định: Trên cơ sở nội dung vụ án, kết quả thẩm vấn công khai tại tòa, căn cứ lời khai của bị cáo, người làm chứng, người liên quan, và các chứng cứ có trong hồ sơ, HĐXX cho rằng, có đủ cơ sở kết luận: Năm 2008, sau khi không được phép thành lập Ngân hàng Hồng Việt, PVN chuyển sang phương án góp vốn vào Oceanbank.

Bị cáo Đinh La Thăng là người chỉ đạo việc góp vốn để PVN trở thành cổ đông của

Oceanbank. Thực hiện chỉ đạo của bị cáo Thăng, các bị cáo khác đã thực hiện các bước để góp 800 tỷ đồng của PVN vào Oceanbank.

Do sự yếu kém của Oceanbank đã dẫn đến việc vốn của PVN tại NH này bị mất sau khi NHNN phải mua bắt buộc. Thiệt hại này là do hành vi trái pháp luật của bị cáo Thăng và đồng phạm gây ra.

Bị cáo Thăng với tư cách là Chủ tịch Hội đồng thành viên đã ký việc tham gia góp vốn nhưng không thông qua HĐQT, tự quyết định góp vốn khi biết rõ sự yếu kém của Oceanabnk. Bị cáo Thăng đã không thực hiện theo đúng yêu cầu của Bộ Tài Chính, biết rõ hiện trạng yếu kém của Oceanbank nhưng vẫn chỉ đạo góp vốn vào NH này.

Hậu quả, toàn bộ 800 tỷ đồng của PVN đã bị mất hoàn toàn khi Oceanbank bị thua lỗ, khiến NHNN phải mua bắt buộc. Hành vi của bị cáo Thăng đã vi phạm quy chế tài chính công ty mẹ, Luật Các tổ chức tín dụng... và trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tại tòa, bị cáo Thăng và các luật sư cho rằng, bị cáo không cố ý làm trái. HĐXX cho rằng, ông Thăng đã tự ký thỏa thuận góp vốn vào Oceanbank. Thỏa thuận có nội dung cơ bản: Hai bên thỏa thuận góp vốn, tỷ lệ tương đương 20%, PVN có nghĩa vụ chuyển tiền đúng thời hạn và có được quyền lợi là trở thành cổ đông của Oceanbank,

Thỏa thuận này có quy định trách nhiệm của PVN, từ đây PVN ra Nghị quyết góp vốn. Do đó, có đủ cơ sở xác định, thỏa thuận này là chủ trương, làm căn cứ cho việc thực hiện góp vốn của PVN vào Oceanbank. Bị cáo Thăng ký thỏa thuận này không thông qua HĐQT, cũng như đánh giá của HĐQT là trái điều lệ tổ chức hoạt động của PVN, trái với quy chế làm việc của PVN.
HĐXX cho rằng: Từ việc ký chủ trương góp vốn đến khi ký nghị quyết góp vốn, bị cáo Đinh La Thăng không chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, dù theo quy định, việc đầu tư phải báo cáo Thủ tướng trước khi thực hiện.

Bộ Tài Chính có công văn đề nghị PVN báo cáo rõ tình hình hoạt động của Oceanbank để tránh rủi ro trước khi đầu tư. Đây là điều kiện bắt buộc khi góp vốn, không phải là khuyến cáo như lời khai của các bị cáo. Trên thực tế khi nhận được công văn này, bị cáo Thăng không làm theo mà vẫn chuyển tiền góp vốn.

Tài liệu điều tra, kết qủa đối chất tại tòa cho thấy, dù bị cáo Thăng không ký Nghị quyết góp vốn lần 3, nhưng ô Thăng được báo cáo. Ngoài ra, bị cáo Thắng có báo cáo ông Thăng. Hơn nữa, theo điều lệ, Chủ tịch HĐTV phải có trách nhiệm giám sát. Nhưng bị cáo không có chỉ đạo gì. Bị cáo còn ký quyết định phân công người đại diện phần vốn góp của PVN tại Oceanbank. Bị cáo Thăng vẫn chỉ đạo duy trì vốn vượt quá 15%, trái với quy định tại Luật Các Tổ chức tín dụng.

Xuyên suốt qúa trình, đến nay PVN mất 800 tỷ đồng khi Oceanbank bị mua lại 0 đồng. Việc làm của Thăng là trái ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, trái Luật Tổ chức các tổ chức tín dụng, là hành vi cố ý làm trái.

Các luật sư bào chữa cho bị cáo Thăng và các bị cáo khác cho rằng, không có thiệt hại, do hàng năm PVN vẫn nhận được cổ tức của Oceanbank và không có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi của bị cáo Thăng và việc mất 800 tỷ đồng của PVN.

Về việc này, HĐXX cho rằng: Kết quả thanh tra cho thấy Oceanbank bị lỗ lũy kế. Số liệu thanh tra chỉ ra phần lớn các sai phạm của Oceanbank, tuy nhiên Oceanbank không chỉnh sửa mà ngày càng tái phạm với mức độ lớn hơn. Lợi nhuận trước thanh tra của Oceanbank là hơn 43 tỷ, sau thanh tra là lỗ hơn 10.000 tỷ. Tức là Oceanbank đã âm vốn sở hữu 2,5 lần. Số liệu trước và sau thanh tra là lớn, cho thấy báo cáo tài chính hàng năm của Oceanbank là không chính xác.

Đặc biệt chủ trương chi lãi ngoài đã gây thiệt hại cho khách hàng hàng hơn 69 tỷ, cho các cổ đông của Oceanbank là hơn 1.000 tỷ. Cho nên báo cáo lợi nhuận cổ tức là ảo, không đúng sự thật.

Bị cáo Thăng không thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Tài chính mà cố tình góp vốn 800 tỷ đồng của PVN vào Oceanbank, sau đó ký quyết định cử người đại diện phần vốn góp của PVN tại Oceanbank. Đây là hành vi làm trái quy chế quản lý tài chính Công ty mẹ.

PVN cũng đã không phát hiện sai phạm của Oceanbank, trong thời gian đó, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn giữ chức vụ TGĐ Oceanbank đã có một loạt các sai phạm từ chủ trương chi lãi ngoài, gây thiệt hại cho PVN hơn 47 tỷ đồng trong vụ án Hà Văn Thắm đã xét xử. NHNN đã phải mua bắt buộc 0 đồng. Hành vi cố ý làm trái do bị cáo Thăng và các bị cáo với hậu quả xảy ra là có mối quan hệ nhân quả.

Luật sư cho rằng, 800 tỷ đồng không mất vì vốn điều lệ Oceanbank vẫn giữ nguyên 400 tỷ đồng, chỉ chuyển giao vốn từ Oceanbank sang NHNN. HĐXX nhận thấy, việc NHNN mua bắt buộc là quan hệ mua giữa NHNN và cổ đông, không phải là chuyển giao vốn. Theo Luật Doanh nghiệp, Luật Các tổ chức tín dụng, vốn điều lệ là vốn cổ đông thực góp. Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp có thể có lãi hoặc lỗ. Nếu lỗ làm giảm vốn điều lệ và ngược lại. Tại Oceanbank, giá trị thực là số âm rất lớn.

Kết luận thanh tra giám sát NHNN thể hiện thực trạng tài chính của Oceanbank năm 2014. Các khoản nợ xấu chiếm hơn 14.923 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế lỗ hơn 10.000 tỷ đồng, âm vốn gần 2,5 lần vốn chủ sở hữu. Năm 2014, PVN có công văn xin thoái vốn. Văn phòng Chính phủ đã đồng ý, sau đó dừng chủ trương thoái vốn. Giả sử cho dừng thoái vốn, Ocecanbank cũng không có khả năng thanh toán. Nếu cho thoái vốn sẽ chuyển thiệt hại từ PVN sang doanh nghiệp khác. Do đó, HĐXX không chấp nhận luận cứ trên của các luật sư.

Bị cáo Thăng cũng khai nhận, có 2 doanh nghiệp (1 doanh nghiệp Singapore và 1 doanh nghiệp trong nước) chào mua cổ phần của PVN tại Oceanbank. Tuy nhiên, bị cáo không cung cấp tài liệu chứng minh.

HĐXX không chấp nhận những lời khai trên của bị cáo. Theo HĐXX, việc truy tố của VKS đối với bị cáo Thăng là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Tác giả: Thanh Hòa

Nguồn tin: Báo Công an TPHCM

  Từ khóa: Ông Đinh La Thăng ,PVN

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP