Xã hội

Nuốt phải tinh dầu thuốc lá điện tử, nam sinh 16 tuổi hôn mê

Thông tin từ Bệnh viện 199 (Bộ Công an) cho biết, bệnh viện đang tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhân nam, 16 tuổi, bị ngộ độc tinh dầu thuốc lá điện tử.

Nam sinh tên là L.H.T.A. 16 tuổi, ở Sơn Trà, Đà Nẵng được đưa vào Khoa Cấp cứu - Bệnh viện 199 trong tình trạng lơ mơ, nói nhảm, tê toàn thân, tay chân có dấu hiệu co rút.

Theo lời kể của giáo viên, sau khi bệnh nhân được bạn cho uống thuốc không rõ loại nên đã có biểu hiện lơ mơ, tê toàn thân. Sau đó, bệnh nhân được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện 199.

Qua thăm khám, bước đầu các bác sĩ ghi nhận bệnh nhân bị ngộ độc chất kích thích tác động lên hệ thần kinh gây ức chế.

Bệnh nhân được xử trí thở oxy đảm bảo hô hấp, gắn monitor theo dõi huyết động liên tục, an thần giãn cơ, đặt đường truyền, xét nghiệm các tiền chất gây nghiện.

Sau 1 giờ lưu tại Khoa Cấp cứu, bệnh nhân được chuyển vào Khoa Hồi sức tích cực Chống độc theo dõi và điều trị.

Theo Bác sĩ Đỗ Văn Tá – Khoa khám bệnh - Cấp cứu cho biết, sau quá trình tìm hiểu thì nguyên nhân là do bệnh nhân nuốt phải tinh dầu của thuốc lá điện tử nên dẫn đến các biểu hiện trên. Hiện tại bệnh nhân đang được điều trị trong tình trạng ổn định.

Thuốc lá điện tử hầu hết đều chứa nicotin, có thể gây hại cho não bộ của các bạn trẻ ở độ tuổi thanh thiếu niên. Thêm vào đó, phơi nhiễm nicotin cấp tính có tác hại rất lớn, đã có trường hợp trẻ em và người lớn bị ngộ độc khi nuốt, hít hay bị văng dịch lỏng trong thuốc lá điện tử vào mắt hoặc dính trên da.

"Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân và gia đình, học sinh không nên sử dụng thuốc lá điện tử nói riêng và chất kích thích nói chung dù chỉ một lần" - bác sĩ Tá khuyến cáo.

Đã có rất nhiều ca bệnh tử vong vì sử dụng thuốc lá điện tử/thuốc lá thế hệ mới do tổn thương nhu mô phổi, viêm phổi.

Các thành phần có trong thuốc lá điện tử/thuốc lá thế hệ mới ảnh hưởng đến sức khỏe của người hút

Tại hội thảo chuyên đề cập nhật thông tin về tác hại của thuốc lá mới do Bộ Y tế vừa tổ chức, Ths. Vũ Văn Thành- Bệnh viện Phổi Trung ương, Hội Phổi Việt Nam cảnh báo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang tác động rất lớn đến sức khỏe con người, đặc biệt là giới trẻ.

Theo BS Thành, thực tế ghi nhận tại Bệnh viện Phổi Trung ương, từ năm 2005 đến nay, đã có rất nhiều ca bệnh tử vong vì sử dụng thuốc lá điện tử/thuốc lá thế hệ mới do tổn thương nhu mô phổi, viêm phổi. Đây là tổn thương cấp tính.

Theo các chuyên gia, tỷ lệ người sử dụng thuốc lá điện tử đang ngày một tăng, nhất là trong học sinh cấp 2, học sinh trung học phổ thông. Thống kê cho thấy trong năm 2019, có tới 2,6% học sinh từ 13-17 tuổi hút thuốc lá điện tử. Với tâm lý tuổi mới lớn, nhiều em đã sử dụng thuốc lá điện tử để thể hiện bản thân mà không nhận thức được thuốc lá điện tử có hại như thế nào.

Theo các bác sĩ về bản chất, thuốc lá điện tử sử dụng pin để làm nóng dung dịch có chứa nicotine và các chất hóa học khác, đựng trong ống, bình bắt mắt dùng một lần hoặc có thể tái nạp, tạo ra khói để người sử dụng hít vào. Còn thuốc lá nung nóng là sự kết hợp thiết bị và sản phẩm thuốc lá chuyên dùng làm sản sinh ra khí chứa nicotine và các hóa chất khác. Các thành phần có trong thuốc lá điện tử/thuốc lá thế hệ mới ảnh hưởng đến sức khỏe của người hút. Chẳng hạn như nicotine sử dụng kéo dài gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, đặc biệt là sức khỏe của bà mẹ và trẻ em.

Trong khi đó, propylene glycol có thể tạo thành propyleneoxide, một chất gây ung thư khi được đun nóng. Glycerin/glycerol gốc thực vật: khi được đun nóng và hóa hơi, tạo thành acrolein, có thể gây kích ứng đường hô hấp trên. Kim loại như chì, bạc (cadmium, chromium), thủy ngân (nickel) có thể gây ung thư.

“Khi sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng lâu dài, người nghiện sẽ phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh tim mạch, bệnh phổi, tổn thương phổi, mắc ung thư...,” BS Thành cảnh báo.

Thuốc lá điện tử không giúp cai thuốc lá truyền thống

Đại diện WHO khẳng định không có bằng chứng cho thấy thuốc lá điện tử ít gây hại hơn so với thuốc lá điếu truyền thống. Thuốc lá điện tử là những sản phẩm thuốc lá nên chúng không thể được coi là công cụ hỗ trợ cai nghiện thuốc lá hiệu quả. Thế giới chưa có bằng chứng cho thấy thuốc lá điện tử giúp cai thuốc. Ngược lại, bằng chứng từ các nước cho thấy người sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng vẫn có nguy cơ sử dụng thuốc lá thông thường. Trong số này có nhiều người sử dụng đồng thời cả thuốc lá điện tử và thuốc lá truyền thống.

Tác giả: H. T

Nguồn tin: Báo Sức khỏe & Đời sống

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP