Cuộc sống

Nửa đêm thấy vợ xuống bếp cầm dao vừa đi vừa hát và sự thật đằng sau hành động ấy mới xót xa

"Cho đến một đêm, tôi xuống bếp uống nước thì gặp vợ lăm lăm con dao trong tay, vừa hát khe khẽ vừa nhứ nhứ con dao định cứa tay. Tôi hoảng loạn giật dao ra, hỏi han mãi mà cô ấy cứ đờ đẫn không nói được lời nào", ông chồng kể lại.

Trầm cảm sau sinh là chuyện mà bất cứ người phụ nữ nào cũng có thể mắc phải sau khi sinh con. Người nào may mắn có mẹ chồng tốt, hoặc được về nhà mẹ đẻ lúc ở cữ thì còn dễ chịu, ngược lại, khi mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu nghiêm trọng, bệnh này có thể khiến con dâu rơi vào trạng thái trầm uất khó tưởng tượng.

Chuyện của hai người đàn ông từng chứng kiến biểu hiện lạ của vợ khi bị rơi vào trạng thái trầm cảm sau khi sinh vì áp lực từ mẹ chồng thật khủng khiếp, đáng để bất cứ người chồng nào cũng nên đọc và thấu hiểu.

Ảnh minh họa

H (32 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: "Mẹ chồng nàng dâu chưa hiểu nhau là chuyện thường, tôi là đàn ông cũng ít để ý. Nhưng thực sự hậu quả của nó khi vợ sinh con thì quá kinh khủng. Dạo ấy vợ tôi sinh được vài ngày thì tôi phải đi công tác xa. Mỗi tháng tôi chỉ về được 5 ngày. Tháng thứ 2 con tôi đã viêm phổi, tháng thứ 3 thì sốt co giật. Mẹ tôi liên tục gọi điện ca thán, chê bai con dâu vụng về, nuôi con chậm lớn, bệnh tật đầy người khiến tôi cũng nản không muốn nghe điện thoại.

Tối hôm ấy, khi tôi trở về nhà, con quấy khóc tôi thấy vợ bật dậy dỗ con còn tôi vẫn mơ màng ngủ. Một lát sau, bỗng dưng tôi bị giật mình tỉnh giấc, thấy vợ vẫn ngồi ở góc phòng, liên tục tát vào mặt và khóc, rồi cô ấy lừ đừ bước ra ban công, loay hoay trèo lên. Tôi lao như tên bắn ra ôm chặt vợ.

Cả đêm tôi dỗ dành, cô ấy cứ vừa khóc vừa sỉ vả chính mình. Hóa ra sự thật là những lời cay nghiệt mẹ tôi nói, không phải chỉ mình tôi nghe. Không hiểu ở nhà cô ấy phải chịu đựng những gì. Tôi sợ quá, ngay ngày hôm sau xin phép đưa cô ấy về nhà bố mẹ đẻ, rồi khi kết thúc đợt công tác tôi chuyển ra ở riêng. Trầm cảm sau sinh đúng là đáng sợ".

Ảnh minh họa

N (28 tuổi, Nam Định) lại có ký ức đáng sợ hơn nữa: "Tôi vốn tính lười, lại vụng về nên không giúp được vợ chăm con. Đợt vợ sinh công việc tôi bận, thức đêm nhiều, khó chịu vì con khóc nên tôi làu bàu. Mẹ tôi ủng hộ tôi ngủ riêng, còn bà sẽ ở cùng vợ tôi để chăm thằng cháu đích tôn.

Cho đến một đêm, tôi xuống bếp uống nước thì gặp vợ lăm lăm con dao trong tay, vừa hát khe khẽ vừa nhứ nhứ con dao định cứa tay. Tôi hoảng loạn giật dao ra, hỏi han mãi mà cô ấy cứ đờ đẫn không nói được lời nào. Mẹ tôi thấy ồn ào còn lao ra mắng cô ấy, bảo là chăm con vụng thối vụng nát còn bày đặt trầm cảm sau sinh. Sự thật, tôi không biết hết mọi chuyện, nhưng chắc vợ tôi bị mẹ gây áp lực quá nhiều khi thằng bé mãi không lên cân. Tôi phải ra mặt xử lý, tự tay chăm con cùng vợ, vứt luôn cái cân ra khỏi nhà thì mọi chuyện mới yên ổn".

Vậy mới nói, đời người phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng. Làm dâu vốn đã nhiều áp lực, lúc sinh con mà chồng thiếu quan tâm, thêm sự khắt khe, khó chịu, mắng nhiếc hay dằn vặt từ mẹ chồng khó tính thì càng khiến bệnh trầm cảm sau sinh dễ hình thành.

Thật sự mong các ông chồng yêu vợ thương con phải cố gắng dung hòa mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu, tạo điều kiện để gia đình vui vẻ nhất chứ đừng mạo hiểm xa vợ lúc ở cữ. Khi phát hiện vợ có dấu hiệu bất thường, phải quan tâm chia sẻ và giải quyết rõ ràng quan điểm nuôi con để tránh hậu quả đau đớn.

Tác giả: Daisy

Nguồn tin: helino.ttvn.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP