Giáo dục

Nữ sinh làm nên lịch sử tại Olympic Sinh học quốc tế

Lần thứ hai dự thi, Nguyễn Phương Thảo đứng đầu trong số 261 thí sinh, giúp Việt Nam được xướng tên ở ngôi vị cao nhất.

Chiều 23/7, ông Nguyễn Quý Thắng thấp thỏm đứng gần hai tiếng trong hàng dài ở sảnh sân bay Nội Bài (Hà Nội) chờ đón đoàn Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế (IBO) 2018 trở về từ Iran. Con gái ông, Nguyễn Phương Thảo, đã giành được vinh quang lớn nhất với giải thưởng "The first winner" (người chiến thắng cuộc thi).

Xa con 8 ngày, thậm chí không được phép gọi điện thoại, ông Thắng vừa ngóng nhìn vào trong sân bay vừa nói: "Tôi quá hồi hộp nên không biết phải nói gì. Từ lúc cô giáo gọi về thông báo Thảo đoạt giải cao, cảm giác của tôi rất khó tả".

Không chỉ bố của Thảo mà rất đông bạn bè, thầy cô trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng có mặt từ sớm, hò hét và vây kín nữ sinh khi vừa gặp lại. Tấm băng rôn của nhóm học sinh đề dòng chữ: "Tập thể 12A1 Sinh chúc mừng Thảo đạt HCV top 1 quốc tế".

Nguyễn Phương Thảo được chào đón ở sân bay Nội Bài. Video: Thùy Linh

Kỷ lục cho đoàn Việt Nam

Tham dự kỳ thi năm thứ hai, mục tiêu ban đầu của Nguyễn Phương Thảo chỉ là được chạm tay vào huy chương vàng, bởi năm ngoái em đạt huy chương bạc.

"Khi anh MC nói Chào mừng bạn Thảo đến từ Việt Nam, trong đầu em hiện lên tất cả hình ảnh về những người đã giúp đỡ, định hướng cho em, hình ảnh bản thân đã nỗ lực nhiều như thế nào trong thời gian qua để đạt kết quả tốt hơn năm ngoái", Thảo kể lại giây phút được xướng tên ở ngôi vị cao nhất.

Cô gái sinh năm 2000 cho biết, đề thi năm nay phân hóa cao, cách chấm điểm rất khắt khe so với các năm trước. Một bài lý thuyết gồm 50 câu, mỗi câu có 4 ý yêu cầu chọn trắc nghiệm đúng sai. Bình thường, nếu đúng 4 ý sẽ được trọn 1 điểm; 3 ý là 0,6 điểm; 2 ý là 0,2 và đúng 1 ý thì không được điểm. Tuy nhiên, theo quy định của năm nay, đúng 4 ý được trọn 1 điểm; 3 ý được 0,5; đúng 2 ý hay 1 ý đều là 0 điểm. Điều này khiến việc kiếm điểm trở nên khó khăn hơn.

Nguyễn Phương Thảo đã đổi màu huy chương thành công. Ảnh: Thùy Linh

Nữ sinh chuyên Sinh chia sẻ, phương pháp học của em là luôn gắn lý thuyết với thực hành. Khi bắt gặp một phần thực hành, em sẽ tìm hiểu xem kiến thức lý thuyết xung quanh nó là gì. Ngược lại, khi học lý thuyết, em sẽ tìm hiểu những thí nghiệm mà mình có thể làm được trong khuôn khổ nội dung đó.

Biến áp lực thành động lực

Thầy Nguyễn Quang Trung, giáo viên chủ nhiệm suốt ba năm cấp 3 cho biết Thảo luôn là người xuất sắc nhất lớp và nhất trường về môn Sinh. Em luôn khiến thầy cô yên tâm vì có thể tự tìm tòi, lên sơ đồ kiến thức một cách bài bản, chỉn chu. Cũng nhờ khả năng tự học, Thảo không vướng mắc ở bất kỳ môn học nào.

"Từ khi Thảo đứng số một kỳ thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế, tôi biết chắc em sẽ có giải", thầy Trung nói.

Là một người có quyết tâm cao, Thảo đặt ra chiến lược từ rất lâu, không phải chỉ tập trung ôn trong vài tháng. Theo em, đối với môn Sinh, người học phải vừa ghi nhớ khối lượng kiến thức khổng lồ, vừa rèn khả năng suy luận. Bên cạnh việc đọc nhiều, Thảo thường xuyên luyện giải đề để tăng phản xạ.

Bạn thân của Thảo, Nguyễn Thị Nguyệt Hà (lớp Chất lượng cao, THPT chuyên Khoa học Tự nhiên) đã ở cùng một vài đêm và chứng kiến cảnh nữ sinh say sưa học bài đến tận 2, 3 giờ sáng. Với Hà, Phương Thảo là định nghĩa của sự hoàn hảo, không chỉ xuất sắc trong học tập mà còn ứng xử rất tinh tế, hài hòa với mọi người xung quanh.

Ông Sái Công Hồng, Cục phó Quản lý Chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đến sân bay Nội Bài chào mừng đoàn Olympic Sinh học quốc tế. Ảnh: Thùy Linh

Thảo không giấu giếm áp lực khi tham dự kỳ thi lần thứ hai, đặc biệt là từ chính bản thân. "Tuy nhiên, chỉ cần biến áp lực đó thành động lực, em tin ai cũng có thể thành công", Thảo khẳng định.

Kỳ thi IBO 2017 là thử thách đầu tiên và cũng là bước đệm, mang đến cho Thảo nhiều kinh nghiệm. Sau thành tích mới đạt được của năm nay, Thảo tự nhủ không được ngủ quên trên chiến thắng, luôn trau dồi bản thân để đối mặt với nhiều thử thách phía trước.

Nữ sinh sẽ nộp đơn vào Đại học Khoa học Tự nhiên, hệ cử nhân tài năng ngành Sinh học để tiếp tục theo đuổi niềm đam mê khoa học vốn được nuôi dưỡng từ bé qua các chương trình thế giới động vật trên truyền hình.

Cuộc thi IBO 2018 lần thứ 29 tổ chức ở nước Cộng hòa Hồi giáo Iran là lần Việt Nam đạt thành tích tốt nhất. Cả 4/4 thí sinh dự thi đều đoạt huy chương, trong đó có 3 giải vàng và một giải bạc.

PGS Mai Sỹ Tuấn, trưởng đoàn Olympic Sinh học Việt Nam thông tin, tính đến nay Việt Nam giành được tổng cộng 6 huy chương vàng, trong đó số lượng năm 2018 chiếm một nửa.

Ngoài thành tích của Nguyễn Phương Thảo, em Trần Thị Minh Anh (lớp 12, THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng) đứng thứ 9 trên 261 thí sinh tham dự cuộc thi, em Hoàng Minh Trung (lớp 11, THPT chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa) đứng thứ 19 và em Hoàng Văn Đông (lớp 12, THPT chuyên Nguyễn Trãi, Hải Dương) xếp ở vị trí 64.

Tác giả: Thùy Linh

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP