Xã hội

Nữ hiệp sĩ blouse trắng trên biển

Vật lộn với cơn say sóng, bà Phạm Thị Ánh Hồng là bác sĩ đầu tiên trên cả nước theo tàu ra biển cứu chữa cho ngư dân gặp nạn.

Nghe Bộ đội biên phòng Đà Nẵng báo tin có tàu vận tải bị chìm ở biển Hoàng Sa (chủ quyền Việt Nam), 11 thuyền viên người Ấn Độ và Trung Quốc đang hoảng loạn chống chọi với sóng dữ, bà Phạm Thị Ánh Hồng gọi điện nhờ người nói với con trai rằng mẹ đang trong giờ làm việc, phải tắt máy.

Ít phút sau, bà cùng 5 nhân viên y tế khác mang theo trang thiết bị y tế cầm tay có mặt tại cầu cảng. Tàu vừa ra hết phao số 0, bà và đồng nghiệp đã nửa mê nửa tỉnh vì say sóng. Nữ bác sĩ tự vấn an "các thuyền viên đang cần mình" để chống chọi với những cơn sóng lừng.

Bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng tư vấn sơ cứu cho ngư dân. Ảnh: Nguyễn Đông.

Dù mệt lả, nhưng khi tận mắt thấy thuyền viên đói, rét và kiệt sức sau nhiều giờ vật lộn giữa biển khơi, bà Hồng và các bác sĩ bật dậy, vừa nhờ người cầm túi nôn đứng cạnh mình, vừa cấp cứu các nạn nhân để chuyển họ về bờ. Các thuyền viên không cùng ngôn ngữ siết chặt tay các bác sĩ, ai cũng ấm lòng.

Đó là chuyến đi biển cứu người đầu tiên của bác sĩ chuyên khoa 1 Phạm Thị Ánh Hồng, Phó giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng, năm 2007. "Nếu con biết mình đi biển sẽ lo, nên phải nói dối để kịp lên tàu", bà giải thích về cuộc điện thoại trước lúc đi ra khơi cứu người.

Sau chuyến đó, bà Hồng cùng đồng nghiệp thường có mặt trên biển cấp cứu cho ngư dân. Dù chưa có bất kỳ văn bản nào về quy chế phối hợp giữa Trung tâm cấp cứu 115 với các đơn vị cứu nạn trên biển, nhưng các bác sĩ 115 Đà Nẵng đã hơn 100 lần có mặt giữa trùng khơi.

Bà Hồng là thủ lĩnh trong nhóm bác sĩ "cơ động" ứng cứu ngư dân và là nữ bác sĩ đầu tiên xung phong ra biển. Số điện thoại di động của nữ bác sĩ được lưu tại Bộ đội biên phòng Đà Nẵng, Đài thông tin duyên hải Đà Nẵng và Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 (Danang MRCC đóng tại Đà Nẵng).

Mỗi khi ngư dân gặp nạn, bà Hồng là người đầu tiên tư vấn sơ cứu cho bạn tàu. Qua sóng Icom chập chờn, bác sĩ phải chẩn đoán bệnh nhanh và chính xác nhất, dù nhiều khi ngư dân hoảng loạn không thể mô tả biểu hiện của người bị nạn.

Hội chẩn trong chốc lát, những trường hợp bị nạn nhẹ, bà Hồng điều đồng nghiệp, chủ yếu là nam giới chịu được sóng gió. Còn những ca bệnh nặng, bà lại thu xếp công việc và chỉ 5-10 phút sau là có mặt trên tàu. Hành trang ngoài valy cấp cứu nhiều lúc còn phải mang theo cả máy sốc tim.

"Quy trình trước đây là khi có bản fax của Trung tâm tìm kiếm thiên tai và cứu nạn Đà Nẵng thì Trung tâm 115 sẽ điều bác sĩ ra khơi. Nhưng bây giờ cứ có điện thoại của trung tâm là chúng tôi đi liền. Để ra được nơi người bị nạn mất nhiều giờ, việc cứu người chạy đua với thời gian nên càng cắt giảm được thủ tục nào là chúng tôi làm", bà Hồng nói.

Không nhớ chính xác đã ra khơi cứu nạn ngư dân bao nhiêu lần, bà Hồng nói chuyến đi ám ảnh nhất là theo tàu SAR 412 của Danang MRCC ra cứu nạn thuyền trưởng một tàu cá Quảng Nam bị ngã chấn thương sọ não ở vùng biển cách bờ 92 hải lý.

11h tàu SAR ra khơi, trời yên biển lặng. Nhưng vừa qua khỏi phao số 0 thì gió giật cấp 9, cột sóng cao tới 5m. Cửa kính của tàu cứu nạn bị sóng dội vỡ nát. Các thuyền viên dù đã dày dặn kinh nghiệm đi biển nhưng đều say sóng, nằm mỗi người một góc.

Bà Hồng cùng với một nữ y sĩ đi cùng bật điện thoại lên ghi âm giọng nói, phòng khi tàu chìm thì còn có đôi lời nhắn gửi đến con trai, gia đình. Nhưng sóng gió át hết tiếng hai người phụ nữ đang nói như hét vào điện thoại.

Mắt nhắm nghiền để chống chọi với say sóng, bà Hồng lại nhớ con quay quắt. Bà ân hận vì nói dối không cho con biết mình đi biển. Ân hận vì "mình đã có tuổi rồi, còn nữ y sĩ đi cùng chưa có chồng con mà mình lại dắt nó đi". Giọng bà Hồng dần lạc đi khi nhớ lại chuyện cũ.

Bác sĩ Ánh Hồng chụp ảnh lưu niệm cùng đoàn bác sĩ hải quân Mỹ trong một lần diễn tập trên tàu Bệnh viện của Mỹ. Ảnh: Nguyễn Đông.

Vượt qua sóng gió, bà biết mình không thể bỏ nghiệp cứu chữa ngư dân. "Qua Icom, nghe tiếng họ tha thiết, bất lực vì trong tay không có gì sơ cứu, tôi không cầm được lòng mình. Ra giữa biển khơi mới thấy khó khăn với ngư dân khi gặp nạn như thế nào. Nhiều khi nhìn thấy tàu ngư dân nhưng sóng to không tiếp cận được, tôi lại trực khóc", bà Hồng tâm sự.

Điều kiện cứu nạn trên biển hoàn toàn khác đất liền. Các bác sĩ không thể mang theo được những máy móc hiện đại, nên việc chẩn đoán bệnh, sơ cấp cứu cần đến kinh nghiệm và thuần thục kỹ năng. Hình ảnh vừa cấp cứu ngư dân, vừa nhờ người cầm túi nôn đứng bên cạnh đã là chuyện thường. Không ít bác sĩ sau chuyến đi biển về bị xuất huyết tiêu hóa.

Nguy hiểm nhất là những lúc chuyển từ tàu cứu hộ xuống canô để tiếp cận tàu có người bị nạn. Chiếc canô gặp sóng lớn tròng trành như muốn lật úp. Một tay vừa phải vịn chặt vào thành canô, tay còn lại các bác sĩ phải giữ valy cấp cứu để không rơi xuống biển. Nhiều khi nữ bác sĩ phải là người giỏi leo trèo mới vượt qua được đoạn thang dây lên các tàu chở hàng cứu người.

"Khi người bị nạn gặp được mình giữa biển khơi, giống như người chết đuối vớ được phao. Mình đã đến khi ngư dân cần, đem đến cho họ hy vọng được sống. Đó là cảm xúc thôi thúc chúng tôi lên đường", bà Hồng bộc bạch và cho biết buồn nhất là những lần đi cứu nạn nhưng do mất nhiều thời gian, ra đến nơi ngư dân đã tử nạn.

Những nỗ lực cứu nạn ngư dân của bác sĩ Hồng đã được Cục Hàng hải tuyên dương. Dịp kỷ niệm ngày thầy thuốc Việt Nam năm 2017, bà được nhận giải thưởng "Tỏa sáng blouse trắng" do UBND TP Đà Nẵng trao tặng.

Bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, đánh giá bác sĩ Ánh Hồng là người năng động, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc. "Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trên cả nước có các bác sĩ 115 ra khơi cứu giúp ngư dân. Bác sĩ Hồng là người đi đầu trong công việc này, giúp ngư dân có thêm điểm tựa và niềm tin khi gặp hoạn nạn giữa biển khơi", bà Yến nói.

Điều bà Hồng trăn trở, là các thuyền viên chưa có được kiến thức về sơ cấp cứu cơ bản. Nhiều tàu cá trang bị tủ thuốc sơ sài, thậm chí lắp tủ nhưng không có thuốc. Nhiều năm qua, Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng đã tổ chức hàng chục lớp tập huấn cho ngư dân để chính họ cứu chữa cho mình và bạn tàu, bớt được những cảnh sinh nghề tử nghiệp.

Niềm vui lớn nhất với bác sĩ Hồng là con trai đã thi đỗ vào Đại học Y dược Huế - nơi bà từng theo học. Giờ, mỗi lần theo tàu ra khơi cứu chữa ngư dân bà không còn phải nói dối con, bởi con đã đồng cảm và ý thức được trách nhiệm của người thầy thuốc.

Tác giả: Nguyễn Đông

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP