Pháp luật

Nữ giám đốc tự bán rẻ đất biệt thự ở ‘Đồi 79 Mùa xuân’ cho mình

Không góp đồng vốn nào, cựu giám đốc một công ty vẫn huy động được hơn 40 tỷ của cổ đông và còn chiếm hai biệt thự.

Dự án Đồi 79 Mùa xuân nằm ở xã Thanh Lâm, Đại Thịnh (huyện Mê Linh, Vĩnh Phúc cũ, nay là Hà Nội). Dự án được tỉnh Vĩnh Phúc cho phép công ty Cổ phần đầu tư và du lịch An Phát do Phan Thúy Mai (56 tuổi, ở thành phố Hồ Chí Minh) đầu tư xây dựng từ năm 2003.

Theo hồ sơ của cơ quan chức năng, trước năm 2003, bà Mai là giám đốc một công ty khác tên Toàn Thắng. Nhưng vì công ty này ở thành phố Hồ Chí Minh nên không được tỉnh Vĩnh Phúc cho phép đầu tư xây dựng. Năm 2003, bà Mai đã lập công ty An Phát nhanh chóng thay thế Toàn Thắng để giữ nguyên được việc đầu tư dự án lớn nói trên.

Công ty An Phát thành lập có số vốn điều lệ 30 tỷ. Bà Mai đăng ký làm cổ đông lớn nhất trong số 4 cổ đông thành lập với 60% vốn điều lệ. Với tỷ lệ góp vốn lớn nhất, bà Mai được giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc và là đại diện theo pháp luật của công ty An Phát. Tuy nhiên tiền góp vốn bà này chỉ đề trên giấy.

Tháng 10/2004, các cổ đông đồng sở hữu doanh nghiệp lần lượt góp đủ số vốn như cam kết, với tổng cộng 12 tỷ đồng. Nhưng bà Mai không góp đồng nào. Bị phát hiện, bà dùng mánh khóe “quay” vốn bằng cách bán cổ phần của chính các cổ đông, thu 19 tỷ rồi dùng tiền này góp vốn.

Chính việc làm này, khiến ba cổ đông khác thất vọng lần lượt thoái vốn.

Cơ quan chức năng cho biết, bí tiền hoàn vốn cho cổ đông, nhưng đầu năm 2005 bà Mai vẫn ký nhiều phiếu chi trả tiền góp vốn cho cổ đông và còn trả tiền cho chính mình dù chưa thực sự góp vốn. Sau đó, bà Mai dùng chiêu giật gấu vá vai. Bà mượn danh giám đốc, kêu gọi doanh nghiệp khác liên kết đầu tư dự án Đồi 79 mùa xuân.

Công ty TNHH đầu tư, xây dựng Long Việt và An Thành là hai doanh nghiệp lần lượt bị bà Mai “đưa vào tròng”.

Bà Mai thỏa thuận với công ty Long Việt mỗi bên đầu tư 21 tỷ vào dự án. Công ty Long Việt chuyển ngay vào tài khoản công ty của bà Mai 23 tỷ. Song, bà Mai dùng tiền này trả nợ cổ đông cũ, trang trải cá nhân hết. Chỉ vài tháng sau, công ty Long Việt nhận thấy cách làm việc của bà Mai có vấn đề đã rút hết vốn.

Bà Mai lại tìm đến công ty An Thành và ký được hợp đồng hơn 15 tỷ với doanh nghiệp này. Vay thêm ngân hàng 10 tỷ, bà Mai trả được nợ cho Long Việt. Song cũng chỉ một thời gian ngắn sau, không thấy việc đầu tư có hiệu quả, công ty An Thành cũng rút vốn. Lúc này vì quá bí, bà Mai chiếm đoạt 2 nền đất biệt trong dự án Đồi 79 mùa xuân với diện tích hơn 6 nghìn m2.



Theo hồ sơ vụ án, thực hiện Dự án Đồi 79 Mùa xuân, năm 2007, Công ty An Phát được UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao cho hơn 970 nghìn m2 đất, 973.839,8 m2, trong đó có hơn 160 nghìn m2 dùng để xây biệt thự, nhà vườn. Ngoài cấp đất, tỉnh Vĩnh Phúc cấp cho Công ty An Phát 194 sổ đỏ. Trong số sổ đỏ này có 2 nền đất biệt thự.

Giữa năm 2008, bà Mai không thông qua các cổ đông, HĐQT mà tự ý dùng tư cách giám đốc và người đại diện theo pháp luật của công ty, tạo dựng chứng từ khống, tự ký 2 hợp đồng chuyển nhượng hàng nghìn mét vuông đất từ Công ty An Phát sang chính cá nhân mình chỉ với giá hơn 9,8 tỷ đồng, không trả tiền mà lập khống phiếu thu của công ty. Trong khi đó, hai lô đất này sau đó được định giá hơn 30 tỷ. Năm 2010, khi các cổ đông phát hiện ra hành vi sai phạm đó, bà Mai mới chịu nộp vào công ty 9,8 tỷ đồng.

Để gian lận được việc mua rẻ hai lô đất biệt thự, bị cáo này nhờ chính quyền của xã khác không liên quan tới lô đất chứng nhận rồi móc ngoặc với cán bộ sở tài nguyên môi trường tỉnh Vĩnh Phúc.

Sau khi hợp thức hóa chủ quyền cá nhân đối với 2 nền đất biệt thự của Công ty An Phát, bà Mai liên tục thế chấp vay hàng chục tỷ đồng từ ngân hàng để phục vụ mục đích của bản thân.

Với những việc làm nêu trên, ngày 15/6, TAND Hà Nội mở phiên xét xử với Phan Thúy Mai về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Tuy nhiên, tại phiên tòa, bà Mai cho rằng không phạm tội như cáo trạng truy tố. Bà này khẳng định việc tự ý dùng tư cách người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký hợp đồng bán 2 nền đất biệt thự cho chính mình là không trái pháp luật. Bởi trước đó, Công ty Toàn Thắng và Công ty An phát đã có sự thỏa thuận với nhau.

TAND TP Hà Nội nhận định cần phải làm rõ thêm vấn đề này nên quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Tác giả bài viết: Bảo Hà

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP