Pháp luật

Nữ doanh nhân tiêu biểu xứ Huế đã vi phạm pháp luật như thế nào?

Việc một nữ doanh nhân tiêu biểu, nổi tiếng với chuỗi siêu thị ở tỉnh Thừa Thiên – Huế bị Công an tỉnh khởi tố vụ án, khởi tố bị can đã làm xôn xao dư luận. Vậy, nữ doanh nhân này đã vi phạm pháp luật như thế nào?

Sáng 2/1, theo thông tin từ phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, cơ quan này đang xem xét để thống nhất một số tội danh đối với bà Lê Thị Hương (SN 1958) - Chủ nhiệm Hợp tác xã Thương mại, dịch vụ Thuận Thành (HTX Thuận Thành), tờ Dân Việt đưa tin.

Trước đó, phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Lê Thị Hương. Sau khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can, phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tiến hành khám xét trụ sở HTX Thuận Thành, ở số 69 Nguyễn Biểu, phường Thuận Thành, TP.Huế, để thu thập chứng cứ phục vụ công tác điều tra.

Theo tờ Công An thành phố Đà Nẵng đăng tải, ngay sau khi thông tin Nữ doanh nhân tiêu biểu Việt Nam Lê Thị Hương bị bắt giữ, dư luận ở TP.Huế bàn tán xôn xao. Hàng trăm người dân, chủ yếu là cán bộ hưu trí điêu đứng khi họ đã trót lỡ gửi tiền tiết kiệm vào HTX do bà Hương lãnh đạo.

Một số cán bộ hưu trí ở phường Thuận Thành, TP.Huế cho biết, khoảng năm 2010, thấy siêu thị Thuận Thành do bà Hương làm chủ ăn nên làm ra nên khi nghe một số người nói nơi này có phát hành sổ tiết kiệm, huy động tiết kiệm tiền gửi và vàng để đầu tư kinh doanh thì nhiều người rủ nhau đến gửi tiết kiệm. Người gửi nhiều khoảng 500 - 700 triệu đồng, người gửi ít cũng 100 triệu đồng. Số tiền gửi này được Hương trả cao hơn khoảng 1,5 lần so với lãi suất ngân hàng.

Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đang điều tra làm rõ các hành vi vi phạm của bà Hương (Ảnh: Báo Công An Nhân Dân).

“Vợ chồng tôi khi về hưu dành dụm, tích cóp được 500 triệu đồng. Khi biết HTX của bà Hương phát hành sổ tiết kiệm huy động tiền gửi với lãi suất cao hơn ngân hàng nên tôi đến gửi. Khoảng 3 năm đầu, tiền lãi suất được trả đầy đủ nhưng gần 4 năm nay thì lãi suất không có. Nhiều lần tôi tìm đến để xin rút số tiền gửi thì bà Hương nói không còn khả năng chi trả. Lúc đó, tôi mới biết rất nhiều người lâm cảnh như vợ chồng tôi”, bác Th., một cán bộ hưu trí ở phường Thuận Lộc, TP.Huế cho hay.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Q., cán bộ hưu trí ở TP.Huế, cho biết, năm 2011, bà nghe con gái nói siêu thị Thuận Thành của bà Lê Thị Hương có huy động tiết kiệm vàng với lãi suất khá cao nên đã đưa 10 cây vàng SJC đến gửi. Sau khi gửi, bà được HTX đưa cho 1 cuốn sổ có đóng dấu đỏ của HTX, chữ ký của bà Hương. Cứ nghĩ sổ này cũng giống như sổ tiết kiệm của ngân hàng vì trong đó có ghi cả kỳ hạn nữa. Đúng kỳ hạn 2 năm, bà Q. đến xin rút toàn bộ số vàng để phụ con gái làm nhà thì được hẹn lần hẹn lữa. “Năm lần bảy lượt tôi đến đòi nhưng họ vẫn không trả. Đến nay, số vàng đó tôi vẫn chưa lấy lại được”, bà Q. bức xúc.

Ngoài trường hợp bà Q., có một số cán bộ hưu trí do tin tưởng uy tín làm ăn của siêu thị bà Hương nên có bao nhiêu tiền cũng dốc vào gửi. Ngay sau khi nhận được đơn tố cáo của một số người dân về việc HTX bà Hương đứng ra huy động vốn, nhưng đến kỳ hạn vẫn không cho người dân rút lại thì CQĐT vào cuộc và phát hiện sổ tiết kiệm đó hoàn toàn không hợp lệ. Bởi HTX bà Hương không phải là tổ chức tín dụng nên không có chức năng phát hành sổ tiết kiệm. Hầu hết các bị hại là cán bộ hưu trí, nhân viên từng làm việc tại đây do thấy HTX bà Hương làm ăn phát đạt nên cứ nghĩ gửi tiền ở đây cũng như gửi vào ngân hàng.

Theo tờ Dân Việt, đến thời điểm hiện tại, phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế xác định, trong khoảng thời gian từ năm 2009 - 2013, bà Hương đã lợi dụng tín nhiệm để phát hành sổ tiết kiệm nhằm huy động hàng chục tỷ đồng của người dân. Toàn bộ số tiền này được bà Hương sử dụng vào kinh doanh nhưng do thua lỗ nên không có khả năng trả nợ.

Qua thống kê bước đầu của cơ quan công an, đến ngày 31/12, đã có hơn 300 người dân gửi tiết kiệm cho HTX của bà Hương với tổng số tiền khoảng 15 tỷ đồng. Người gửi nhiều lên đến khoảng 500 - 700 triệu đồng, người gửi ít thì khoảng 100 triệu đồng. Số tiền gửi này được bà Hương trả lãi cao hơn khoảng 1,5 lần so với lãi suất ngân hàng. Hiện, cơ quan công an đang tiếp tục tổng hợp trình báo của các nạn nhân nên số tiền bà Hương huy động có thể sẽ còn lớn hơn con số 15 tỷ đồng nói trên.

Bên cạnh đó, bà Hương còn vay mượn tiền của nhiều người nhưng không có khả năng chi trả. Đồng thời, bà này còn có một số hành vi vi phạm khác mà cơ quan công an đang tiếp tục làm rõ.

Được biết, Lê Thị Hương từng được công nhận là nữ doanh nhân tiêu biểu toàn quốc. Mô hình kinh doanh của bà Hương từng tạo tiếng vang lớn, nhất là hệ thống siêu thị lớn có tiếng ở Huế. Nhiều doanh nhân trên địa bàn Thừa Thiên - Huế từng đến HTX bà Hương để học tập và mong bà chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh. Bà Lê Thị Hương từng được các cơ quan, tổ chức tặng thưởng nhiều danh hiệu như “Vì sự nghiệp ngành Thương mại”, “Vì sự nghiệp HTX”, “Nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” - Cúp Bông Hồng Vàng và nhiều bằng khen, giấy khen.

Tác giả: Bích Ngọc (Tổng hợp)

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP