Trong tỉnh

'Nóng' nạn bẫy thú rừng ở khu bảo tồn thiên nhiên

Nạn săn bắn, bẫy thú rừng đang diễn ra nhức nhối tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, Pù Hoạt,… khi một số người dân ở vùng đệm coi bẫy thú là nghề mưu sinh chính.

Vườn Quốc gia Pù Mát có diện tích hơn 93.000 ha, trải dài trên địa giới của 3 huyện Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương. Đây là một trong những khu vực rừng có nhiều loài động vật quý hiếm đang sinh sống như hổ, sao la, khỉ mặt ngựa…

Rất nhiều bẫy thú rừng các loại được thu giữ tại Vườn QG Pù Mát. Ảnh: Văn Trường

Tuy nhiên, hiện nay tình trạng săn bắn thú rừng ở đây diễn ra phức tạp; cùng đó, địa bàn các huyện có Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, Pù Hoạt các nhà hàng kinh doanh đặc sản rừng tiếp tục mọc lên.

Tại các vùng rừng của Vườn Quốc gia Pù Mát và các vùng đệm, các trạm Quản lý Bảo vệ rừng, lực lượng chức năng đã phát hiện, thu giữ được nhiều loại bẫy thú giăng khắp nơi.

Các động vật bị săn bắn, bẫy trái phép được đưa về chăm sóc tại Trung tâm cứu hộ động vật của Vườn Quốc gia Pù Mát, ảnh: Văn Trường

Từ năm 2013 đến nay, số bẫy mà các nhân viên bảo vệ rừng ở Vườn Quốc gia Pù Mát thu được lên đến con số hàng ngàn chiếc.

Các loại bẫy chủ yếu thường hay được sử dụng như: lao đâm, bẫy thòng lọng, bẫy kẹp. Các con vật chủ yếu mà các tay bẫy thú thường nhắm đến là lợn rừng, chồn, khỉ, sóc …

Thịt thú rừng gồm thịt lợn rừng, nai rừng trong tủ đông của một nhà hàng chuyên kinh doanh đồ rừng tại thị trấn Quỳ Hợp. Ảnh: Văn Trường

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng Quản lý Bảo vệ rừng (Chi cục Kiểm lâm) cho biết: “Trong năm 2017 ngành kiểm lâm đã xử lý 7 vụ vi phạm về quy định quản lý động vật hoang dã, thu được 89 cá thể (249 kg), phạt tiền 120 triệu đồng”.

Nhiều ý kiến cho rằng, để bảo vệ động vật quý hiếm, các cơ quan chức năng liên quan, đặc biệt là ngành kiểm lâm cần khẩn trương kiểm tra tất cả các nhà hàng, khách sạn kinh doanh động vật hoang dã, có biện pháp xử lý nghiêm minh theo pháp luật.

Tác giả: Văn Trường

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP