Kinh tế

Nông dân Ninh Thuận mất trắng mùa hành Tết

Hầu hết diện tích hành đã cho củ lớn, chuẩn bị thu hoạch nhưng nông dân đành phải nhổ bỏ vì bị ngập úng.

Năm nay, vùng trồng hành Tết tập trung ở huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận bị mất trắng do thời tiết thất thường. Một năm chỉ trông chờ vào vụ hành Tết, nhưng nay thất thu đã khiến nhiều gia đình lao đao.

Ông Lê Thành Bổn, 70 tuổi, đã hơn 30 năm gắn bó với nghề trồng hành ở xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải suốt 2 tuần qua cố cứu lấy rẫy hành gần 2 sào của gia đình nhưng không thể.

Ông Lê Thành Bổn (xã Thanh Hải) cho biết sau hạn hán, mưa lũ đến quá bất ngờ khiến nông dân trắng tay.
Hành bị thối rễ, thối củ, ông buộc phải nhổ bỏ gần như toàn bộ. Ông Bổn tốn hơn 37 triệu đồng chi phí mua giống, phân thuốc, đó là chưa kể đến gần 3 tháng ròng rã nhọc công chăm sóc.
“Thời tiết mưa gió làm hành hư hại hết, giờ tuổi ngày càng cao, thu nhập nhờ vào rẫy hành nhưng tình trạng này không còn cách nào xoay sở nổi”, ông Bổn buồn bã nói.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Ninh Hải, đợt mưa lũ vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho vùng trồng hành chuyên canh của địa phương. Hơn 328 ha hành trồng bán Tết của toàn huyện bị chết úng. Hầu hết diện tích hành đã cho củ lớn, chuẩn bị thu hoạch, nhưng nông dân đành phải nhổ bỏ.

Cả năm chỉ trông chờ vào vụ chính này, hành chết trụi, ai cũng xót xa. Chị Lê Thị Bé, một người trồng hành ở xã Nhơn Hải buồn bã nói: “Mùa này là mùa chính thu hoạch hành nhưng gia đình có 3 tấn hành đã hư hết cả. Tết năm nay cầm chắc khó khăn vì không còn nguồn thu nào khác”.

Ba năm qua, hạn hán liên tiếp xảy ra đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất cây hành ở Ninh Hải. Giữa năm 2016 có mưa đều, tưởng rằng vụ hành Tết Đinh Dậu sẽ khá hơn, nhưng không ngờ mưa lũ bất thường trong tháng 12 Dương lịch đã khiến cho nông dân ở đây trắng tay.

Ông Phạm Duy Sỹ, cán bộ nông nghiệp xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải cho biết, thời gian trước thời tiết khô hạn khiến việc trồng hành không triển khai được gây thiệt hại rất lớn. “Đến giờ diện tích trồng hành lại bị ngập, coi như mỗi năm diện tích canh tác của xã chỉ làm được 1 vụ nhưng bị hư hại hoàn toàn, gây ra nhiều khó khăn cho bà con nông dân”, ông Hải nói.

Khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn giống tái sản xuất. Ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận hiện đã tiến hành thống kê thiệt hại để có biện pháp hỗ trợ sản xuất cho bà con nông dân.

Tác giả bài viết: Việt Quốc

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP