Kinh tế

Nông dân Hà Tĩnh bất ngờ thu lợi từ loài cây "kẻ thù"

Bèo tây mọc tràn lan ở sông, ao, hồ, đầm lầy vừa cản trở tiêu thoát lũ, vừa xâm lấn ruộng đồng - thường được coi là loài cây “kẻ thù” của nông dân. Thế nhưng, người dân Hà Tĩnh lại kiếm được tiền từ loại cây này.

Người dân ở Can Lộc, Hà Tĩnh phấn khởi khi lần đầu tiên có thể kiếm tiền từ cây bèo tây. Ảnh: TT.

Trước khổ công trừ bỏ, nay vui mừng thu hoạch

Mấy hôm nay, dù thời tiết nắng nóng, nhưng trên sông Nghèn (Can Lộc, Hà Tĩnh) rất nhiều người dân đang dầm mình vứt bèo tây bứt lấy thân đem phơi khô để bán lấy tiền. Đây là công việc khởi đầu khá lạ lẫm với người dân nơi đây. Bởi từ trước tới nay, chưa bao giờ họ nghĩ loài cây dại này có thể bán lấy tiền.

Hiện giá mỗi kg thân bèo đã bỏ lá, bỏ rễ, rửa sạch phơi khô từ 9.000 - 11.000 đồng. Mỗi ngày một người dân đi hái bèo có thể kiếm được từ 100.000 - 150.000 đồng. Số tiền đó với người nông dân lúc nông nhàn là rất quý, nhất là không phải gieo trồng mà chỉ việc đi thu hoạch từ trong tự nhiên rất dồi dào.

"Lâu nay cây bèo xâm lấn ruộng đồng ảnh hưởng đến cây lúa làm nông dân chúng tôi khổ sở đi nhổ bỏ. Giờ lại có thể kiếm tiền từ cây này thì còn gì bằng" - chị Nguyễn Thị Hồng ở xã Tiến Lộc (Can Lộc) chia sẻ.

Những bó bèo được cắt bỏ lá, bỏ rễ, rửa sạch chở về phơi khô để bán. Ảnh: TT.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Phó Giám đốc Trung tâm Học tập cộng đồng xã Mỹ Lộc và Quang Lộc (huyện Can Lộc) cho biết, từ lâu trên khắp các đồng ruộng, ao, hồ ở Hà Tĩnh có rất nhiều bèo tây. Hàng năm, về mùa mưa lũ bèo trôi dạt ra đồng lấn át lúa, hoa màu khiến nông dân phải vất vả trừ bỏ.

Cách đây 5 năm, khi biết ở tỉnh Ninh Bình người ta đã sử dụng cây bèo tây là nguyên liệu cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu nên ông Hiệp đã 2 lần lặn lội ra tìm hiểu với ý tưởng đưa mô hình này về Hà Tĩnh giúp nông dân vừa có thu nhập, vừa tiêu ngăn chặn được nó xâm lấn ruộng đồng. Thế nhưng, ý tưởng đó chưa thể thực hiện vì chưa tìm được sự kết nối để đưa sản phẩm đi tiêu thụ, xuất khẩu.

Bèo được phơi khô để đan thành hàng thủ công xuất khẩu. Ảnh: TT.

Mới đây, khi biết chị Hồ Minh Nguyệt ở huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) chuyên xuất khẩu sản phẩm thủ công mây tre đan sang châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… nên hai chị em đã gặp gỡ và cùng ý tưởng học hỏi, tìm đơn hàng để xuất khẩu sản phẩm thủ công từ bèo tây. Giờ đây, ý tưởng đã thành hiện thực khi đã có được đơn hàng xuất khẩu.

Muốn gây dựng thành làng nghề

Hiện ở Cẩm Xuyên và Thạch Hà, người dân đã được đào tạo nghề và đã làm được sản phẩm hoàn thiện đạt chất lượng để xuất khẩu. Giờ đang mở rộng thu mua nguyên liệu và tiến tới đào tạo nghề cho huyện Can Lộc và một số địa phương khác trong tỉnh.

“Khi biết chúng tôi thu mua cây bèo phơi khô, người dân rất phấn khởi, họ bắt tay ngày vào hái bèo luôn. Nhất là trong bối cảnh đây là thời điểm nông dân nhàn rỗi, đồng thời ảnh hưởng dịch COVID-19 nhiều đang mất việc, cần có thêm thu nhập” - ông Hiệp chia sẻ.

Những sản phẩm giỏ đựng làm từ bèo tây rất đẹp, thân thiện với môi trường được người dân nhiều nước trên thế giới ưa chuộng. Ảnh: TT.

Cũng theo ông Hiệp, khi biết Trung tâm Học tập Cộng đồng xã Mỹ Lộc, Quang Lộc thu mua cây bèo, một số lãnh đạo xã, hội phụ nữ xã đã liên hệ với ông để nhận bán bèo kiếm thu nhập cho hội viên và gây quỹ cho hội. Có những địa phương còn chia sẻ ý tưởng sẽ khoanh nuôi, giữ nguồn nguyên liệu này để bán lâu dài.

Nếu thị trường xuất khẩu ổn định, người dân Hà Tĩnh sẽ có thêm thu nhập từ cây bèo tây trong lâu dài. Ảnh: TT.

Chị Hồ Thị Minh Nguyệt cho biết, với mong muốn gây dựng thành một làng nghề thủ công từ bèo tây cho Hà Tĩnh khi nơi đây có nguồn bèo rất dồi dào nên bà vừa liên kết với một nghệ nhân ở Thanh Hóa để làm sản phẩm thủ công từ cây bèo tây. Đây cũng là lần đầu tiên tại Hà Tĩnh cây bèo tây được sử dụng trở thành sản phẩm xuất khẩu. Theo kế hoạch, 1 tuần nữa lô hàng đầu tiên là sản phẩm thủ công từ cây bèo tây ở Hà Tĩnh sẽ xuất khẩu ra nước ngoài.

Tác giả: TRẦN TUẤN

Nguồn tin: Báo Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP