Bạn cần biết

Nối thành công ngón tay bị đứt lìa cho bệnh nhân 25 tuổi

Bị người khác chém đứt lìa ngón tay, T. được sơ cứu và đưa vào bệnh viện chấn thương chỉnh hình cấp cứu. 21 ngày sau ca phẫu thuật nối ngón tay bị đứt lìa, giờ đây nam thanh niên này đã có thể cử động nhẹ nhàng và đang tập phục hồi chức năng để tìm lại bàn tay lành lặn.

Sau 21 ngày sau phẫu thuật, bàn tay của anh Nguyễn Văn T. (25 tuổi) đã hồng, ấm và có thể cử động nhẹ nhàng. Nhìn bàn tay của mình, anh T. vẫn chưa quên đi nỗi sợ hãi khi gặp chuyện. Chỉ vì mâu thuẫn nhỏ, anh bị người ta chém lìa ngón cái bàn tay trái, vết thương đứt vành tai bên phải. Ngay sau đó, anh được gia đình đưa đến Bệnh viện gần nhà sơ cứu cầm máu, giảm đau và bảo quản lại phần ngón tay đứt rời.

Bàn tay của anh T. trước khi được ghép nối

Bệnh nhân T. được chuyển đến Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Nghệ An 4 tiếng sau trong tình trạng nặng. Tại bệnh viện, qua thăm khám, chụp phim, bệnh nhân được chẩn đoán, vết thương đứt lìa ngón cái bàn tay trái, vết thương vành tai phải.

Bệnh nhân nhanh chóng được chuyển phẫu thuật cấp cứu nối lại ngón tay bị đứt lìa. Ca phẫu thuật nối ngón tay được tiến hành bởi kíp mổ của bác sĩ Phạm Xuân Bình và các cộng sự. Ca phẫu thuật kéo dài hơn 7 tiếng đồng hồ đã nối thành công ngón tay cho nam thanh niên 25 tuổi này.

Sau ca phẫu thuật thành công, bàn tay của nam thanh niên này đang phục hồi tốt

7 ngày sau phẫu thuật, ngón tay đứt rời đã được “hồi sinh” trên bàn tay tưởng như tàn phế của anh T. Bàn tay đã bắt đầu có cảm giác, bắt đầu tự vận động được.

Sau 21 ngày sau phẫu thuật, ngón tay của anh T. hồng, ấm và có thể tập vận động cử động nhẹ nhàng, vết thương bắt đầu liền sẹo. Hiện nay, anh T. vẫn được tiếp tục theo dõi và chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện. Trong thời gian tới anh T. còn phải trải qua quá trình luyện tập phục hồi chức năng để có thể vận động lại như trước.

“Vi phẫu thuật nối ghép mạch máu, thần kinh trong nối ngón tay bị đứt rời được đánh giá là một kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi phẫu thuật viên phải có trình độ chuyên sâu, đôi tay thật khéo léo và sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các chuyên khoa. Bên cạnh đó, bác sĩ phẫu thuật còn phải am hiểu về quá trình đông máu, huyết động học, vi hình thái học của mạch máu nhỏ… để tránh các biến chứng có thể xảy đến trong quá trình phẫu thuật”, bác sỹ Phạm Xuân Bình cho biết.

Hiện anh T. đang được theo dõi đặc biệt ở bệnh viện

Ngón tay cái là ngón tay quan trọng nhất trong bàn tay giúp chúng ta cầm nắm trong sinh hoạt hằng ngày nên việc cứu sống ngón tay cái là cực kỳ quan trọng giúp cải thiện đáng kể chức năng của bàn tay.

Việc khâu nối lại hệ thống mạch máu, gân, xương, các dây thần kinh cho ngón tay là thao tác khó, được thực hiện dưới kính hiển vi, ngoài yêu cầu sự khéo léo, tập trung cao độ và ca mổ cũng cần rút ngắn thời gian để tái cấp máu cho ngón tay đứt rời sớm nhất có thể.

Tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Nghệ An, với các trang thiết bị y tế chuyên dụng cùng đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm và chuyên môn tốt cho phép khâu nối chính xác được các mạch máu nhỏ và các bó sợi thần kinh.

Do vậy, việc nối lại các chi thể bị đứt rời có tỷ lệ thành công rất cao. Mỗi năm Bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp bị tai nạn gây vết thương đứt lìa. Tỷ lệ ghép nối thành công các bộ phận này phụ thuộc nhiều vào việc bảo quản đúng cách và thời gian xảy ra tai nạn.

BỆNH VIỆN CHẤN THƯƠNG CHỈNH HÌNH NGHỆ AN:

Bệnh viện chuyên khoa hạng II tuyến tỉnh về Chấn thương chỉnh hình - Bỏng - Thần kinh sọ não cột sống - Phục hồi chức năng - Tạo hình thẩm mỹ.

Địa chỉ: 138 Nguyễn Phong Sắc, phường Hưng Dũng, TP. Vinh (Bệnh viện Ba Lan cũ).

Hotline: 08 1664 5656

Website: bvctchna.vn

Page: facebook.com/thammybvctchna

Tác giả: Tùng Lâm

Nguồn tin: antt.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP