Giải trí

NÓI THẲNG: Ca sĩ Thanh Lam, chị sai rồi!

Với phát ngôn của mình, ca sĩ Thanh Lam đang làm dậy sóng dư luận, dù diva này đã lên báo phân trần, giải thích

"…Trong miền Nam lại nổi lên nhiều ca sĩ chẳng học hành gì cả mà vẫn nổi tiếng nhờ truyền thông. Tôi đặt dấu hỏi về điều này…".

Chị đã hoạch toẹt như vậy trên báo chí, nên không còn là chuyện "riêng tư".

Vậy thế nào là học hành hả chị?

Nếu đến trường học được thì tốt quá nhưng chưa chắc đã bán được vé, đúng không? Nếu hoàn cảnh thế nào đấy mà không được đến trường, người ta có nhiều cách khác để học nghề hát phải không? Và đó là một bất lợi khiến họ phải lao động cật lực - để bán vé được?

Người mua vé xem - nghe hát quyết định cuối cùng đúng không chị? Dù có bơm thổi được đoạn đầu thì cuối cùng người mua vé vẫn dùng trí khôn của họ, chúng ta đâu ai phủ nhận được thị trường. Vậy, khi sự nghiệp của người ca sĩ không trường lớp thậm chí không thầy tại gia - mà hoàn toàn do sáng tạo - kéo dài 10 năm, 20 năm hay 40 năm, thì chắc hẳn người mua vé đã không lầm phải không chị?

Lao động tự nó có phải là cách học không? Lao động miệt mài, thử và sai, thất bại và hiểu ra cái gì đó tốt hơn từ thất bại, chiêm nghiệm cái hay của đồng nghiệp (của chị nữa), suy ngẫm cái thất bại của người khác, rồi mài dũa, để không chỉ làm được mà còn được thừa nhận là sáng tạo ra cả một trường phái riêng. Đó cũng là học hành chứ? Trong chữ "học hành" có chữ "hành" chị thấy đúng không?

Sao không đến trường lớp?

Trong những trường hợp sáng tạo như vậy, chị biết không, đến lượt các nhà phê bình, nhà nghiên cứu có công việc là nghiên cứu trường hợp đó. Chị biết công việc đó chứ? Cuộc đời là trường học lớn phải không?

Thế chuyện gì xảy ra khi các trường không nghiên cứu, nghiên cứu thấp kém hoặc không cập nhật từ cuộc sống và thế giới? Người ta có muốn đến một nơi như thế để rèn luyện năng lực theo đơn hàng của cuộc sống không?

"Không học hành gì cả mà nổi tiếng nhờ truyền thông" là câu hỏi nên gửi đến các trường đào tạo thiếu cập nhật cuộc sống, đúng không ạ?

Đa dạng thì sao?

Chị cũng lo ngại về bolero khi nói rằng "…Bolero ngày nay như cái mỏ, các ca sĩ nhảy vào khai thác hết rồi, khiến nó bị bào mòn...". Chị biết là xã hội có nhiều cấp độ nhu cầu. Thí dụ chị có nhu cầu nghe bản giao hưởng số 9 của Beethoven. Thì người khác có nhu cầu nghe bolero. Người khác nữa cần nghe chính chị hát vậy. Tôn trọng sự đa dạng là cách làm cho xã hội được bình thường. Âm nhạc bình dân không làm mất đi vai trò tinh hoa của nhạc hàn lâm và âm nhạc đỉnh cao cũng không thể đột nhiên xuất hiện, đúng không chị?

Ngay trong một người cũng có những lúc khác nhau, lúc này cần nghe rock, lúc khác lại thèm một làn dân ca. Tại sao lại có người khó chịu với sự phong phú hả chị? Sự phong phú thưởng lãm là những cửa ngõ giúp các tâm hồn xa lạ có cơ hội thấu hiểu nhau, đúng không?

Lại còn sự biến đổi theo thời đại nữa. Thị trường có khuynh hướng, nghệ thuật có trào lưu, hết lớp này đến lớp khác, chị đồng ý thế là bình thường chứ?

Vì lý do nào đó, giao tiếp nghệ thuật của chúng ta đóng băng lại, rung cảm của chúng ta chỉ còn đơn điệu, chúng ta hát mãi một giai điệu, chúng ta không còn biết cách bán vé bên ngoài lãnh thổ, chị buồn chứ nhỉ? Sao bao năm tháng qua, chị đã biết bao lần thử phá cách, chị thử nghiệm, làm mới và sáng tạo. Nỗ lực đổi mới làm chị vui đúng không?

Đổi mới để làm gì? Chẳng phải là để một dòng nhạc, một cách truyền cảm được trường tồn hay sao. Và từ đó, các bậc thang cao hơn sẽ được tìm thấy!

Vậy, nếu bolero còn có thể truyền cảm, sao ta không để nó làm công việc của nó. Chúng ta lo ngại giai điệu đó sầu muộn thì câu hỏi sao có nhiều người cần giải sầu đến thế, là câu hỏi cần thiết phải không?

Vâng, chị đặt dấu hỏi hay về chuyện học hành, về mong muốn "nền âm nhạc tốt hơn"; nhưng cách đặt chưa đúng, chưa đúng nghĩa là sai!

Tác giả: Châu Nam

Nguồn tin: Báo Người Lao Động

  Từ khóa: Thanh Lam ,Sốc ,phát ngôn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP