Pháp luật

Nói lời sau cùng, cựu Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương: “Tôi không nghĩ cuộc đời mình vướng lao lý khi tuổi đã 60”

Nói lời sau cùng, cựu Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương Trần Văn Nam cho biết, vài ngày nữa, bị cáo sẽ đón sinh nhật tuổi 60 và không nghĩ cuộc đời mình lại vướng vào lao lý. Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương bày tỏ sự ân hận và gửi lời xin lỗi tới Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bình Dương.

Chiều muộn 25/8, phiên toà sơ thẩm xét xử cựu Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương Trần Văn Nam và đồng phạm trong vụ án kinh tế, tham nhũng gây thất thoát hơn 5.700 tỷ đồng và tham ô hơn 815 tỷ đồng xảy ra tại Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (viết tắt là Tổng Công ty Bình Dương) diễn ra tại TAND TP Hà Nội đã kết thúc phần tranh luận.

Trước khi HĐXX nghị án, các bị cáo được quyền nói lời sau cùng. Là người đầu tiên bước lên bục khai báo, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam trải lòng: “Tôi sắp bước sang tuổi 60, nhưng không nghĩ cuộc đời mình vướng vào vòng lao lý như thế này. Tôi rất ân hận về hành vi của mình và gửi lời xin lỗi Đảng bộ và nhân dân Bình Dương”.

Bị cáo Trần Văn Nam cho rằng, mình và cấp dưới có lỗi nhưng không cố ý hoặc không vụ lợi và biện hộ, việc vướng vào lao lý cũng vì mong muốn góp phần phát triển tình Bình Dương.

Bị cáo Trần Văn Nam bày tỏ: “Tôi chỉ muốn các bị cáo nói chung được giảm nhẹ hình phạt, được sớm trở về đoàn tụ với gia đình”.

Trong vụ án, cựu Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương Trần Văn Nam bị cáo buộc có hai sai phạm, góp phần gây thiệt hại hơn 1.700 tỷ đồng. Đại diện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Trần Văn Nam từ 9 - 10 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Nói lời sau cùng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm phân trần: “Với 40 năm công tác,tôi không nghĩ việc làm của mình lại dẫn đến vi phạm pháp luật và phải đứng tại phiên toà này”.

Bị cáo Trần Văn Liêm tự nhận mình có lỗi do nhận thức pháp luật không đẩy đủ, tin vào các cơ quan tham mưu và yếu tố khách quan không nhận biết được sự việc nghiêm trọng như vậy. Nhưng bị cáo Trần Văn Nam khẳng định, mình không có mục đích tư lợi. Bị cáo Trần Thanh Liêm xin HĐXX tuyên phạt mình mức án phù hợp để được sớm về với gia đình.

Bị cáo Trần Thanh Liêm bị đại diện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt từ 9 - 10 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Là người thứ ba nói lời sau cùng, bị cáo Nguyễn Văn Minh (cựu Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bình Dương) nói rằng: “Tôi đã dành trọn cả cuộc đời cống hiến nhưng cuối đời lại để vướng sai phạm, đây là việc tôi rất ân hận”. Bị cáo Nguyễn Văn Minh cho biết: “Tôi đã già yếu, bệnh tật, tôi không xin gì cho bản thân, chỉ mong HĐXX xem xét cho các bị cáo khác được coi là đồng phạm với tôi”.

Bị cáo Nguyễn Văn Minh (áo trắng, hàng trên).

Về con gái mình cũng là bị cáo trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Văn Minh nói: “Con gái tôi là Nguyễn Thục Anh chỉ vì nghe theo tôi mà phạm tội, nên tôi xin HĐXX tuyên phạt con gái tôi mức án thấp nhất để sớm trở về gia đình”.

Bị cáo Nguyễn Văn Minh bị đại diện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt từ 29 - 30 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và tội “Tham ô tài sản”. Bị cáo Nguyễn Văn Minh bị cáo buộc dùng các công ty “sân sau” thâu tóm hai khu đất “vàng” 43ha và 145ha ở thành phố Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương), gây thiệt hại cho Nhà nước 5.000 tỷ đồng. Bị cáo Nguyễn Văn Minh còn chỉ đạo cấp dưới và con gái là bị cáo Nguyễn Thục Anh dùng doanh nghiệp gia đình bán cổ phần cho Tổng Công ty Bình Dương cao hơn thực tế để tham ô 815 tỷ đồng.

Tiếp lời cha nói lời sau cùng, bị cáo Nguyễn Thục Anh cảm ơn mẹ bị cáo đã theo dõi ba cha con trong suốt thời gian diễn ra phiên tòa. Bị cáo Nguyễn Thục Anh là cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Phát Triển, là con gái và cũng là đồng phạm của bị cáo Nguyễn Văn Minh về tội tham ô tài sản.

Các bị cáo tại phiên toà.

“Bị cáo là con út trong nhà có 6 anh chị em, nhưng từ 22 tuổi đã độc lập, không dựa dẫm vào ba mẹ và chồng. Bị cáo từ tâm thức hay hành động không bao giờ muốn thụ hưởng những gì không làm ra. Khi bị khởi tố tội tham ô tài sản, bị cáo không ngờ tới. Bị cáo tin ba và khi ba sai phạm thì bị cáo phải chiu trách nhiệm cùng, chứ không trốn tránh…”.

Sau ít giây dừng lại, bị cáo Nguyễn Thục Anh tiếp tục trần tình rằng, hai năm qua là những chuỗi ngày bi kịch với bị cáo và gia đình bị cáo, khi cha, chồng và chính bị cáo bị khởi tố. "Bị cáo vừa phải nuôi con, vừa gánh khoản nợ khổng lồ của gia đình. Bị cáo không cho mình bỏ cuộc, đây cũng là giai đoạn khủng hoảng do Covid- 19. Bị cáo đề nghị đối tác nước ngoài điều chỉnh hệ thống bệnh viện thành nơi chữa COVID- 19 và chữa được 4000 bệnh nhân…”.

Trước khi dừng lời, bị cáo Nguyễn Thục Anh mong HĐXX giảm án cho ba, cho chồng là bị cáo Nguyễn Đại Dương và cho bị cáo. “Trong gần 30 năm đầu đời, bị cáo phấn đấu học tập, 10 năm sau cố thành tấm gương cho hai con. Đây là lần đầu bị cáo xa con, con hỏi hỏi thì bị cáo nói phải đi thi, một kỳ thi đặc biệt nhất trong đời”, bị cáo Nguyễn Thục Anh vừa khóc vừa nói.

Nói lời sau cùng, bị cáo Nguyễn Đại Dương cho biết: “Dân tộc ta có nền tảng văn hóa, công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra…Cha mẹ đặt đâu thì con cái ngồi đó". Vì thế, bị cáo mong HĐXX xem xét để cho vợ bị cáo một mức án nhẹ.

Nói lời sau cùng, các bị cáo khác đều nhận tội và mong muốn HĐXX xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho mình.

Sau khi các bị cáo nói lời sau cùng, HĐXX thông báo phiên toà nghị án kéo dài, Vào lúc 14h ngày 30/8, HĐXX sẽ tuyên án.

Tác giả: Nguyễn Hưng

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP