Du lịch

Nơi hàng nghìn người tìm đến vay - trả nợ từ cõi tâm linh

Nhiều người tin vào quan niệm đến 'vay' ở đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) thì công việc kinh doanh sẽ thuận lợi, may mắn.

Ngôi đền Bà Chúa Kho ở làng Cô Mễ, xã Vũ Ninh, Bắc Ninh nổi tiếng từ lâu vì nhiều người tin Bà Chúa Kho ban cho người đến đây vốn liếng, sự thành công trong việc làm ăn. Người hành hương chủ yếu là dân kinh doanh, buôn bán. Thời điểm cận Tết và tháng Giêng Âm lịch, người dân cung tiến mâm lễ chất đầy vàng mã với quan niệm “đầu năm đi vay, cuối năm trả nợ”.

Cổng tam quan đền Bà Chúa Kho. Theo tích xưa truyền lại, ngôi đền có lịch sử hình thành từ gần nghìn năm trước, mới được tôn tạo năm 2016. Bà Chúa Kho là người làng Quả Cảm, đã có công khai khẩn đất đai, mang lại cuộc sống no đủ cho người dân. Sau này, bà trở thành hoàng phi dưới triều nhà Lý, giúp triều đình trông coi kho lương ở vùng núi Kho, làng Cô Mễ và hy sinh trong cuộc kháng chiến chống quân Tống năm 1077. Nhà vua thương tiếc, có chiếu phong cho bà là Phúc Thần. Nhân dân nhớ ơn và lập đền thờ bà tại kho lương trước kia và gọi bà với cái tên vẫn còn đến nay - Bà Chúa Kho.

Theo Sở Văn hóa Thông tin Bắc Ninh, đền ban đầu là ngôi miếu nhỏ, về sau được mở rộng và xây dựng với quy mô lớn vào các thời Lê, Nguyễn với các công trình như: đền trình, cổng tam quan, sân giải vũ, tòa tiền tế… tất cả làm thành một quần thể kiến trúc cổ kính trên sườn núi Kho, bên dòng sông Cầu.

Khoảng sân trước tòa tiền tế với các giá để bày các mâm lễ nằm giữa sân. Thời điểm đầu tháng Chạp, ngôi đền thưa vắng người đến trả lễ.

Khung cảnh tại gian thờ Tứ phủ công đồng. Theo tín ngưỡng đa thần ở Việt Nam, Tứ phủ gồm Thiên phủ, Nhạc phủ, Thủy phủ và Địa phủ thờ các vị thần cai quản từ miền trời, rừng núi, sông nước đến đất đai.

Đệ Nhất cung, khu vực thờ Bà Chúa Kho nhìn qua cánh cửa sơn son thếp vàng. Nơi này chỉ mở cửa vào một số dịp đặc biệt trong năm như những ngày lễ, hội. Du khách đến hành hương chỉ được vào lễ trong cung không quá 10 phút.

Hầu hết các bức tượng tại đền, trong đó có tượng Bà Chúa Kho, được đặt trong tủ kính.

Một du khách đến từ Hưng Yên thả tiền lẻ qua khe cửa Đệ Nhất cung. Anh cho biết bản thân không rõ về ý nghĩa của hành động này. “Việc đến đền trả nợ cuối năm đối với tôi giống như là nghĩa vụ và mong muốn của bản thân. Tôi đến đây và thực hiện các nghi thức như những người khác”, anh chia sẻ thêm.

Điểm kết thúc của các mâm tiền vàng tượng trưng cho hành động vay, trả từ cõi tâm linh là lò hỏa mã. Đền Bà Chúa Kho thường được nhắc đến là điểm "nóng" của việc đốt vàng mã quá nhiều vào thời điểm Tết Âm lịch. Người dân không ngần ngại chi tiền triệu cho các mâm lễ với quan niệm lễ nhiều tức là lòng thành nhiều, Bà sẽ “thương” mà cho vay vốn liếng làm ăn.

Tấm bia công nhận di tích do Bộ Văn hóa cấp năm 1989, thời còn tỉnh Hà Bắc dựng tại khoảng sân trước tòa tiền tế của đền.

Ngay sát đền Bà Chúa Kho là khu chợ hàng mã. Bên cạnh việc buôn bán đồ lễ, chợ cung cấp đầy đủ dịch vụ cả cho những người chưa có kinh nghiệm đi “vay”, từ viết sớ, sắp lễ, bê mâm lên đền cho đến khấn thuê.

Cận cảnh một mâm lễ “tiêu chuẩn” bày sẵn tại chợ với vàng miếng, vàng thỏi, tiền âm phủ... Các mâm lễ có giá từ 200.000 đồng đến cả triệu đồng tùy nhu cầu của du khách đến hành hương.

Tác giả: Kiều Dương

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP