Nhân ái

Nỗi đau xé lòng của người mẹ nghèo 20 năm xích con tâm thần trong nhà

Dù thương con sớm mồ côi cha lại bệnh tật đeo đẳng nhưng bà Hoàn cũng đành nhốt cậu con trai mắc bệnh tâm thần trong nhà gần 20 năm nay. Cuộc sống 2 mẹ con cứ trôi đi trong cơ cực, thiếu thốn.

Gần 20 năm nay, bà Phạm Thị Hoàn (67 tuổi) xóm 7, thôn Tràng Quan, xã Trọng Quan, huyện Đông Hưng, Thái Bình phải nhốt người con trai mắc bệnh tâm thần trong nhà. Mọi sinh hoạt từ ăn ngủ đến tiểu tiện, đại tiện của anh Lê Văn Lâm (sinh năm 1978), con trai bà Hoàn đều diễn ra trong căn phòng nhỏ.

Người mẹ nghèo cả đời chưa được phút bình yên

Đến thôn Tràng Quan, xã Trọng Quan hỏi thăm nhà bà Hoàn có anh Lâm bị tâm thần xích chân ai ai cũng biết. Con ngõ nhỏ ngoằn nghèo mọc nhiều cỏ dại dẫn chúng tôi đến ngôi nhà nhỏ xíu, tồi tàn nơi có 2 mẹ con đang sinh sống.

Căn nhà cũ nát, tồi tàn chỉ có 1 gian nhỏ là nơi anh Lâm bị xích chân lại suốt gần 20 năm qua

Bên trong ngôi nhà nhỏ trống trải, chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc tủ gỗ nhiều vết sứt sẹo mà bà Hoàn xin lại được của nhà người quen. Trong câu chuyện buồn về cuộc đời bất hạnh của mình, bà Hoàn kể, bà lấy chồng từ năm hơn 20 tuổi (năm 1975). Khi ấy chồng bà là ông Lê Văn Lập còn đang tham gia chiến đấu trong quân ngũ. Năm 1977 ông Lập xuất ngũ, trở về quê hương cùng bà Hoàn vun vén cuộc sống gia đình. Bà từng ao ước có một cuộc sống bình yên với gia đình nhỏ bên chồng và những đứa con ngoan ngoãn khỏe mạnh.

Nhưng hạnh phúc mới chớm nở thì năm 1978 tai ương bắt đầu ập đến. Ông Lập sau khi xuất ngũ về nhà thì bắt đầu đi làm ăn xa rồi bị tai nạn điện giật dẫn đến tử vong khi ông đang làm việc ở công trình xây dựng. Ở quê nhà, bà Hoàn bàng hoàng đến ngã quỵ khi nghe người nhà báo hung tin. Khi ấy anh Lâm mới vừa tròn 4 tháng tuổi. Nhìn đứa con thơ dại còn chưa biết gì về nỗi đau mất bố khiến cho nỗi đau của người phụ nữ trẻ như quặn thắt. Lớn lên 1 chút, những câu hỏi về bố của đứa trẻ ngây thơ khiến cho nỗi đau trong lòng bà Hoàn chưa một lần liền lại.

Theo lời bà Hoàn kể, kể từ sau ngày chồng mất, 2 mẹ con bà rơi vào cảnh bế tắc khi không còn người đàn ông trụ cột trong gia đình. Vài năm sau đó, bà tái hôn với 1 người đàn ông để nương tựa cảnh mẹ góa con côi và có thêm 1 cô con gái (sinh năm 1985). Nhưng vì bất đồng về việc con chung con riêng nên bà Hoàn quyết định rời xa người chồng này, ở vậy nuôi 2 con khôn lớn. Bà tự nhủ lòng dù khó khăn cũng phải quyết nuôi con khôn lớn, nên người.

Những tưởng nỗi đau với bà đến vậy là cùng nhưng ai ngờ trái tim vốn đã tan nát của người mẹ lại một lần nữa bị bóp nghẹt khi anh Lâm con trai bà đổ bệnh thần kinh sau 1 thời gian đi làm ăn xa ở miền Nam. Từ đó đến nay đã gần 20 năm bà sống chung cùng những tiếng kêu gào, khóc lóc, đập phá đều đặn mỗi ngày của đứa con tâm thần, người mẹ nghèo chưa có được 1 phút bình yên.

Người mẹ nghèo cả đời chưa có được 1 phút bình yên

20 năm xích con bị tâm thần

Trong gian nhà khoảng 8m2 là 1 người đàn ông trạc tuổi, mắt trừng trừng luôn miệng nói lảm nhảm, thỉnh thoảng lại chửi bới luyên thuyên. Một sợi xích dài được buộc vào chân người đàn ông, đầu kia buộc vào chiếc cọc sắt chôn chặt dưới nền nhà.

“Khổ lắm cô ạ, nó bị bệnh gần 20 năm nay rồi, phải xích lại chứ đi lang thang, đập phá đồ đạc, không đánh người ta thì cũng có ngày bị người ta đánh cho chết”, bà Hoàn buồn bã nói.

Anh Lâm là con trai của bà Hoàn, năm nay đã 42 tuổi nhưng vì bị tâm thần nên không ai lấy, ở với mẹ già suốt bao nhiêu năm nay.

“Lúc còn nhỏ nó cũng khỏe mạnh bình thường, nhưng học dốt nên chỉ học hết cấp 1 là nghỉ ở nhà giúp mẹ. Đến năm 18 đôi mươi, nó bảo đi vào Nam làm ăn với mấy anh em cùng làng tôi cũng đồng ý. Hơn 1 năm sau thì nó về, nhưng từ ngày về thì nó có dấu hiệu bất thường, đêm hôm không ngủ, cứ đi lang thang, nói năng lảm nhảm rồi bệnh tình ngày càng nặng, đập phá, hò hét, có khi còn đánh người, đến năm 2001 tôi đành phải xích nó lại”, bà Hoàn nghẹn ngào kể lại.

Lúc trước khi chưa bị xích lại, anh Lâm thường xuyên đi lang thang, đập phá đồ đạc, đốt nhà. Có lần anh đốt cháy chính ngôi nhà của mình khiến 2 mẹ con sống cảnh “màn trời chiếu đất”. Sau đó nhờ được sự giúp đỡ của bà con hàng xóm, mẹ con bà dựng lại được ngôi nhà mái ngói để ở. Đồ đạc, bát đũa trong nhà cũng bị anh Lâm đập phá rất nhiều lần.

Có những lần lên cơn, nửa đêm anh Lâm lao vào đánh cả mẹ những trận thừa sống thiếu chết khiến bà Hoàn phải gắng gượng chạy trốn sang nhà hàng xóm hoặc về nhà mẹ đẻ xin chỗ ngủ tạm.

“Có lần nó bứt được xích trốn ra ngoài, ngâm mình dưới ao suốt 2-3 ngày không ai đưa lên được. Tôi phải nhờ cả xóm vây bắt nó về giúp tôi chứ để nó vậy tội thân nó mà khổ cả thân tôi. Tôi sợ nó đi rồi chết đói chết khát ở đâu đó. Tôi thì ngày 1 yếu đi, làm sao mà đi tìm nó mãi được”, bà Hoàn kể.

Bị xích gần 20 năm là cũng chừng ấy năm anh Lâm không mặc quần áo. Cứ đưa vào là anh xé tan tành. Mùa hè còn đỡ, những ngày đông giá rét thấy con ngồi co ro trong góc nhà bà Hoàn thương con như đứt từng khúc ruột. Nhưng cứ đưa chăn vào là anh điên cuồng ngồi cắn xé. Anh Lâm cũng tiểu tiện, đại tiện tại chỗ nên hàng ngày người mẹ già vẫn còng lưng xách nước dội rửa.

Còn cô con gái, vì thường xuyên bị anh trai đánh đập, chửi bới nên bà Hoàn sớm đã gửi con đi làm thuê nhà người quen. Mấy năm trước chị này lấy chồng ở Quảng Ninh, 1 năm chỉ về thăm mẹ và anh được 1 lần.

Hiện nay, cuộc sống của 2 mẹ con bà Hoàn dựa vào 2 sào đất ruộng và 540 nghìn tiền trợ cấp xã hội của anh Lâm. Số tiền quá ít ỏi không đủ để trang trải cuộc sống. Dù tuổi đã cao, bệnh tật đầy mình nhưng bà vẫn cố gắng làm để mẹ con có gạo ăn. Bà luôn nơm nớp sợ mình đi trước thì con không có nơi nương tựa.

“Tôi bệnh nhiều lắm nhưng chỉ uống thuốc qua loa chứ không có tiền điều trị gì đâu. Ở tuổi này sống nay chết mai tôi không sợ. Tôi còn sống ngày nào thì mẹ con rau cháo nuôi nhau. Chỉ sợ đến lúc nhắm mắt xuôi tay không có ai lo cho nó”. Nói đến đây, nước mắt lại trào ra trên giương mặt người mẹ nghèo khắc khổ.

Để cuộc sống của bà Phạm Thị Hoàn và anh Lê Văn Lâm bớt phần nào khó khăn, rất mong sự chung tay của quý độc giả.

Địa chỉ: Bà Phạm Thị Hoàn - xóm 7 thôn Tràng Quan, xã Trọng Quan, Đông Hưng, Thái Bình. SĐT: 0399.194.985

Tác giả: Thu Chang

Nguồn tin: Báo Gia đình Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP