Giáo dục

Nỗi buồn sau câu nói "Cô không cho em làm lớp trưởng nữa"

"Tôi chính là một trong số ít thầy cô đã phải trả giá cho việc làm của mình khi quyết định xử lí học sinh một cách thiếu bình tĩnh" - thầy giáo Nguyễn Văn lực tâm sự trong bài viết gửi tới VietNamNet.

Ảnh chỉ mang tính minh họa, nhân vật trong ảnh không liên quan tới bài viết

Đã chọn nghề sư phạm, ắt thầy cô phải yêu lấy học trò. Nhưng đôi khi trong thực tế cũng còn một số giáo viên vì quá nóng vội, thiếu kìm chế nên có những quyết định, việc làm tổn thương đến các em.

Tôi chính là một trong số ít thầy cô ấy, đã phải trả giá cho việc làm của mình khi quyết định xử lí học sinh một cách thiếu bình tĩnh. Hay nói chính xác hơn là kỹ năng sư phạm tôi còn non kém!

Em Tôn Sĩ Thanh được tôi chọn làm lớp trưởng lớp 9/4 năm học ấy là một học sinh năng nổ, hoạt bát, học giỏi. Mọi việc của lớp tôi đều giao trách nhiệm cho em. Và không phụ niềm tin của thầy, lớp luôn thi đua đứng ở tốp 3 trên 42 lớp của trường. Thế nhưng, chỉ vì một một khuyết điểm là em quên phân công các bạn chuẩn bị Đại hội chi Đội mà tôi, không một phút suy nghĩ, liền hạ lệnh “cách chức” lớp trưởng của em.

Có thể thầy cô cho đây là việc nhỏ, bởi giáo viên chủ nhiệm có quyền chọn lớp trưởng. Nhưng việc làm của tôi đã khiến Thanh học hành sa sút do ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của em. Và chính tôi cũng phải trả giá cho việc ấy bằng sự dằn vặt suốt nhiều tháng liền.

Tôi đã cố quên việc làm sai lầm của mình khi miễn chức lớp trưởng đối với em Thanh. Hơn mười năm trôi qua, nhưng rồi hôm đó, khi bước vào dạy lớp 8/2, tôi nhìn thấy em Phương lớp trưởng với hai hàng nước mắt chảy dài không thể kìm chế được.

Với kinh nghiệm giảng dạy lâu năm, tôi hiểu được có sự việc làm tổn thương em. Chờ đợi hết tiết học, khi các bạn ra chơi, tôi ở lại gọi em lên gặng hỏi. Cuối cùng, em òa khóc nức nở như trút đi nỗi buồn vô tận và nói trong nghẹn ngào: “Cô Tuyền (giáo viên chủ nhiệm) không cho con làm lớp trưởng nữa”!

Tôi hỏi vì sao? Em nói “Cô nói em không hoàn thành công việc cô giao cho, đó là không ghi những vi phạm của các bạn vào sổ liên lạc” (là cuốn sổ do cô tự đặt ra). Tôi chỉ biết động viên em “Thôi hãy cố gắng học thật giỏi là được rồi, làm lớp trưởng khổ lắm cũng chẳng được gì đâu!”. Em “Dạ” khẽ.

Khi miễn chức em Thanh, phải chi nói được điều này thì hôm nay tôi bớt day dứt phần nào trong lòng!

Đã lâu rồi không gặp lại hai em học sinh ấy, nhưng tôi tin rằng em Thanh sẽ không bao giờ quên được kỉ niệm buồn mà người thầy đã gây ra, khi thiếu cân nhắc mà quyết định vội vàng cho em thôi làm lớp trưởng.

Hiện nay, vẫn còn một vài giáo viên lạm dụng quyền hạn của mình làm tổn thương học sinh như bắt chép phạt, viết kiểm điểm, trực quét lớp, làm lao động, cách chức… mà quên rằng, dù trong hoàn cảnh nào, thầy cô cũng phải tôn trọng nhân cách học sinh, xử lí tình huống một cách sư phạm với tấm lòng bao dung.

Đừng để học sinh lớn lên với kỉ niệm khó phai về những hình phạt của thầy cô.

Tác giả: Nguyễn Văn Lực (Giáo viên Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa)

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP