Kinh tế

Nợ công của Việt Nam: “Chúng ta đang trẻ đã ăn chơi”

Đấy là ví von của TS Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính) về nợ công hiện nay. Theo ông Cường, có thời điểm ngân sách phải đi vay để chi thường xuyên.

Sáng 18/10, tại Hội thảo Quản lý nợ công ở Việt Nam, do tổ chức Oxfam tổ chức đã ghi nhận nhiều phân tích, lo ngại của các chuyên gia về nợ công Việt Nam hiện nay.

TS Vũ Sỹ Cường cho rằng, hiện khái niệm về nợ công của mỗi quốc gia, mỗi tổ chức tài chính quốc tế đều có khác nhau. Vì vậy, khái niệm nợ công của Việt Nam cũng khác thế giới. Nợ công Việt Nam hiện chỉ gồm nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương. Nếu theo khái niệm này, nợ công Việt Nam hết năm 2016 ước khoảng 64,7% GDP (trần cho phép là 65% GDP).

“Tuy vậy, phạm vi tính khác nhau, cách tính khác nhau nên có người tính nợ công đã lên 100% GDP, có người tính cao hơn. Như có người tính nợ công phải gồm cả nợ doanh nghiệp nhà nước, nợ của các đơn vị sự nghiệp công lập, nợ xây dựng cơ bản… nếu có rủi ro nhà nước phải trả thay”, ông Cường nói.

Đặc biệt, từ năm 2011 tới nay, nợ công liên tục tăng nhanh, với mức tăng trung bình 18,4%/năm, gấp 3 lần tăng trưởng kinh tế. Riêng nợ nước ngoài năm 2015 tăng 6,5 lần so với năm 2001. “Theo tính toán của Quỹ tiền tệ Quốc tế, nợ công Việt Nam cao hơn mức trung bình các nước thu nhập trung bình, Asean, Mỹ La tinh, châu Phi”, ông Cường dẫn chứng.

Về mức độ an toàn của nợ công, ông Cường cho rằng, hiện chưa có chỉ tiêu nào để đánh giá mức độ rủi ro của nợ công, hay tại sao trần nợ công là 65% GDP. Do đó, nợ công hiện nay an toàn hay không cần đánh giá thêm.

Tuy vậy, ông Cường tỏ ra lo ngại khi Việt Nam vay nợ nhiều vào lúc cơ cấu dân số còn trẻ, còn có thể lao động sản xuất tạo ra của cải vật chất. Điều này đang ngược thế giới, khi các nước chỉ vay nợ nhiều khi cơ cấu dân số già, khả năng lao động suy giảm. “Chúng ta đang trẻ đã ăn chơi, khi dân số già sẽ không còn dư địa để vay thêm nữa”, ông Cường ví von.

Trong khi trên thế giới, nước nợ công cao là nước giàu, có cơ cấu dân số già, thì Việt Nam ngược lại, dẫn tới đã nghèo lại phải trả nợ cao. Cùng đó, trả nợ trên thu ngân sách luôn tăng, trong khi đáng ra phải ngược lại. Do ngân sách cân đối trả nợ không đủ, nên phải thực hiện kỹ thuật đảo nợ, vay nợ mới trả nợ cũ.

Đặc biệt, ông Cường lưu ý về bội chi ngân sách 2-3 năm gần đây lớn hơn chi đầu tư phát triển, dù chưa cao nhưng tiềm ẩn rủi ro lớn trong trung và dài hạn.

Vì vậy, ông Cường kiến nghị, khi sửa đổi Luật Quản lý nợ công, nếu không bổ sung thêm các khoản nợ công thì phải các các điều khoản đề phòng rui ro từ nợ công tiềm ẩn. Luật cũng cần đảm bảo tính minh bạch, trách nhiệm cụ thể của các cơ quan nhà nước.

Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cho rằng, nợ công tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới từng người dân. Đó là để có tiền trả nợ, nhà nước phải tăng thuế để tăng nguồn thu; cắt giảm các khoản đầu tư cho phúc lợi xã hội, như giảm trợ cấp cho giáo dục, y tế, khiến người dân phải trả phí cao hơn…

Theo Bản tin nợ công số 5 vừa được Bộ Tài chính công bố, hết năm 2015, nợ Chính phủ trên 94,2 tỷ USD (tương đương hơn 2 triệu tỷ đồng), nợ Chính phủ bảo lãnh hơn 20,7 tỷ USD (tương đương hơn 455.000 tỷ đồng), nợ chính quyền địa phương hơn 3,3 tỷ USD (tương đương hơn 73.600 tỷ đồng). Tổng các khoản nợ này bằng 61% GDP.

Về trả nợ, trong cùng thời gian, nghĩa vụ trả nợ chiếm 14,9% số thu ngân sách, và nghhĩa vụ trả nợ dự phòng chiếm 11,8% số thu ngân sách năm.

Tác giả: LÊ HỮU VIỆT

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP