Xe

Nissan X-Trail - kỳ vọng cản đường Mazda CX-5 tại Việt Nam

Thiết kế nam tính, nội thất 5+2, X-Trail hy vọng đánh vào nơi CX-5 còn bỏ trống sẽ tạo nên vị thế riêng.

X-Trail là trường hợp đặc biệt bởi nổi tiếng rất lâu trước khi lắp ráp tại Việt Nam, thông qua đường nhập khẩu. Các thế hệ trước được giới chuyên đi địa hình ưa chuộng nhờ vận hành tốt và vóc dáng rất đàn ông .

Thế hệ mới bỏ đi tất cả những gì làm nên khái niệm X-Trail, thay vào đó là kiểu dáng mềm mại đúng nghĩa crossover. Đặt cạnh Honda CR-V, điểm cộng của X-Trail nằm ở sự gọn gàng thanh thoát phần đuôi nhưng thiếu chút hiện đại và bóng bảy. Trong 3 mẫu xe Nhật, CX-5 hợp với cả nam cả nữ. CR-V nam tính hơn chút. Riêng X-Trail dường như sinh ra chỉ dành cho đàn ông.

So với Mazda CX-5 và Honda CR-V, X-Trail có vóc dáng lực lưỡng và nam tính hơn.

Về kích thước, X-Trail nằm giữa CX-5 và CR-V dù không đáng kể. Hơn kém nhau khoảng 100 mm, chưa đủ tạo nên bất cứ khác biệt rõ ràng nào. Tuy nhiên, Nissan rất khôn ngoan khi thiết kế dạng 5+2 chỗ nhằm thuyết phục những khách hàng có nhu cầu chở nhiều người. Hàng ghế sau không quá rộng nhưng đủ cho trẻ em hoặc 2 người lớn vừa tầm.

Nội thất khá tương đồng với CX-5 khi cả hai đều có cách bố trí truyền thống và thiên về thể thao, trong khi CR-V có chút sang hơn. Màn hình trung tâm 6,5 inch hiển thị camera xung quanh, giao diện giải trí, tùy biến các thông số trên bảng điều khiển trung tâm.

Trên tất cả các bản đều có khởi động bằng nút bấm, ghế lái chỉnh điện 8 hướng và ghế phụ 4 hướng mà Nissan gọi là thiết kế "không trọng lượng" hỗ trợ xương sống. Điều hòa tự động 2 vùng độc lập có cửa gió cho hàng ghế sau. Nội thất bọc da. Điều khiển hành trình Cruise Control.

Bản cao cấp nhất 2.5 SV có thêm dẫn động 4 bánh với chức năng lựa chọn chế độ chạy. Đèn pha tự động. Cửa sổ trời toàn cảnh. Giá nóc. Camera hiển thị xung quanh xe. Dàn âm thanh 6 loa. Kiểm soát đổ đèo và 6 túi khí.

Cửa sổ trời toàn cảnh.

Thấp hơn một chút là bản 2.0 SL với dẫn động một cầu, đèn pha tự động, cửa sổ trời toàn cảnh, dàn âm thanh 6 loa. Hai bản này có chức năng mở cốp thông minh khi tài xế mang chìa khóa lại gần và đưa tay trước cảm biến hồng ngoại.

Ra mắt sau nên X-Trail biết cách tạo nên khác biệt. Chức năng hiển thị camera 360 độ rất hữu dụng khi đi phố đông. Chưa kể tính năng kiểm soát đổ đèo và hệ thống kiểm soát khung gầm chủ động ACC.

Gói giải pháp ACC bao gồm hệ thống kiểm soát lái chủ động ARC cùng kiểm soát phanh chủ động động cơ AEB và vào cua chủ động ATC. Các tính năng này kiểm soát tay lái khi đi trên đường gồ ghề, xe dao động ở biên độ thấp hơn, tránh gây sốc cho hành khách. Trong khi AEB cho phép phanh động cơ ở các thời điểm cần giảm bớt thời gian phanh cũng như tối ưu hóa giữa tốc độ và lực phanh. Còn ATC kiểm soát 4 bánh để tránh hiện tượng mất bám khi vào cua.

Công nghệ này cho phép X-Trail có cảm giác lái khá tốt. Kiểm soát thân xe và vận hành khi cua nhẹ nhàng. Tuy nhiên, về linh hoạt và độ thật trong điều khiển, X-Trail vẫn thiếu chút thú vị so với Honda CR-V. Phiên bản cao cấp nhất 2.5 SV có công suất 169 mã lực và mô-men xoắn cực đại 233 Nm. Công suất của X-Trail thấp hơn con số 188 của CR-V trong khi mô-men xoắn lại nhỉnh hơn.

Khởi động bằng nút bấm.

Quan trọng hơn là X-Trail sử dụng hộp số vô cấp CVT trong khi CR-V dùng hộp số 5 cấp. Tăng tốc của CR-V thoát cũng như tạo cảm hứng nhiều hơn. Chưa kể vô-lăng của mẫu xe nhà Honda chính xác hơn.

Tuy vậy so với CX-5 thì X-Trail có khả năng vận hành hấp dẫn hơn. Vào cua thoải mái, nhẹ nhàng, tăng tốc thoát và ổn định. Cả ba có độ cách âm không khác biệt nhiều.

Trang bị an toàn cũng là điểm mạnh của X-Trail khi tất cả các phiên bản đều có chống bó cứng phanh ABS, phân bổ lực phanh điện tử EBD và hỗ trợ phanh khẩn cấp BA. Cân bằng điện tử VDC. Phanh chủ động hạn chế trượt ABLS. Kiểm soát độ bám đường TCS. Bản cao cấp 2.5 SV có 6 túi khí trong khi 2.0 SL và 2.0 thường có 4 túi khí.

Mức giá của X-Trail từ 1 tỷ đến 1,2 tỷ đồng trong khi CX-5 dao động từ 1 tỷ đến 1,07 tỷ đồng. Hãng xe Nhật trang bị nhiều option hơn và muốn đặt cao hơn một chút so với đối thủ. Vấn đề chính nằm ở chiến lược bán hàng rất mạnh tay về giá của Trường Hải khiến CX-5 luôn ở trong trạng thái dễ tiếp cận.

Trong tháng 10 Nissan bán khoảng 310 xe X-Trail thì Mazda tiêu thụ tới hơn 800 chiếc CX-5. Honda CR-V cũng đạt gần 600. Dẫu vậy, đây được coi là sự khởi đầu tốt bởi X-Trail đã bắt kịp con số 300 và trở thành dòng xe chủ lực của Nissan Việt Nam.

>> Ảnh chi tiết Nissan X-Trail tại Việt Nam:

X-Trail dài 4.640 mm, nhỉnh hơn Mazda CX-5 khoảng 100 mm.

Thiết kế phong cách crossover lai giữa SUV và sedan.

X-Trail hướng tới khách hàng nam hơn là nữ.

Nội thất dạng 5+2 với hàng ghế thứ ba khá chật.

Hàng ghế thứ ba có thể gập phẳng xuống sàn.

Nội thất không quá bóng bảy, thiên về thể thao nhiều hơn. Chất liệu da.

Các nút điều chỉnh âm thanh và điều khiển hành trình trên vô-lăng.

Bảng đồng hồ khá đơn giản.

Hộp số tự động vô cấp CVT.

Khởi động bằng nút bấm.

Tác giả bài viết: Trọng Nghiệp

Nguồn tin:

  Từ khóa: nam tính ,thiết kế ,hy vọng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP