Xã hội

Niềm vui ở thôn 2-9

Những ngày Thu lịch sử này, về thôn mang tên 2-9 thuộc xã Châu Khê, huyện Con Cuông, Nghệ An, vùng quê mới của những người dân từ miền xuôi lên đây lập nghiệp. Cuộc sống nơi vùng quê thứ hai mang tên ngày Độc lập đã đem lại cuộc sống yên bình, hạnh phúc.


e881465723322e5963812072d802b881
Một góc thôn 2-9. (Ảnh: HỒ PHƯƠNG)


Dẫn chúng tôi trên con đường rải bê tông tít tắp, bên ruộng lúa xanh ngút mắt, ông Trần Văn Hùng, Trưởng thôn cho biết, thôn 2-9, xã Châu Khê, huyện Con Cuông có 135 hộ dân với 580 nhân khẩu. Ngôi làng mang tên này bởi năm 1961, thực hiện chủ trương của Đảng, hơn 200 thanh niên ưu tú quê ở huyện Nam Đàn tình nguyện lên xây dựng vùng kinh tế mới vùng đất miền núi Con Cuông còn khô cằn, hoang hóa. Ngày những người thanh niên đầu tiên đặt chân lên mảnh đất này đúng vào ngày Quốc khánh của đất nước nên mọi người đặt tên thôn là 2-9. Từ một bãi đất hoang, hơn 50 năm qua, vùng đất này đã thành thôn bản nhộn nhịp. Từ những đôi bàn tay siêng năng, cần cù mà ruộng vườn xanh mướt, trù phú, có đường, điện, trường học... cuộc sống no ấm.

“Đất lành chim đậu”, trên mảnh đất thôn 2-9 có nhiều người và đơn vị từ các vùng quê khác nhau đến làm ăn sinh sống. Khi xong việc ra về họ đều có nhận xét: “Người thôn 2-9 tốt thật, sống chân thành và luôn tạo điều kiện giúp đỡ họ”, vì vậy khi đi xa họ cảm thấy lưu luyến, mong có ngày gặp lại. Người dân thôn 2-9 yêu ca hát, xóm đã dùng hình thức văn nghệ để tuyên truyền. Kết quả là trong xóm mọi người đều thương yêu nhau, làng xóm hòa thuận, không xảy ra gây rối, gây mất trật tự. Từ đây phong trào văn nghệ của xóm được duy trì phát huy. Trong những năm qua, mỗi lần huyện tổ chức hội thi văn nghệ, thôn 2-9 tham gia cũng đều tích cực tham gia.

An ninh chính trị ổn định, nhân dân đoàn kết thực hiện tốt khẩu hiệu “gia đình hòa thuận, làng xóm yên bình, con cái học hành, chăm ngoan tiến bộ”; Công tác vệ sinh môi trường luôn được quan tâm, công trình vệ sinh, khu vực chăn nuôi của gia đình luôn được bố trí hợp lý và luôn giữ gìn sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh, không gây ô nhiễm, đường làng ngõ xóm thông thoáng, không gây ô nhiễm.

Trước đây, thu nhập của bà con trong thôn chủ yếu dựa vào sản xuất lúa, lạc, ngô và trồng rừng. Nhưng diện tích đất sản xuất ít nên đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn, có gia đình vào mùa giáp hạt phải chạy ăn từng bữa. Năm 2010, nắm bắt nhu cầu của thị trường, bà con trong thôn bắt đầu chuyển dần sang trồng mía, thời gian đầu giá mía tương đối cao nên cuộc sống của người dân trong thôn đã được cải thiện, nhưng trong mấy năm gần đây giá mía xuống thấp, bấp bênh, sau khi trừ chi phí, thu nhập từ cây mía không được đáng kể.

Thực hiện chủ trương của huyện Con Cuông trong việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, thôn 2-9 cùng bản Mét, Tân Hợp, Hua Nà, xã Lục Dạ được chọn trồng thử nghiệm cây ớt chỉ thiên xuất khẩu. Khi mới triển khai trồng cũng gặp rất nhiều khó khăn, công chăm sóc ban đầu đòi hỏi gắt gao, người dân còn hoài nghi về tính hiệu quả của cây ớt về đầu ra của sản phẩm sau khi thu hoạch… Vì vậy, trong mùa đầu tiên cả thôn cũng chỉ mới trồng được gần hai ha. Các hộ trồng nhiều nhất là hộ ông Nguyễn Hồng Phong với 900 m2, ông Trần Văn Hùng là 700 m2, còn các hộ khác trồng với diện tích rất ít.

Đất không phụ công người, cây ớt ngày một xanh tươi, cho nhiều quả. Trồng ớt chỉ thiên là mô hình thử nghiệm của huyện nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện. Sau vụ đầu tiên cây ớt cho hiệu quả kinh tế cao so với các loại cây khác. Huyện đang nghiên cứu để đưa cây ớt vào trồng với diện tích lớn tại những vùng có điều kiện thuận lợi và liên kết bảo đảm đầu ra để góp phần tăng thu nhập cho bà con. Ông Trần Văn Hùng phấn khởi cho biết thêm.

Bà con thôn 2-9 sản xuất ớt cho biết, một kg ớt lúc cao điểm bán được hơn 15 nghìn đồng. Một sào ớt sau khi trừ đi chi phí lãi hơn tám triệu đồng, cao hơn trồng các loại cây khác. Thấy hiệu quả kinh tế cao từ việc trồng ớt, bà con trong thôn đang bàn nhau vào vụ tới sẽ đưa cây ớt vào trồng đại trà.

Chia tay thôn 2-9 khi vụ ớt đang rộ mùa thu hoạch, những trái ớt chín đỏ được bà con thu hái bán cho thương lái, chúng tôi mừng vui vì trên mảnh đất hoang, bằng khối óc, bàn tay và tinh thần đoàn kết của thanh niên lập nghiệp năm xưa và con cháu họ đã làm cho đất như nở hoa, đậu quả mang cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

chỉ mục
Người dân thôn 2-9, xã Châu Khê (Con Cuông) thu hoạch ớt. (ảnh: HỒ PHƯƠNG)

Tác giả bài viết: NGÂN PHẠM

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP