Xã hội

Niềm vui của người Ơ Đu

Từ khi có Dự án Thuỷ điện Bản Vẻ ra đời, tộc người Ơ Đu được đưa ra tái định cư nơi ở mới (thuộc xã Nga My, huyện miền núi Tương Dương, Nghệ An). Bên căn nhà ngói mới, khang trang lịch sự, nhiều hộ dân đã biết trồng cây rau, cây cỏ, lúa nước, ngô khoai… xanh mơn mởn.

Tộc người ít nhất Việt Nam

Ngồi trên chiếc thuyền nhỏ để ngược dòng Nậm Nơn (thuộc lòng hồ thủy điện Bản Vẽ) để về ngôi làng định cư mới của người Ơ Đu, ông Vi Tân Hợi - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra huyện Tương Dương - đưa tay chỉ vào 2 bên sườn núi cho biết: Ngày xưa, tộc người Ơ Đu có tên gọi là Tày Hạt - dịch theo tiếng dân tộc Thái có nghĩa là “đói rách”. Người dân Ơ Đu sống chủ yếu dọc sông Nậm Nơn, biệt lập trong khe suối, sông nước của núi rừng. Sau ngày đất nước độc lập, đồng bào Ơ Đu không gọi tên dân tộc mình là Tày Hạt nữa mà đã chọn tên gọi là Ơ Đu. Cùng với thời gian, hiện người Ơ Đu sống trên địa bàn huyện Tương Dương chỉ 450 nhân khẩu..

1911 Nguo i E du
Người dân Ơ Đu về nơi ở mới.

Để bảo tồn đúng bản sắc của người dân tộc Ơ Đu, vừa qua, UBND huyện Tương Dương đã tổ chức cho một số cán bộ văn hoá cùng một số giáo viên, nhà nghiên cứu đi sưu tầm và ghi âm những tiếng nói, lời kể của 3 - 4 người còn biết tiếng Ơ Đu để lưu truyền cho con cháu Ơ Đu biết đúng tiếng và hiểu được cội nguồn, bản sắc văn hoá của họ. Thông qua đó, giúp đồng bào xoá bỏ tính tự ti, hội nhập và giao lưu văn hoá, bảo tồn dân tộc mình. Cạnh đó, huyện còn tập trung chăm lo đời sống vật chất cho đồng bào Ơ Đu, cụ thể là chuyển bà con đến nơi ở mới khang trang hơn.

Vui nơi ở mới

Mất nửa ngày trời đi bằng xe ôm, chúng tôi mới vào đến bản mới của người Ơ Đu, đóng tại Văng Môn (thuộc xã Nga My, huyện Tương Dương). Từ phía xa trong thung lũng núi rừng âm u này, hiện dần lên những nếp nhà tường màu vàng óng với ngói đỏ tươi (kiểu mẫu nhà được phỏng theo yêu cầu của người dân tộc Ơ Đu). Tại khu tái định cư Văng Môn được chia làm 3 khu dân cư sống quây quần bên nhau. Mặc dù mới ra nơi ở mới chưa được bao lâu, nhưng đó đây, người dân Ơ Đu bắt đầu biết trồng rau, hoa. Để ổn định cuộc sống, buổi ban đầu về Văng Môn, mỗi hộ dân được Nhà nước hỗ trợ cho một con bò, cấp giống cây, vật tư phân bón và đã chia đất, chia rừng sản xuất. Bên cạnh đó, Nhà nước còn xây cho 3 bể nước sinh hoạt công cộng. Mặc dù trước đây không mấy người dân tộc Ơ Đu biết cầm cái cày, cái cuốc hoặc canh tác trên nương, rẩy... nhưng giờ hầu hết bà con đều thành thạo việc đồng áng. Để bà con an cư, lập nghiệp, huyện Tương Dương đã cử một các cán bộ khuyến nông- khuyến lâm vào hướng dẫn kỹ thuật cho bà con canh tác sản xuất hằng ngày.

Anh Lo Tùng Thống –người đến từ bản Xốp Pột - Kim Đa tâm sự: “Nhà tôi có 4 khẩu, ngày trước ở trong khe khổ lắm, bây giờ đã có nhà đẹp, có nước bể, có ruộng vườn, có lợn gà. Được sống như thế này, nhà tôi mãn nguyện lắm rồi.” Đối diện nhà anh Thống, vợ chồng ông Lo Văn Khánh đến từ bản Kim Hoà, vừa dựng lên ngôi nhà sàn to đẹp. Được biết, để ra nơi ở mới, vợ chồng ông đã xin di dời ngôi nhà cũ ngày trước, cộng với khoản tiền được Dự án Thuỷ điện Bản Vẻ đền bù, vợ chồng ông không những có nhà đẹp mà còn sắm được một số tiện nghi giá trị trong gia đình.

Không những có nhà đẹp xinh xắn mà hệ thống điện cũng vào đến tận nhà mỗi người dân. Ông Lò Văn Tuấn (ở Khu số 1) nói trong hạnh phúc: “Ngày trước ở trong khe, điện thắp sáng đối với người Ơ Đu là chuyện lạ. Nay ra vùng định cư mới, điện trong nhà, ngoài sân, ngoài đường đều sáng như ban ngày. Nhờ có điện lưới, tôi đã sắm chiếc ti vi 21 inch để gia đình cùng một số hộ hàng xóm đến xem mỗi ngày”.

Điều đáng nói là khi chưa có vùng tái định cư Văng Môn, đường sá đi lại để vào vùng núi này hết sức khó khăn, nay ra vùng tái định cư đường sá đi lại thuận tiện, nhà nhà thi nhau mua xe máy. Trên các con đường nhỏ của bản Văng Môn, nhiều học trò đang tung tăng tập làm quen với những chiếc xe đạp. Truớc khi đưa đồng bào Ơ Đu về Văng Môn, nơi đây đã xây dựng hệ thống trường tiểu học và mầm non khang trang. Mặc dù số học sinh các khối lớp rải rác, nhưng để con em đồng bào có cái chữ, nơi đây đã có giáo viên tiểu học được điều động từ trường trung tâm của xã về mở lớp và có hàng trăm em học sinh theo học.

Về bản mới Văng Môn, chiều chiều người ta lại nghe tiếng trống, tiếng trẻ thơ rộn rã sau mỗi buổi tan trường. Đó đây từng đàn bò nhỡn nhơ tìm về chuồng trại. Trên lưng mỗi người dân Ơ Đu đầy những gùi lương thực mang về.

Tác giả bài viết: Phan Sáng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP