Thể thao

Những vụ kiện đình đám ở V.League

V.League đã chứng kiến nhiều vụ kiện cáo um xùm giữa ngoại binh và các CLB. Có thể thấy, phần thiệt thường thuộc về các đội bóng do đưa ra quyết định dựa vào “ý chí chủ quan”, trong lúc cầu thủ ngoại có sự hỗ trợ của các nhà môi giới vốn am tường về đường đi nước bước của luật cũng như “lệ”.

Cuối năm 2011, tiền đạo Francois Edene gặp chúng tôi với mong muốn nhờ báo chí lên tiếng khi bị Navibank Sài Gòn thanh lý hợp đồng trước thời hạn với lý do “không còn phù hợp với đội bóng” dù giao kèo giữa hai bên vẫn còn 1 năm. Chân sút người Mexico yêu cầu Navibank Sài Gòn phải trả 80.000 USD còn lại trong khoản lót tay 120.000 USD/mùa cùng các khoản phụ phí khác. Hẳn nhiên, đội chủ sân Thống Nhất không muốn thực hiện điều đó. Nhưng khi cái lý nằm về phía cầu thủ và nếu ra tòa, Navibank Sài Gòn sẽ nắm chắc phần thua nên sau đó, họ đành móc tiền để đền bù hợp đồng cho Francois Edene.

Năm 2013, tiền đạo Huỳnh Kesley dọa kiện Sài Gòn Xuân Thành lên FIFA do đội bóng này không chịu trả anh số tiền nợ gần 30.000 USD và 77 triệu đồng. Sau vài lần thương thảo cùng sự nhượng bộ của hai bên, “quả bom” đã được tháo gỡ khi SG.XT chấp nhận trả 20.000 USD cho chân sút gốc Brazil.

Cho rằng Stevens vi phạm nội quy nên Hải Phòng ra hình thức kỷ luật với chân sút này. Không bằng lòng với quyết định ấy, tiền đạo người Jamaica đã rời đội bóng đất Cảng và tháng 2/2019, gửi đơn kiện lên FIFA. Sau một thời gian xem xét và đánh giá, FIFA đã xử Stevens thắng kiện, buộc Hải Phòng phải bồi thường cho ngoại binh này 200.000 USD.

Năm 2013, Huỳnh Kesley có khúc mắc về hợp đồng với Sài Gòn Xuân Thành - Ảnh: ĐỨC CƯỜNG

Rời Thanh Hóa hồi đầu mùa sau chuỗi thành tích kém cỏi, HLV Fabio Lopez đã kiện lên FIFA do những khúc mắc trong việc đội bóng xứ Thanh sa thải ông. Diễn tiến sự việc đến giờ vẫn là bí mật khi không bên nào cung cấp thêm thông tin, nhưng có nguồn tin cho rằng, cả hai phía đã dàn xếp ổn thỏa.

Đó là những vụ việc được truyền thông nhắc đến trong hàng chục năm qua, nhưng không phải là chuyện hiếm ở các đội bóng Việt Nam. Có thể thấy trong những sự việc này, phần thua thường thuộc về các CLB. Cũng dễ hiểu khi các quyết định đưa ra từ phía lãnh đạo đội bóng chỉ dựa trên cảm nhận chủ quan, lý do khá mơ hồ nên không thể thuyết phục được những người đứng ra phân xử. FIFA hay bất cứ tổ chức nào khi làm nhiệm vụ “trọng tài” đều đứng trên nguyên tắc công bằng và lẽ phải, dựa vào chứng cứ thuyết phục chứ không phải khơi khơi theo kiểu lập luận “không phù hợp chuyên môn” hay “vi phạm nội quy” để đem đến lợi thế cho CLB. Hoặc một số đội bóng thấy đuối lý nên đành phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” chi tiền đền bù cho cầu thủ để yên chuyện.

Francois Edene (phải) bị Navibank Sài Gòn thanh lý hợp đồng trước thời hạn vào năm 2011

Bản thân các cầu thủ nước ngoài cũng không phải tay mơ để nhắm mắt ký hợp đồng mà không cần đọc hết văn bản. Cũng có thể thấy, trong hợp đồng giữa hai bên có những kẽ hở mà khi xảy ra chuyện và kiện đến FIFA, các đội bóng V.League luôn ở thế bất lợi. Trao đổi với chúng tôi trong vụ việc năm 2011, tiền đạo Francois tin chắc sẽ thắng kiện nếu đưa lên FIFA, bởi “quá am hiểu cách làm việc của các đội bóng Việt Nam”. Họ đa phần được tư vấn khá kỹ trước khi đặt bút ký hợp đồng. Chính đại diện của lực lượng “lính đánh thuê” này, tức nhà môi giới, là người rà soát lại các điều khoản trong hợp đồng cho cầu thủ để từ đó có thể đưa ra những dự đoán liên quan đến pháp lý có thể xảy ra, chứ không đơn giản là “lấy xong tiền môi giới là hết nhiệm vụ” như dư luận thường đồn đoán.

Chấp nhận ngậm đắng nuốt cay

Những ngoại binh mới đến Việt Nam thường “ngoan ngoãn” nghe lời các nhà môi giới. Bởi họ không có điểm tựa và tương lai phía trước vẫn là dấu hỏi.

Nhưng khi khẳng định được năng lực chuyên môn và được nhiều đội bóng chèo kéo, có trường hợp đã tìm cách “phản kèo” để ôm trọn tiền, không phải tốn phí cho nhà môi giới do quan hệ có sẵn, ít nhất là với CLB mà cầu thủ đó đang đầu quân. Còn nhớ cách đây 2 năm, Nsi đã bị cấm thi đấu 1 năm do cùng lúc ký hợp đồng với cả XSKT.CT lẫn Sài Gòn FC. Nhưng sâu xa sau đó là chân sút ngoại này dứt tình với người đại diện đã chăm lo cho mình.

Những xùm lùm gần đây giữa ngoại binh và một đại diện cầu thủ cũng có nguyên nhân từ việc “qua cầu rút ván”. Trong những trường hợp như thế, người đại diện luôn ở thế bị động và chấp nhận “ngậm đắng nuốt cay”.

Nsi Amougou bán xới khỏi Việt Nam sau sự cố “đi đêm”

Nsi Amougou từng được xem là một trong những chân sút hàng đầu V.League giai đoạn 2011-2016. Anh thi đấu rất thành công, gặt hái nhiều danh hiệu với Sài Gòn Xuân Thành, B.BD... trong giai đoạn này. Tuy nhiên, sự nghiệp của Nsi tại Việt Nam dường như tiêu tan sau sự cố “đi đêm” với Sài Gòn FC ở V.League 2018. Theo đó, dù đã ký hợp đồng thi đấu cho XSKT.CT, nhưng tiền đạo người Cameroon lại tiếp tục ký hợp đồng với Sài Gòn FC để chơi bóng ở V.League 2018 cùng mức lương và lót tay hậu hĩnh hơn. Sau đó, Nsi bị Ban kỷ luật VFF cấm thi đấu 1 năm, phạt 10 triệu đồng vì ký hợp đồng cùng lúc với cả XSKT.CT lẫn Sài Gòn FC. Kể từ án kỷ luật này, Nsi không còn xuất hiện trên các sân cỏ Việt Nam.

Tác giả: Hồng Quảng

Nguồn tin: bongdaplus.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP