Trong nước

Những thách thức với Tân bộ trưởng Giao thông

Tân Bộ trưởng Giao thông phải xử lý bất cập của dự án BOT và tìm cơ chế phát triển hệ thống giao thông hiện đại.

Hôm nay 26/10, Quốc hội sẽ phê chuẩn đề cử của Thủ tướng về hai thành viên Chính phủ mới, là ông Nguyễn Văn Thể - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng vào vị trí Bộ trưởng Giao thông và ông Lê Minh Khái - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Bạc Liêu giữ chức Tổng thanh tra Chính phủ.

Ông Đỗ Văn Sinh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế, cho rằng ngay sau khi nhận nhiệm vụ, tân Bộ trưởng Giao thông sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức để giải hàng loạt bài toán khó về hạ tầng.

Bí thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng Nguyễn Văn Thể là ứng viên tân Bộ trưởng Giao thông Vận tải. Ảnh: Võ Hải

"Muốn phát triển kinh tế thì giao thông phải đi trước một bước. Trong khi đó, hệ thống hạ tầng giao thông chúng ta từ đường bộ, thuỷ, hàng không, đường sắt đều đang có nhiều hạn chế, là điểm nghẽn lớn", ông Sinh nói.

Theo ông, ưu tiên hàng đầu là Bộ trưởng Giao thông phải bắt tay xem xét lại quy hoạch tổng thể về giao thông Việt Nam hiện "đã chuẩn chưa?", sau khi rà soát quy hoạch thì chọn lĩnh vực đầu tư và tìm nguồn vốn.

Cùng với đó, ông Sinh cũng cho rằng Bộ trưởng Giao thông sẽ có trách nhiệm lớn trong việc hạn chế tỷ lệ thương vong do tai nạn giao thông hàng năm, giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn, mở rộng cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất để chống quá tải...

"Hoạt động ngành giao thông đang trầm lắng"

Ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, nhận định trong bối cảnh ngân sách khó khăn và trần nợ công cao hiện nay thì huy động nguồn lực thông qua BOT là cần thiết, nhưng "cần có giải pháp để tránh lặp lại những hạn chế vừa qua".

Theo ông, ngay trước khi Chính phủ có Bộ trưởng Giao thông mới, Thường vụ Quốc hội đã ra nghị quyết về BOT với rất nhiều yêu cầu như chấm dứt đầu tư BOT trên đường độc đạo, bổ sung tiêu chí đánh giá năng lực doanh nghiệp...

"Điều đó cho thấy đây sẽ là lĩnh vực thách thức của Tân Bộ trưởng. Ông phải tìm được chính sách ngăn chặn hiện tượng tiêu cực, lợi ích nhóm của dự án BOT, BT và tiếp tục thu hút đầu tư vào đây", Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô nói và cho hay, hiện các nhà đầu tư lo ngại chính sách không nhất quán nên không mặn mà "nhảy vào" các dự án hạ tầng.

Tìm vốn cho phát triển hạ tầng sẽ là một trong những thách thức của tân Bộ trưởng Giao thông. Ảnh minh hoạ: CTV

Cho rằng lãnh đạo ngành giao thông cần có chiến lược phát triển hài hòa các phương thức vận tải, ông Thanh phân tích, các dự án đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT thời gian vừa qua tập trung chủ yếu ở lĩnh vực đường bộ, trong hơn 100 dự án đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT chỉ có 2 dự án hàng không và 2 dự án đường thủy nội địa, chưa có dự án đường sắt.

Như vậy, vận tải Bắc - Nam hiện nay vẫn chủ yếu bằng đường bộ, tuy đã mở rộng Quốc lộ 1 từ Hà Nội đi Cần Thơ, song tốc độ xe chạy còn chậm do chưa tách làn ôtô, xe máy. Các phương thức vận tải hiệu quả cao (đường sắt, đường thủy...), chưa được quan tâm một cách đúng mức, chưa thu hút được nhà đầu tư nước ngoài.

Theo Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam, hiện hoạt động ngành giao thông rất trầm lắng, có ít dự án triển khai, do vậy ông kỳ vọng "ứng viên Bộ trưởng được đào tạo bài bản ở Nga, từng công tác tại cơ sở và từng là Thứ trưởng giao thông nên am hiểu công việc, sẽ nhanh chóng nhập cuộc, thúc đẩy các hoạt động của ngành".

Nhiều xe container "đắp chiếu" do chi phí vận tải cao

Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, một thách thức khác với tân bộ trưởng là làm sao giảm chi phí vận tải đang rất cao ở Việt Nam, chiếm khoảng 20% chi phí sản xuất. Trong khi đó, con số này ở Nhật chỉ vào khoảng 5%, ở Mỹ là 8,4%, Úc 9%.

Ông Bùi Danh Liên - Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, phản ánh vận tải hàng hóa đang khó khăn tại nhiều tỉnh, chủ hàng từ chối do giá vận chuyển cao. Ông ví dụ, Hải Phòng có 3.000 xe container thì có 1.000 xe đang "đắp chiếu" vì ít hàng. Hiệp hội vận tải Hải Phòng đã có kiến nghị giảm phí quốc lộ 5 và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng để giảm phí vận chuyển.

Ngoài ra, vận tải khách tuyến cố định cũng rất khó khăn khi lượng khách ít trong khi phương tiện dư thừa, xe dù bến cóc đang bùng phát nhiều gây rối loạn vận tải hành khách.

"Tôi mong Bộ trưởng sẽ cải cách hành chính, giảm bớt thủ tục văn bản, chỉ giữ một số điều kiện cần thiết của ngành vận tải để giải phóng cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp không phải chạy theo các quyết định của Bộ", ông Bùi Danh Liên nói.

Tìm vốn đầu tư cao tốc Bắc Nam, sân bay Long Thành

Chuyên gia giao thông Thân Văn Thanh cho rằng, ngành đang cần nguồn vốn lớn để thực hiện các dự án trọng điểm như đường cao tốc Bắc Nam, sân bay Long Thành... Đơn cử theo kế hoạch, đến năm 2020 Việt Nam phải xây được 2.000 km cao tốc Bắc Nam, nhưng hiện mới chỉ khoảng 700 km, do đó tân Bộ trưởng cần xây dựng các cơ chế thu hút vốn đầu tư ngay trong nhiệm kỳ này.

Ông Thanh nêu con số, Chính phủ dự kiến tổng mức đầu tư giai đoạn 2017-2020 của dự án cao tốc Bắc Nam khoảng 118.700 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ khoảng 55.000 tỷ đồng từ trái phiếu Chính phủ, nguồn vốn còn lại phải thu hút nhà đầu tư là khoảng 63.700 tỷ đồng.

Ngoài ra, với dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành thì chỉ riêng chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư đã hơn 23.000 tỷ đồng, còn chi phí xây dựng hạ tầng Cảng giai đoạn một (đến 2025) là 5,45 tỷ USD.

Cũng theo ông Thanh, Bộ trưởng mới cần quan tâm chống xuống cấp và tụt hậu của ngành đường sắt. 50 năm qua, Việt Nam gần như "quên" đầu tư cho đường sắt khiến chất lượng phương tiện, hạ tầng nhiều tụt hậu, thị phần giảm sút.

"Tôi kỳ vọng Bộ trưởng mới sẽ có sức bật mạnh hơn về tuổi trẻ, trí tuệ, không chỉ làm một hay nửa nhiệm kỳ mà sẽ gắn bó lâu dài với ngành giao thông", ông Thân Văn Thanh nói.

Ông Nguyễn Văn Thể, ứng viên Bộ trưởng Giao thông năm nay 51 tuổi, quê ở Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp; tiến sĩ ngành giao thông; hiện là Uỷ viên Ban chấp hành trung ương Đảng khoá 12, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng.

Tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP HCM, sau đó học Đại học Giao thông đường bộ Moskva (Liên Xô cũ), khi về nước năm 1989, ông Thể làm việc tại Công ty Dịch vụ thiết bị vật tư Giao thông - Thủy lợi huyện Tháp Mười và chuyển về Phòng Giao thông Công chánh huyện Tháp Mười năm 1992.

Ông lần lượt giữ các chức vụ như Phó giám đốc Xí nghiệp Khảo sát thiết kế giao thông tỉnh Đồng Tháp; Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp; Bí thư Huyện ủy Tân Hồng; Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp.

Tháng 6/2013, ông được điều động ra làm Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.

Tháng 10/2015, Bộ Chính trị chỉ định ông Nguyễn Văn Thể giữ chức bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng nhiệm kỳ 2015-2020.

Tác giả: Đoàn Loan - Hoàng Thuỳ

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP