Trong nước

Những phát ngôn ấn tượng tại Đại hội Đảng XIII

Tại Đại hội Đảng XIII, nhiều ý kiến đóng góp các văn kiện tập trung vào công tác cán bộ, xây dựng thể chế chính sách và hiến kế đưa nền kinh tế trở nên thịnh vượng, hùng cường.

Trong bài phát biểu dài hơn 70 phút báo cáo Đại hội về việc xây dựng các văn kiện, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Ông cũng nhấn mạnh cần tiếp tục phát huy tối đa nhân tố con người; con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển.

Trong bài phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Đại hội XIII là dịp để thẳng thắn nhìn nhận những mặt còn hạn chế, những vấn đề cần khắc phục, vượt qua cho giai đoạn 5 năm tiếp theo, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045.

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, đề cập nhiều nhiệm vụ định hướng trong xây dựng lực lượng thời gian tới. Ông cho biết sẽ phấn đấu đến năm 2030 xây dựng lực lượng CAND tinh nhuệ, hiện đại. "Quyết tâm phấn đấu xây dựng lực lượng công an nhân dân thực sự trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu, thể hiện ý chí, trách nhiệm của toàn lực lượng”, ông nói.

Thượng tướng Phan Văn Giang, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, đề cập đến nội dung củng cố, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân; tiếp tục xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Ông cho biết quân đội kiên quyết không để bị động, bất ngờ, nhất là tình hình Biển Đông. Phấn đấu đến năm 2025, cơ bản hoàn thành việc điều chỉnh tổ chức biên chế theo hướng "tinh, gọn, mạnh'", từ năm 2030 xây dựng quân đội hiện đại.

Trong bài tham luận vào ngày làm việc chính thức thứ ba của Đại hội (ngày 28/1), Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng dành nhiều thời gian để nói về công tác cán bộ. Ông đề nghị Trung ương cần có cơ chế để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, đơn vị trong việc khắc phục hậu quả sai phạm, khuyết điểm trong công tác quản lý Nhà nước thời gian qua. Đồng thời, Trung ương cần sớm thực hiện cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, làm cơ sở cho công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng được thuận lợi.

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, nền kinh tế thế giới đang biến đổi sâu sắc và phát triển toàn diện, chuyển từ kinh tế công nghiệp sang kinh tế tri thức. Kinh tế tri thức đã và đang trở thành xu hướng phát triển chung của kinh tế thế giới, được nhiều quốc gia lựa chọn làm chiến lược phát triển. Do đó, TP.HCM luôn xác định tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế tri thức trong định hướng, chiến lược phát triển.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TTTT) Nguyễn Mạnh Hùng đã có bài tham luận về chủ đề chuyển đổi số trong phiên thảo luận về văn kiện sáng 28/1, ngày làm việc thứ ba của Đại hội XIII. Tại đây ông nhấn mạnh Việt Nam đặt mục tiêu làm chủ công nghệ di động 5G, làm chủ hạ tầng điện toán đám mây (cloud) thông qua các nền tảng “Make in Vietnam”. Bên cạnh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, việc làm chủ hạ tầng số, làm chủ dữ liệu của người Việt là nhiệm vụ chiến lược, cần được ưu tiên hàng đầu.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh tới việc nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi sản xuất toàn cầu. Ông cho biết sắp tới sẽ ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử là con đường chủ đạo; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo là trung tâm; phát triển công nghiệp chế tạo thông minh là bước đột phá; chú trọng phát triển công nghiệp xanh. Việt Nam sẽ thúc đẩy hình thành các tập đoàn công nghiệp lớn.

Thứ trưởng Phạm Thị Thanh Trà thì thẳng thắn nhìn nhận công tác cải cách hành chính còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như chưa có sự đồng bộ trong hành chính với lập pháp, tư pháp. Thể chế, pháp luật chưa đồng bộ và thiếu nhất quán. Do đó bà cho rằng công cuộc cải cách luôn đụng chạm đến lợi ích của không ít cá nhân và lợi ích nhóm, lợi ích ngành khiến cho việc thực hiện luôn gặp khó khăn, cản trở.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt dành nhiều thời gian để nói đến tầm quan trọng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong việc thay đổi mô hình tăng trưởng. Ông nhấn mạnh Việt Nam không thể dựa vào lao động giá rẻ, mà cần phát triển kinh tế dựa vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Bộ trưởng cho biết sắp tới sẽ chú trọng xây dựng thể chế vượt trội, chấp nhận rủi ro để khuyến khích phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng chia sẻ về điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Bà nhấn mạnh trong bối cảnh thương mại giữa các nước lớn vẫn gia tăng, các đối tác thương mại lớn quan tâm sâu hơn về điều hành kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ và gia tăng giám sát thương mại đối với Việt Nam, đặt ra nhiều thách thức đối với NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ.

Tác giả: Phượng Nguyễn-Hiếu Công

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP