Thế giới

Những người thức dậy lúc 2h15 để đi làm đúng giờ tại Mỹ

Giống với nhiều người không thể chịu nổi giá nhà ngất ngưởng tại San Francisco, Sheila James phải tìm một chỗ xa hơn, đánh đổi bằng việc thức dậy vào 2h sáng mỗi ngày để đi làm.

Sheila James bắt đầu ngày làm việc hôm thứ 2 vào lúc 2h15. Với một người làm nghề nướng bánh mì hoặc đọc radio buổi sáng, đây có thể là chuyện bình thường nhưng bà James là một nhân viên văn phòng.

Bà năm nay 62 tuổi, có thu nhập 81.000 USD/năm dưới cương vị một chuyên viên tư vấn sức khỏe cộng đồng tại San Francisco. Một ngày của bà bắt đầu từ 2h sáng vì San Francisco là một trong những khu vực đắt đỏ nhất nước Mỹ.

Bà James sống ở Stockton – cách đó khoảng 80 dặm (khoảng 129 km) – nơi có giá sinh hoạt rẻ hơn nhưng khiến bà phải bắt 2 tuyến tàu điện và 1 tuyến bus. Bà thường rời nhà lúc 4h sáng.

Bà James thức dậy lúc hơn 2h, rời nhà vào 4h sáng để kịp đến nơi làm việc vào lúc 7h. Ảnh: NyTimes.

Khá nhiều người làm việc thức dậy lúc 5h hoặc sớm hơn nhưng 2h15 là trường hợp đặc biệt. “2h15 đủ sớm để nhiều người bắt đầu đi ngủ”, bà nói. Tuy nhiên, bà thích dậy sớm, nhâm nhi một tách cafe để tận hưởng sự yên tĩnh.

Khi chuông hẹn giờ báo lần thứ 2 vào lúc 3h45 – báo hiệu còn 15 phút trước khi đến giờ tàu chạy, hành trình của bà bắt đầu. Bà mất 7 phút để lái xe từ nhà ra trạm tàu điện, 4 phút khác để đỗ xe và đi bộ đến ga tàu.

Chuyến tàu Altamont Corridor Express đã tăng gấp đôi công suất trong một thập kỷ qua, vận chuyển khoảng 2.500 hành khách mỗi ngày. Con số này chỉ phản ánh một phần số người muốn di chuyển từ hạt San Hoaquin tới Bay Area vì nhiều người ưu tiên di chuyển bằng ôtô. Cùng giờ chuyến tàu này chạy, giao thông cũng đã tấp nập trên các tuyến xa lộ cùng chiều.

Chuyến tàu này không khác gì một chuyến bay với chăn, gối và những gương mặt mệt mỏi vì buồn ngủ. Một số ít người không ngủ sẽ dán mắt vào điện thoại, laptop hoặc một vài cuốn sách. Mọi người hiếm khi nói chuyện với nhau.

Sau khi xuống tàu, bà James cần di chuyển bằng xe bus đến một ga tàu khác để đến chỗ làm việc. Bà từng sống gần hơn, tại Alameda (California), cách 15 dặm từ vịnh San Francisco. Tuy nhiên, 3 năm trước ngôi nhà bà James và hàng xóm thuê được một nhà phát triển mua lại. Bà quyết định chuyển sang Stockton.

Những chuyến tàu này không khác mấy so với các chuyến bay đêm, nơi người ta mang theo chăn, gối để ngủ và hiếm khi nói chuyện với nhau.

Tại đây, bà phải trả 1.000 USD/tháng cho một ngôi nhà 3 phòng ngủ, so với mức 1.600 USD/tháng cho căn hộ 1 phòng ngủ tại Alameda.

Những chuyến di chuyển dài là điều không mới mẻ với người làm việc tại San Francisco. Bà James thức dậy ở một nơi có giá nhà trung bình dưới 300.000 USD (theo trang bất động sản Zillow). Giá nhà tăng dần theo đà di chuyển của bà. Tại San Francisco, giá nhà trung bình là hơn 1 triệu USD.

Có khoảng 50.000 người di chuyển từ hạt San Joaquin để đi làm tại Bay Area mỗi ngày, biến Stockton thành khu vực có lượng người di chuyển xa để đi làm lớn nhất nước Mỹ. Thời gian di chuyển của những người này thường ở mức trên 90 phút.

Hiện tượng này, tất nhiên, không chỉ diễn ra tại Bắc California. Số lượng người di chuyển trên 90 phút để đi làm tại Mỹ là khoảng 3%. Tại Stockton, con số này lên đến 8%.

6.50 là lúc bà James gần như kết thúc chuyến hành trình kéo dài 3h đồng hồ để đi làm. Ảnh: NyTimes.

Bà James có thể dậy muộn hơn, khoảng 3h50 để đi làm. Tuy nhiên, bà thích một buổi sáng thảnh thơi và kéo dài hành trình của mình.

Đôi khi bà xuống tàu điện sớm hơn và có thể đi bộ nhiều hơn trước giờ làm. Lần này, tàu dừng vào lúc 7h. Bà chọn đi thang cuốn, thay vì thang bộ. Bà mất thêm 3 phút để di chuyển từ ga tàu điện đến nơi làm việc là Fereral Building.

Sau khi kết thúc giờ làm, bà sẽ phải mất thêm khoảng 3 tiếng nữa để về nhà.

Theo New York Times

Tác giả: Đức Nam

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP