Trong tỉnh

Những người đón Tết ở lằn ranh sinh và tử

Khi mở mắt ra, nhận thấy bản thân vừa thoát khỏi lưỡi hái tử thần hay nhìn thấy người thân đang dần hồi sinh trong từng nhịp thở, bạn sẽ thấy lòng mình ngập tràn sự biết ơn và những điều tươi đẹp.

Ca mổ sinh tử chiều 30 Tết

Sau cú ngã đập đầu xuống gờ bê-tông vào chiều 29 Tết vừa qua, cha tôi hôn mê. Sau khi đưa cha đến bệnh viện huyện Nam Đàn, cha tôi được chuyển tuyến lên bệnh viện tỉnh vì tình trạng quá nặng. Đêm đó, cha tôi vào Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An và được hội chẩn ngay.

Theo đánh giá của các bác sỹ lúc bấy giờ, phần cứu sống được cha tôi là rất mong manh. Ông bị chấn thương sọ não nặng, máu chảy nhiều. Các bác sỹ chuyên ngành phẫu thuật thần kinh cũng dè dặt khi nói đến chuyện mổ não cho cha tôi vì khả năng cao là không thành công. Cha tôi được chuyển vào Khoa Hồi sức tích cực Ngoại khoa.

Trưa ngày 30 Tết, tôi được bác sỹ gọi vào và giải thích tình trạng bệnh tình của cha, rằng ông đã hôn mê sâu (theo thang điểm y học Glasgow là 5 điểm – nguy cơ tử vong cao). Bác sỹ cũng nói, nếu gia đình có ý định muốn đưa cha lên tuyến trên thì bệnh viện sẽ chuyển, nhưng việc đi lại hàng trăm cây số ra bệnh viện tuyến Trung ương cũng là một thử thách lớn lao với tính mạng của cha. Mẹ và các em tôi khi đó dường như đã buông tay, suy sụp và không còn hy vọng. Tôi đã nghe lời bàn bạc của họ hàng về chuyện lo hâu sự cho cha. Nhưng giờ khắc ấy, người con cả trong gia đình là tôi, đã quyết định rất nhanh: Bằng mọi giá phải mổ não cho cha, để còn có thể hy vọng. Và chúng tôi sẽ trao tính mạng ông cho các bác sỹ…

Khi các bác sỹ hội chẩn với cả lãnh đạo bệnh viện để đi đến quyết định mổ cho cha, tôi đã phải lấy hết sức bình tĩnh để an ủi, động viên mẹ và các em. Mọi người lo cha sẽ chết trên bàn mổ, khi chưa kịp đưa về nhà. Tôi phải giấu đi tất cả những lo lắng của mình để nói: “Phải tin tưởng vào tay nghề và tấm lòng của các bác sỹ! Phải chờ đợi và vượt qua”. 14 h chiều 30 Tết, cha tôi được đưa vào phòng mổ. 3 tiếng chúng tôi đứng chờ ở bên ngoài cánh cửa phòng mổ, 3 tiếng dằng dặc những âu lo, hãi hùng. Cánh cửa phòng mổ mở ra, tim chúng tôi như nhảy ra khỏi ngực mình. Trước mắt, ca mổ đã tạm thành công, dù các bác sỹ nói sẽ không khẳng định trước điều gì.

Con trai bệnh nhân Nguyễn Nhân Sứu mỗi ngày có thêm hy vọng khi nhìn cha qua ô kính buồng bệnh. Ảnh: Thùy Vinh

Cha tôi được đưa về chăm sóc, điều trị sau mổ tại Khoa Hồi sức tích cực Ngoại khoa. Mỗi ngày, mỗi giờ, chúng tôi chỉ được nhìn thấy cha qua ô cửa kính, nhìn thấy nhịp thở của cha qua bảng điện tử của máy monitor, máy thở và thông báo về chuyên môn của bác sỹ. Chưa bao giờ khoảng cách giữa chúng tôi với cha mình lại gần mà xa đến thế.

Tôi, đứa con đã sớm xa nhà vì mưu sinh, thời gian ở bên cha là ngắn ngủi biết mấy, giờ mới thấy tiếc nuối và thương cha hơn bao giờ hết. Dù có phải bán đi tất cả của cải, để giữ cha ở lại cuộc đời này, chúng tôi cũng vẫn sẽ làm hết sức mình. Và, những niềm hy vọng đã cứ thế lớn dần lên. Cha đã có lúc tỉnh lại, những nhịp đập đã hồi sinh. Tôi đã tin ở điều kỳ diệu tốt đẹp, và nó đã đến từ tấm lòng, từ sự tận tâm, tay nghề người thầy thuốc…

Đến tận ngày hôm nay (ngày 22/2, tức mùng 7 tháng Giêng), tôi mới kịp nhận ra, mình đã cùng cha đón cái Tết đặc biệt nhất trong bệnh viện. Đón một cái Tết qua nhiều cung bậc cảm xúc cứ như thể phải sống qua một quãng đời dài để điều cuối cùng đọng lại chính là lòng biết ơn vô hạn với những người thầy thuốc.

“Trận chiến” đặc biệt

Tôi tỉnh dậy khi xung quanh mình toàn là màu trắng. Cái trần nhà trắng, ga trải giường màu trắng và những bóng áo trắng đang cúi xuống bên mình. Tôi nghe tiếng nói, giống hơn là một lời reo: Bệnh nhân đã tỉnh. Và khi ấy, các con tôi chạy đến, mắt chúng giàn giụa nước, tôi đã hiểu mình lại thêm một lần trải qua cuộc chiến sinh tử nữa trong đời. Tôi chỉ kịp nhớ, mình vừa trải qua cái Tết đầy đủ, sum vầy, cái Tết mà tôi bước vào tuổi 73. Rồi một cơn đau đột ngột, khó thở đã dẫn tôi vào cõi mê đúng ngày mồng 2 Tết.

Trong đời mình, tôi đã có nhiều giây phút cận kề cái chết. Trên những con đường hành quân và chiến đấu dằng dặc những tháng năm chống Mỹ, bao lần tôi cách viên đạn bay, cách mảnh bom phạt chừng một vài ly. Ngay cả khi bom Mỹ đã chạm đến cơ thể tôi, làm mất một phần bàn tay tôi, thì tôi vẫn được cứu sống bởi đồng đội và những người thầy thuốc ở quân y trạm. Lần thì bị tra tấn tại nhà tù Côn Đảo, kẻ thù đã dùng đinh đóng vào đầu tôi, nhưng ý chí, lòng quyết tâm đã giúp tôi đứng vững, chiến thắng.

Tôi bước ra khỏi chiến tranh với bao thương tích trên cơ thể. Cụt một phần tay, mắt mờ, chấn thương sọ não,… là thương binh nặng 1/4, hưởng chế độ chăm sóc tại Trại điều dưỡng thương bệnh binh Nghệ An, bao lần vết thương hành hạ, cộng thêm với đủ thứ bệnh của tuổi già, nhưng chỉ đến trận bệnh nhồi máu cơ tim này thì cái chết mới thực sự gần nhất. Các con tôi đã nghĩ chúng sẽ không thể gặp được bố nữa. Và tôi, bản thân cũng còn dang dở bao nhiêu ý định mà chưa làm được với cuộc đời này…

Bệnh nhân Ngô Gia Khảm trở về trong vòng tay người thân sau giờ phút sinh tử. Ảnh: Thùy Vinh

Cơn hôn mê nặng chiều ngày 2 Tết đã khiến tất cả mọi người thân tắt hy vọng. Nhưng lại thêm một lần may mắn, ngay cả khi chúng tôi đã tắt hy vọng, thì những người thầy thuốc nơi này đã thắp lên nó. Tôi đã được nghe kể lại mình được cứu sống ra sao, ca can thiệp mạch đã kịp thời đến thế nào ngay lúc 12 giờ đêm của ngày mồng 2 Tết. Và thậm chí các con tôi cuống quýt còn chưa nhớ được tên bác sỹ can thiệp mạch cho cha mình. Vậy mà tôi đã nhận được sự chăm sóc tận tụy, ân cần nhất. Có anh bác sỹ trẻ còn nói với tôi rằng: “Bác là một thương binh, đổ máu xương cho đất nước này, chúng cháu phải có trách nhiệm cứu sống bác như một sự tri ân”.

Bây giờ thì tôi đã tin, mình đã trở về với cuộc đời này. Những cuộc chiến đấu sinh tử mà tôi trải qua, lần thì tôi chiến thắng bằng ý chí, niềm tin, sự may mắn, còn lần này, tôi biết, nó là sự tận tâm và tài giỏi của người thầy thuốc. Tôi được sống lại lần nữa, là nhờ ở họ. Và tôi chỉ muốn ngày trở về nhà, được nắm bàn tay từng người áo trắng nơi này, nói với họ về lòng biết ơn!...

(Ghi theo lời kể của anh Nguyễn Khắc Dần, con trai bệnh nhân Nguyễn Nhân Sứu, điều trị tại khoa Hồi sức tích cực Ngoại khoa và lời kể của bệnh nhân Ngô Gia Khảm, điều trị tại Khoa Tim mạch, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An)

Tác giả: Thuỳ Vinh

Nguồn tin: Báo Nghệ An

  Từ khóa: lằn sinh tử ,đón tết

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP