Thế giới

Những ngày cuối đời của nhân viên bầu cử Indonesia chết vì kiệt sức

Rudi Mulya tham gia nhiều cuộc họp trong đêm và ngủ rất ít, ông còn chịu áp lực nặng nề vì lo lắng về nguy cơ gian lận bầu cử.

Cử tri bỏ phiếu ở Banda Aceh ngày 17/4. Ảnh: AFP.

Khi Indonesia tổ chức bầu cử hôm 17/4, họ điều động "đội quân" hơn 7 triệu người làm việc suốt ngày đêm. Tính đến tối 25/4, ít nhất 225 nhân viên phục vụ công tác bầu cử và cảnh sát đã chết vì kiệt sức, 1.450 người bị ốm.

Rudi Mulya, 57 tuổi, nằm trong số những người qua đời. Với tư cách trưởng ban tổ chức điểm bỏ phiếu số 9 tại khu ổ chuột đông dân ở đông Jakarta, công việc của Rudi là đảm bảo cử tri được che nắng và kiểm tra số lượng lá phiếu. Vài ngày trước cuộc bầu cử, ông tham dự rất nhiều cuộc họp trong đêm.

Vợ của Rudi, Sukaesih, kể rằng ông gần như không ngủ trong 4 ngày. Trong và sau ngày bầu cử, ông thức gần 30 giờ để hỗ trợ kiểm phiếu.

Một ngày sau cuộc bầu cử, Rudi, người không có tiền sử bệnh tật, bắt đầu cảm thấy yếu, chóng mặt và đau nửa đầu. Rudi cho rằng ông bị cảm cúm nhưng đến chiều 22/4, 4 ngày sau cuộc bầu cử, ông nôn mửa và thở hổn hển. Vài phút sau, ông qua đời.

Titi Angraini, người giám sát bầu cử ở Perludem, cho biết khối lượng công việc và mức độ căng thẳng mà các nhân viên bầu cử năm nay đối mặt cao hơn đáng kể so với năm 2014, khi cuộc bầu cử tổng thống và lập pháp (bầu quốc hội và các hội đồng địa phương) được tổ chức cách nhau ba tháng.

"Khối lượng công việc và căng thẳng vượt quá khả năng và sức chịu đựng của một nhân viên bình thường", bà nói.

Lãnh đạo ủy ban bầu cử Arief Budiman thừa nhận vấn đề. "Ban đầu, chúng tôi muốn có xe cứu thương và nhân viên y tế trực chờ sẵn sàng tại các trạm bỏ phiếu nhưng chúng tôi không có ngân sách để cung cấp cho tất cả 810.000 điểm. Chúng tôi cũng cố gắng chỉ chọn những người hoàn toàn khỏe mạnh về thể chất và tinh thần, nhưng chúng tôi không có ngân sách hay thời gian để sàng lọc 7 triệu nhân viên bầu cử".

Ủy ban bầu cử đang xem xét tách cuộc bầu cử tổng thống và lập pháp ra như trước kia. Phó tổng thống Muhammad Jusuf Kalla gọi cuộc bầu cử năm nay là "cuộc bỏ phiếu phức tạp nhất" trong lịch sử 21 năm dân chủ của đất nước. Ông ủng hộ việc xem xét lại công tác bầu cử để giảm nhẹ gánh nặng cho quan chức và nhân viên.

Quyết định tổ chức đồng thời bầu cử tổng thống và lập pháp được đưa ra bởi Tòa án Hiến pháp Indonesia vào năm 2014, với lý do làm vậy sẽ bớt tốn kém và hiệu quả hơn về thời gian. Nhưng khi chứng kiến hơn 200 người qua đời vì kiệt sức, Chánh án Tòa án Hiến pháp Anwar Usman ra tuyên bố trong tuần này: "Tôi cảm thấy mình có lỗi về cái chết của các nhân viên bầu cử vì tôi là một trong các thẩm phán đã đưa ra phán quyết".

Titi nói rằng khối lượng công việc lớn có thể không phải là yếu tố duy nhất khiến các nhân viên bầu cử tử vong. "Chiến dịch tranh cử tổng thống khiến cộng đồng chia rẽ nên nó càng gây thêm áp lực cho các nhân viên bầu cử", bà nhận xét.

Cuộc bầu cử năm nay là màn tái đấu giữa Tổng thống Joko Widodo với cựu tướng Prabowo Subianto. Giống như năm 2014, cuộc bầu cử đã gây ra tình trạng chia rẽ trong đất nước có 193 triệu cử tri đủ điều kiện bỏ phiếu. Vài tuần trước cuộc bầu cử, Prabowo nói rằng nạn gian lận lan tràn sẽ khiến ông thất cử.

Sukaesih cho biết vấn đề này khiến chồng bà chịu áp lực nặng nề. "Ông ấy lo lắng về cuộc bầu cử đến mức mất ngủ vì những thông tin về nạn gian lận. Ông ấy quyết tâm không để điều đó xảy ra trong khu phố của chúng tôi".

"Rudi không bao giờ rời mắt khỏi các lá phiếu. Ông thậm chí còn yêu cầu cấp dưới chĩa camera về thùng phiếu để có thể theo dõi chúng qua cuộc gọi video khi vào nhà vệ sinh", bà kể.

Ủy ban bầu cử hứa trao 3.600 USD tiền chia buồn cho gia đình của các nhân viên bầu cử qua đời. Nhưng Sukaesih nói rằng không khoản tiền nào có thể thay thế được chồng bà.

"Tôi cảm thấy an ủi phần nào khi nghĩ rằng ông ấy đã qua đời vì phục vụ đất nước", bà nói.

Tác giả: Phương Vũ

Nguồn tin: Báo VnExpress

  Từ khóa: Indonesia ,bầu cử ,nhân viên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP