Số hóa

Những kiểu dùng điều hòa tốn điện

Việc bật, tắt hoặc tăng, giảm điều hòa liên tục, dùng chế độ Dry... với mong muốn tiết kiệm điện, nhưng thực tế có thể ngược lại.

Bật/tắt hoặc tăng/giảm nhiệt độ điều hòa liên tục

Một số người có thói quen bật điều hoà đến khi phòng mát thì tắt, khi nào nóng lại bật tiếp. Mục đích của việc này là để tiết kiệm điện, thực tế lại có thể khiến hóa đơn tiền điện mỗi tháng tăng lên nhiều lần.

Việc bật/tắt điều hòa liên tục gây tốn điện, giảm độ bền. Ảnh: AMC.

Khi bật điều hoà, máy cần tiêu thụ nhiều năng lượng để thực hiện một loạt tác vụ, như khởi động máy nén, động cơ quạt và làm mát không khí đến nhiệt độ yêu cầu. Việc bật/tắt nhiều lần cũng khiến quá trình trên lặp đi lặp lại, gây tốn điện hơn. Chưa kể, việc tắt/bật liên tục có thể khiến cục nóng lẫn dàn lạnh kém bền.

Nhiều người cũng cho rằng, khi nhiệt độ phòng đã hạ thấp, có thể tăng nhiệt độ lên để máy tạm thời ngừng hoạt động. Tuy nhiên, hầu hết điều hòa hiện nay có hệ thống cảm biến để duy trì mức nhiệt độ ổn định nên thao tác chỉnh tay có thể khiến quá trình vận hành thông thường của máy đảo lộn, giảm độ bền và gây tốn điện hơn.

Bật nhiệt độ thấp nhất ngay khi vào phòng

Có người muốn phòng mát nhanh nên đã hạ nhiệt độ xuống thấp nhất. Lúc này, thiết bị phải vận hành hết công suất nên gây tốn điện và nhanh hỏng. Việc hạ thấp nhiệt độ nhanh có thể khiến người sử dụng sốc nhiệt. Các chuyên gia khuyến cáo nên bật máy ở nhiệt độ khoảng 25 độ C. Nếu vẫn cảm thấy nóng, có thể kết hợp với quạt cây hoặc quạt trần, sau khi phòng đủ mát mới tiếp tục hạ nhiệt độ.

25 độ C là mức được khuyến cáo khi người dùng mới khởi động điều hòa. Ảnh: Doublek.

Việc dùng quạt cũng bổ trợ cho điều hòa, giúp luồng khí lưu thông tới toàn bộ phòng nhanh hơn, giảm bớt công suất và tần suất làm việc của điều hòa, từ đó tiết kiệm điện hơn.

Đóng kín cửa phòng thường xuyên

Quan niệm trước đây cho rằng việc đóng kín cửa giúp hơi lạnh không thể thoát ra ngoài khi điều hòa hoạt động, ít lãng phí điện. Phương pháp này không hẳn sai, nhưng lại gây tình trạng thiếu ô-xy cục bộ cho phòng, cũng như sản sinh vi khuẩn. Các chuyên gia khuyên rằng, người dùng có thể thiết kế phòng ở với khe hở để không khí lưu thông, nhưng kích thước không quá lớn để tránh hơi lạnh thất thoát ra ngoài quá nhiều, gây tốn điện.

Để ánh nắng chiếu vào phòng thường xuyên

Ánh nắng chiếu vào phòng sẽ khiến đồ vật xung quanh hấp thụ nhiệt và nóng lên, khiến điều hòa phải hoạt động nhiều hơn bình thường, tốn nhiều năng lượng. Do đó, đối với phòng ở nơi có ánh sáng, bạn nên dùng rèm dày.

Dùng chế độ Dry sai cách

Gần đây, một số hội nhóm trên mạng xã hội đăng thông tin, bật chức năng Dry Mode và kết hợp quạt sẽ tiết kiệm điện và giúp không khí thoáng mát. Tuy vậy, Dry Mode có chức năng như một máy hút ẩm, có tác dụng giảm độ ẩm trong không khí, phát huy hiệu quả vào những ngày nhiều mưa hoặc ẩm thấp kéo dài.

Chế độ Dry phát huy hiệu quả nhất khi ngày mưa hoặc môi trường ẩm thấp kéo dài: Ảnh: AV2day

Còn vào mùa nóng, không khi có độ ẩm thấp, việc kích hoạt chế độ này có thể gây khô, khiến người dùng khó chịu. Ngoài ra, do kết hợp chế độ này với quạt thông thường, năng lượng tổng thể của cả hai sẽ tiêu thụ nhiều hơn.

Mở điều hòa liên tục

Khi trời nắng nóng, oi bức, nhiều gia đình mở điều hòa 24/24 giờ. Cách này có rất nhiều tác hại. Ngoài tốn điện, việc vận hành liên tục khiến độ bền máy giảm, cũng như có thể tích tụ vi khuẩn có hại.

Theo Tipsmake, nếu ra ngoài từ vài giờ trở lên, người dùng cần tắt điều hòa để tiết kiệm điện, cũng như có thể sử dụng tính năng hẹn giờ tắt trên điều khiển từ xa đề phòng trường hợp quên. Nếu bật điều hòa qua đêm, có thể sử dụng chế độ Ngủ đêm - tính năng tăng nhiệt độ theo giờ (thường khoảng 0,5 độ C mỗi giờ, tối đa 2 độ C). Khi máy tăng nhiệt độ, đồng nghĩa sẽ giảm công suất hoạt động và tiết kiệm năng lượng hơn.

Không vệ sinh điều hòa định kỳ

Nếu bụi bẩn lọt vào, khả năng làm mát của điều hòa sẽ giảm và tiêu thụ nhiều năng lượng hơn. Do đó, để đảm bảo điều hòa cung cấp đủ nhiệt độ, người dùng cần thường xuyên vệ sinh cho cả cục nóng và dàn lạnh.

Vệ sinh định kỳ giúp tăng độ bền cho điều hòa. Ảnh: Tipsmake.

Các loại điều hòa cũ (sử dụng từ hai năm trở lên) nếu không vệ sinh và bảo dưỡng định kỳ sẽ rất bẩn và là nơi trú ngụ của mảng bám, bụi bẩn, mạng nhện... Trên dàn lạnh, bụi này sẽ ngăn điều hòa thổi khí lạnh vào phòng. Ở cục nóng, có thể khiến quạt tắc nghẽn, không thể thông gió, có thể gây hỏng hóc, cháy nổ.

Do đó, cần vệ sinh điều hòa định kỳ 6 tháng hoặc mỗi năm một lần để tránh mảng bám, bụi bẩn dính vào thiết bị, gây hỏng hóc và tốn điện.

Làm dàn che cho cục nóng

Một số người cẩn thận làm dàn che cho cục nóng để tránh thiết bị hư hại do thời tiết. Nhưng theo Aristair, việc này không cần thiết bởi về cơ bản, bộ phận này được chế tạo để chịu được mưa, thậm chí mưa lớn, cũng như có lớp chống ăn mòn, nên sẽ không dễ bị hư hỏng.

Việc che cục nóng quá kín và quá kỹ khiến lượng không khí hút vào và lưu thông bị hạn chế, khiến khả năng làm lạnh của cục lạnh bên trong giảm. Thiết bị sẽ tiêu thụ điện năng nhiều hơn. Các chuyên gia cho rằng người dùng chỉ cần lắp cục nóng không quá thấp để tránh ngập nước, đặt nơi có không gian thoáng để thiết bị hoạt động hiệu quả là đủ.

Tác giả: Bảo Lâm

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP