Giáo dục

Những hình ảnh giáo dục ấn tượng năm 2019

Đó chính hình ảnh khai giảng giản dị của cô trò một điểm trường học ở vùng núi xa ở Quảng Nam; một lớp học đặc biệt của thầy giáo chỉ cao 1,14m; cô giáo 10 năm gắn bó với lớp học dành cho trẻ bị ung thư…

Những hình ảnh xúc động của giáo dục trong năm qua mang đến những giá trị trong cuộc sống

Câu chuyện trong những hình ảnh ấy là những lát cắt đẹp trong giáo dục nói riêng và đời sống nói chung. Những nhân vật trong đó mang đến những giá trị trong cuộc sống, truyền cho chúng ta những ngọn lửa nghị lực, tự tin vươn lên dù ở bối cảnh, hoàn cảnh nào.

Bức ảnh đẹp nhất mùa khai giảng của cô trò ở lớp học nơi lưng chừng dãy Trường Sơn

Một trong những hình ảnh ấn tượng nhất trong năm 2019 vừa qua có lẽ chính là “lễ khai giảng đặc biệt" của 35 cô trò ở điểm trường nơi lưng chừng núi tại huyện Nam Trà My (Quảng Nam).

Cô giáo trẻ Trà Thị Thu cùng 34 học trò đồng bào Ca-dong ở điểm trường Tăk Pổ (Quảng Nam) trong ngày khai giảng

Ngày 5/9, hoà cùng không khí khai giảng cả nước, cô giáo trẻ Trà Thị Thu dạy ở điểm trường Tăk Pổ thuộc Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập và 34 học trò đồng bào Ca-dong cũng có một buổi lễ đặc biệt. Dưới một dãy phòng học tạm bằng gỗ, mái tôn, đám học trò nhỏ tay cầm cờ ngây ngô lắng nghe cô giáo đọc thư chúc mừng khai giảng của Chủ tịch nước. Rồi sau đó, cô giáo trẻ mặc áo dài nắm tay học trò tung tăng trên ngọn đồi cỏ mây trong buổi sáng đặc biệt ấy. Khung cảnh khai giảng đơn sơ mà hồn nhiên, trong trẻo ở điểm trường nơi mây ngàn trùng điệp.

Lễ khai giảng giản dị của cô trò ở điểm trường nơi lưng chừng dãy Trường Sơn

Những hình ảnh đẹp của lễ khai giảng sau đó được cô Thu chia sẻ trên mạng xã hội và lập tức cộng đồng chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội và tạo thành “bão mạng”. Điểm trường Tăk Pổ cũng như cô Trà Thị Thu trở nên “nổi tiếng” với một lễ khai giảng năm học mới đơn giản nhưng đầy ý nghĩa ở lưng chừng mây ngàn trên dãy Trường Sơn.

Tắk Pổ - cách trung tâm huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam 10km nhưng không có đường xe máy lên. Các cô giáo lên dạy học phải đi bộ 2 tiếng đồng hồ vượt núi từ trung tâm xã về điểm trường.

Nhờ đó, câu chuyện đẹp về cô trò Tăk Pổ làm xúc động nhiều người về tính nhân văn và nhân ái. Cô giáo Trà Thị Thu và Riah Uôi (giáo viên cùng đứng điểm trường với cô Thu- PV) đã được lãnh đạo UBND huyện Nam Trà My khen thưởng đột xuất và trao giấy khen vì những đóng góp với ngành giáo dục địa phương ngay trong năm học 2019-2020.

Nữ sinh đang chống chọi ung thư tự tin dự cuộc thi hoa khôi

Những ngày đầu tháng 11, Đặng Trần Thủy Tiên (19 tuổi) trở thành cô nữ sinh gây sốt nhất mạng xã hội khi tự tin nộp hồ sơ dự thi "Duyên dáng Ngoại thương 2019" bằng chính bức ảnh đã cạo trọc tóc trong quá trình điều trị ung thư.

Thuỷ Tiên, sinh viên trường ĐH Ngoại thương - cô gái truyền cảm hứng lạc quan, tự tin sống trước mọi nghịch cảnh

Mọi chuyện bất ngờ đến với cô gái trẻ từ một ngày giữa mùa hè tháng 6 khi em chuẩn bị bước vào năm học thứ hai. Trong lúc tắm, Thủy Tiên vô tình sờ thấy một cục cứng di động ở ngực trái. Kết quả của bệnh viện chẩn đoán bị ung thư vú giai đoạn 2 khiến em choáng váng, tưởng chừng như trái đất sụp đổ.

Phải khá lâu sau đó cô gái mới bình tĩnh lại và chấp nhận số phận. Gia đình, thầy cô và bạn bè luôn động viên và ở bên. “Lúc em đứng giữa ranh giới sống chết của cuộc đời, ai cũng hy vọng em khỏe lại, cứng đầu để đối diện với căn bệnh hiểm nghèo như cá tính bướng bỉnh của mình”, Thủy Tiên nói.

Cô gái trẻ bắt đầu hành trình đầu tiên của mình, đó là lên bàn mổ và cắt nửa bên ngực trái. Và sau đó là một năm truyền hóa chất. Vượt qua cú sốc tâm lý của đợt hoá trị đầu tiên khi nhìn lông mày, lông mi, tóc mình cứ thưa thớt dần. Vài tuần sau lần hóa trị đầu tiên, Thuỷ Tiên quyết định cạo đầu. Hành động đó như thay lời tuyên chiến với căn bệnh ung thư quái ác này!

Chia sẻ về cuộc thi hoa khôi mình tham dự, nữ sinh quê Hải Phòng cho biết: “Trước đây em rất xấu hổ nếu mọi người biết em đội tóc giả. Nhưng kể từ khi cạo trọc, em lại thấy yêu bản thân hơn rất nhiều. Em nhận ra, con gái đẹp nhất là khi tự tin, khi mạnh khỏe chứ không phải vì tóc dài hay tóc ngắn hay đầu trọc!”.

“Khi em tham gia cuộc thi này, em muốn hình ảnh của em, câu chuyện của em sẽ khiến các bạn trẻ quan tâm hơn đến chính bản thân mình. Ung thư có thể đến với bất cứ ai, bất cứ lứa tuổi nào, bất cứ thời điểm nào chứ nó không phải thứ xa vời”, Thuỷ Tiên bộc bạch.

Đến với cuộc thi hoa khôi của trường với câu chuyện chiến đấu với bạo bệnh, Thủy Tiên hy vọng câu chuyện của mình sẽ truyền cảm hứng đến mọi người rằng hãy luôn lạc quan và tự tin sống thật có ý nghĩa. Biết được câu chuyện của Tiên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư và hoa động viên cô gái nghị lực.

Cô giáo một thập kỷ ở lớp học “đặc biệt” tại nơi không ai muốn tới

Cô giáo Đinh Thị Kim Phấn, 62 tuổi gắn bó với lớp học dành cho bệnh nhi ở Bệnh viện Ung bướu TPHCM từ ngày đầu thành lập vào năm 2009 và đến nay tròn một thập kỷ. Công việc này đã trở thành một phần cuộc đời của cô Phấn, cô chưa từng nghĩ bao giờ mình sẽ dừng lại.

Cô giáo Đinh Thị Kim Phấn cùng các học trò ở lớp học đặc biệt nơi "không ai muốn tới"

Nếu đó là công việc dạy chữ đơn thuần sẽ không níu chân cô Phấn đến như vậy. Ở đây, cô nhìn thấy những khát khao, say mê đối với việc học không chỉ để quên đau đớn, bệnh tật của học trò mà là thắp lên trong các em những ước mơ. Dù rằng, đó là ước mơ ở ngay cửa tử.

Không một lớp học nào mà giáo viên phải chứng kiến sự ra đi của học sinh mình như nơi đây. Có em, hôm nay còn ở lớp, đến buổi sau, các em đã "về trời", không bao giờ trở lại.

Nơi đây, cô Phấn và các giáo viên khác đã quen với việc đón nhận... những cái chết bằng nụ cười, nhìn cái chết bằng sự lạc quan. Các cô hiểu hơn bất kỳ ai, không thể mang sự buồn đau, tang thương, nước mắt vào lớp học "cách ly" với nỗi đau đớn bệnh tật tật này.

Cô giáo 10 không thể đau đớn trước những cuộc chia ly

Cô Phấn tự nhắc mình, một tuần mình có gần 170 giờ đồng hồ, chỉ dành cho lớp học nơi đây 4 tiếng thôi, cớ gì mình phải hà tiện. 4 tiếng đó, cô phải thật vui vẻ, hạnh phú. Thời gian vốn là thứ quý giá nhất, với các em bệnh nhi ung thư càng quý gấp bội.

10 năm dạy học ở đây, cô Phấn đã không thể đau đớn thêm nổi nữa trước những cuộc chia ly. Ngược lại, cô thấy mình tràn năng lượng với sự thôi thúc để có thể bước cùng các em lâu hơn nữa, xa hơn nữa…

Lớp học “khổng lồ” của thầy giáo “tí hon”

Thầy giáo Tin học Nguyễn Văn Hùng (31 tuổi) mắc căn bệnh thiếu hooc môn sinh trưởng khiến anh giữ nguyên hình hài của một cậu bé. Cao vỏn vẹn 1m14 và nặng 17 kg, chàng trai này từng tự ti rằng “khó mà làm nên trò trống gì". Bước ngoặt cuộc đời anh là khi gặp được anh Công Hùng, 1 trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quốc năm 2006 (Hiệp sĩ công nghệ thông tin chỉ với 1 ngón tay cử động được). Và từ đó anh có thêm động lực làm việc tại mảng thiết kế đồ họa cho trung tâm Nghị lực sống do cố hiệp sĩ Công Hùng sáng lập.

Thầy giáo tin học Nguyễn Văn Hùng trong lớp học "khổng lồ"

8 năm kể từ khi anh Hùng bắt đầu làm việc tại Trung tâm Nghị lực sống. Lớp học của thầy giáo Hùng đều là học sinh khuyết tật, gặp khó khăn trong vận động. Hàng năm trung tâm đào tạo tối thiểu 60 học viên chia làm hai đợt, mỗi một khóa kéo dài 6 tháng, các bạn sẽ được đào tạo tin học văn phòng, photoshop, tiếng Anh, kỹ năng mềm…

"Các bạn thường tự ti về bản thân nhưng có lẽ khi gặp tôi, một người thầy cũng có ngoại hình khác biệt thì các bạn cởi mở hơn, dễ trò chuyện, làm quen hơn. Ở đây, tôi không chỉ cùng các bạn học về chuyên môn mà còn cùng các bạn vượt qua mặc cảm", anh Hùng tâm sự.

Hùng không chỉ dạy về chuyên môn mà còn cùng các bạn vượt qua mặc cảm khuyết tật

“Nhiều bạn nhận thức không tốt bằng các bạn bình thường nên mình cứ phải dạy đi dạy lại, nhắc đi nhắc lại cho các bạn. Mãi rồi cũng thành quen. Tôi không dám xưng là người thầy mà chỉ là người đi trước hướng dẫn, chỉ dạy thêm cho các bạn", anh Hùng chia sẻ.

Ở trung tâm của thầy Hùng, các học viên đều không phải đóng học phí. Họ sống chung như một gia đình; sau buổi học mỗi người một chân một tay, người nấu ăn, giặt đồ, người dọn dẹp… Chi phí sinh hoạt, thuê phòng đều được mọi người tự nguyện san sẻ với nhau.

Học viên gọi đây là lớp học "khổng lồ" của thầy giáo tí hon, bởi lẽ ngoài học kiến thức, học nghề, họ còn được học kĩ năng mềm, học cách vượt qua thiệt thòi của số phận và kiên cường vươn lên trong cuộc sống.

Tác giả: Lê Phương

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP