Thế giới

Những cơ hội của Việt Nam nếu trúng cử thành viên Hội đồng Bảo an

Việt Nam sẽ tăng cường vai trò của mình khi đảm nhận cùng lúc vị trí ở Hội đồng Bảo an và Chủ tịch ASEAN vào 2020.

Ông Ian Martin, cựu giám đốc điều hành Tổ chức báo cáo Hội đồng Bảo an LHQ. Ảnh: AFP.

"Tôi chắc rằng Việt Nam sẽ trúng cử, trở thành ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021, vì Việt Nam là ứng viên duy nhất của châu Á cho vị trí trong hai năm tới", ông Ian Martin, cựu giám đốc điều hành của Tổ chức báo cáo Hội đồng Bảo an LHQ (SCR), chia sẻ với VnExpress ngày 2/4, bên lề hội thảo quốc tế "Việt Nam trong Hội đồng Bảo an: Đối tác vì một nền hoà bình bền vững".

Việt Nam sẽ tham gia cuộc bỏ phiếu ủy viên nói trên vào tháng 6/2019 sau khi được nhóm các nước Châu Á - Thái Bình Dương tại LHQ nhất trí đề cử. Đây là lần thứ hai Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Bảo an LHQ (HĐBA). Việt Nam từng là thành viên không thường trực Hội đồng này nhiệm kỳ 2008 - 2009 và đảm nhận vai trò chủ tịch HĐBA vào tháng 7/2008 và tháng 10/2009.

Theo ông Martin, Việt Nam tham gia HĐBA trong thời điểm rất quan trọng và có nhiều thách thức. Trong bối cảnh 5 thành viên thường trực của Hội đồng có những khác biệt về quan điểm chính trị, Việt Nam và 9 thành viên khác (nếu được bầu trong tháng 6) sẽ phải hợp tác để cải thiện chức năng của HĐBA và đạt được đồng thuận trong các vấn đề quốc tế.

Cựu giám đốc điều hành của SCR cho hay sẽ có rất nhiều hợp tác tích cực giữa 10 thành viên không thường trực của HĐBA và tin rằng Việt Nam có thể nhanh chóng bắt nhịp. Ông Martin kỳ vọng sẽ thấy sự đóng góp tích cực của Việt Nam trong việc ngăn ngừa xung đột, một trong những vấn đề chính ở HĐBA. Những kinh nghiệm của Việt Nam có được trong xử lý các vấn đề trong nội khối ASEAN và hậu xung đột nói chung, cũng rất đáng lưu ý.

Ông Phạm Quang Vinh, người từng có hai nhiệm kỳ công tác tại Phái đoàn Việt Nam tại LHQ (từ năm 1987 đến 1999), cũng tỏ ra phấn chấn với công việc sắp tới của Việt Nam. Ông cho biết rất trông đợi Việt Nam không chỉ trúng cử vào vị trí ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, mà còn có số phiếu cao. Trên thực tế Việt Nam đã thể hiện tốt vai trò của mình khi đảm nhiệm vị trí tương tự hồi 2008-2009.

"Có lẽ thách thức lớn nhất của Việt Nam là cục diện thế giới đang thay đổi rất nhiều sau 10 năm", ông Vinh đánh giá. Sự điều chỉnh của các nước lớn tạo ra cạnh tranh chiến lược gay gắt, có những quan điểm làm suy giảm chủ nghĩa đa phương, thậm chí giảm những cam kết với LHQ. Do đó, một nước khi tham gia HĐBA phải tính toán để cùng các nước khác đề cao nguyên tắc của Hiến chương LHQ, đề cao trật tự của luật pháp quốc tế và các giá trị lâu nay mà LHQ duy trì.

Một khó khăn nữa mà Việt Nam phải đối diện nếu trở thành thành viên của HĐBA là một số nước thay đổi quan tâm đối với các vấn đề lâu nay tưởng chừng "thế giới đã đồng thuận". Đó là tự do thương mại, bảo hộ mậu dịch, biến đổi khí hậu. Các nước thành viên HĐBA vừa phải duy trì được quan tâm chung, vừa phải đáp ứng nhu cầu thay đổi của các nước lớn. Ông Vinh cũng cảnh báo khi các nguyên tắc của LHQ bị sứt mẻ hay các thành quả trước đây không còn được công nhận (Jerusalem, cao nguyên Golan ở Trung Đông hay các vấn đề khác ở châu Phi) thì các thành viên HĐBA cần kiểm soát, không để phát sinh thêm nguy cơ xung đột.

Thuận lợi cho Việt Nam, theo ông Vinh, là các vấn đề xung đột phức tạp trên thế giới đã giảm bớt hoặc được giải quyết một phần. Tại châu Á - Thái Bình Dương, các bên liên quan đến vấn đề trên bán đảo Triều Tiên đã có đối thoại, các bên tranh chấp ở Biển Đông cũng có động thái để giải quyết khác biệt.

Nhắc tới "vai trò kép" khi Việt Nam đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN vào 2020, ông Vinh cho biết Việt Nam có thuận lợi là thúc đẩy mục tiêu chung của hai thể chế: hướng tới hòa bình và phát triển bền vững. Tuy nhiên, khi có vấn đề xảy ra ở khu vực, Việt Nam cần bảo đảm xây dựng được đồng thuận, tạo cơ sở để LHQ dựa vào để xử lý. Đối với an ninh, HĐBA đảm bảo hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Việt Nam đang tăng cường tham gia vào các công việc chung của quốc tế và có vị thế cao hơn. Ông cho rằng Hà Nội nên tập trung vào các ưu tiên là ủng hộ thể chế đa phương, tăng cường bảo đảm hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực.

"Việc cùng đảm nhiệm hai vai trò sẽ giúp Việt Nam có thêm điều kiện cùng các nước ASEAN thúc đẩy quan tâm chung của khu vực trong chương trình nghị sự của LHQ", ông Vinh nói.

Đồng tình với ý kiến này, ông Ian Martin cho hay Việt Nam không chỉ có cơ hội thể hiện quan điểm của riêng mình mà còn cho thấy quan điểm chung của ASEAN và giúp LHQ có cái nhìn bao quát hơn về tình hình khu vực.

Riêng về vấn đề Biển Đông, ông Martin đánh giá nó chưa nằm trong chương trình nghị sự chính thức của HĐBA nhưng Hội đồng có diễn đàn để các nước đưa ra.

"Việt Nam có cơ hội thảo luận với Trung Quốc và các nước khác trong HĐBA về Biển Đông. Nó giúp tăng cơ hội đối thoại với các bên liên quan", ông Martin nói.

Đại sứ Đức tại Việt Nam Christian Berger, đại diện của nước chủ tịch Liên minh châu Âu vào nửa sau 2020, thành viên của HĐBA, cho biết Berlin mong cùng Hà Nội tìm ra sáng kiến để cùng tận dụng được những quan tâm chung.

"Đức ủng hộ việc duy trì trật tự đa phương trên nguyên tắc pháp quyền. Chúng tôi muốn cùng Việt Nam xem có thể làm được gì để thúc đẩy quan điểm ủng hộ chủ nghĩa đa phương và cùng hưởng lợi từ vấn đề đó", ông Berger gợi ý.

Một phiên họp của Hội đồng Bảo an LHQ. Ảnh: UN.


Tác giả: Việt Anh

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP