Số hóa

Những chiêu trò lừa lấy thông tin từ điện thoại bị đánh cắp

Sau khi có trong tay những chiếc điện thoại đánh cắp, cướp giật, nhiều kẻ xấu đã vạch ra đủ chiêu trò để lừa lấy thông tin của chính chủ nhằm biến đồ phi pháp thành tài sản của bản thân hoặc bán điện thoại với giá cao.

Dòng điện thoại iPhone từ trước đến nay được xem là một trong những dòng điện thoại có độ bảo mật cao, được nhiều người tin tưởng bỏ số tiền lớn để sở hữu. Thứ mà những kẻ ăn cắp ngán ngẩm nhất chính là hệ thống bảo mật iCloud. Mỗi người sẽ có một tài khoản iCloud riêng, khi mất điện thoại chỉ cần khoá tài khoản này sẽ vô hiệu hoá được điện thoại từ xa. Khi điện thoại được mở nguồn, hệ thống của Apple sẽ thông báo đến cho người mất địa điểm qua email được đăng kí từ trước.

Giao diện iCloud bảo mật của Iphone

Điện thoại bị khoá iCloud đồng nghĩa với việc ko thể truy cập vào điện thoại, dù có cài lại phần mềm hoặc làm bất kì thứ gì mà ko có mật khẩu iCloud chính chủ thì cái máy đó được xem là đồ bỏ đi. Nhiều kẻ xấu không đành lòng bán linh kiện điện thoại hàng chục triệu với giá rẻ nên đã tìm đủ mọi cách để ăn cắp thông tin từ chính chủ, nhằm chiếm đoạt làm tài sản riêng hoặc để bán đi với giá cao.

Đủ chiêu trò tinh vi nhằm đánh cắp thông tin trên điện thoại
Sau 2 tháng bị giật điện thoại, chị Thu Hà (23 tuổi, TP HCM) nhận được cuộc gọi từ một người tự xưng là nhân viên cửa hàng điện thoại, cho biết cửa hàng vừa lập biên bản thu giữ một chiếc iPhone đời mới. Thông qua kiểm tra số IMEI trên điện thoại và lịch sử mua hàng thì người này có được thông tin liên lạc của chị Hà và thông báo chiếc điện thoại vừa thu giữ là của chị đánh mất.

Chị mừng rỡ, nhanh chóng hỏi cách thức nhận lại tài sản cá nhân thì đối tượng kể trên yêu cầu chị mang CMND/CCCC đến địa chỉ cửa hàng tại 89a Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 để làm việc. Tuy nhiên, người này cũng nói thêm, trước khi đến chị cần cung cấp một số thông tin liên quan như ngày mua điện thoại, ngày kích hoạt tài khoản iCloud trên máy, số CMND, mua ở địa chỉ nào, email là gì...

Kẻ gian cố gắng "moi" thông tin từ chị Hà

Khi chị Hà ngập ngừng, kẻ này lập tức trấn an rằng không có ý định xin thông tin đăng nhập iCloud của chị và còn giả vờ có lòng tốt nhắc nhở chị không được cung cấp cho bất kì ai. Những thông tin trên nhằm chứng minh chị là chủ của chiếc điện thoại đánh mất. Nghi ngờ người này có hành vi lừa đảo đánh cắp thông tin, chị Hà cố gắng kéo dài thời gian để tìm cách chuộc điện thoại nhưng cuối cùng đối tượng đã nhận ra và cắt đứt liên lạc.

Chủ nhân điện thoại đã nhận ra chiêu trò và cố tình kéo dài thời gian, tuy nhiên kẻ gian đã phát giác và cắt đứt liên lạc.

Vì cảnh giác cao mà chị Hà đã không bị kẻ gian đánh cắp thông tin trong chiếc điện thoaị đã đánh mất. Sau đó, chị kiểm tra lại địa chỉ mà kẻ xấu hẹn gặp thì nơi đó đã không còn là cửa hàng điện thoại từ 2 năm trước, hiện đã là một cơ sở kinh doanh khác. Đây chỉ là một trong vô số thủ đoạn tinh vi mà các đối tượng xấu vạch ra để có thể biến điện thoại bị đánh cắp thành tài sản riêng.

Giả mạo đường link từ hãng Apple để lừa người dùng nhập thông tin cá nhân

Cũng theo nhiều hội nhóm về công nghệ, chiêu trò quen thuộc nhất của những kẻ này là gửi đường link giả mạo hãng Apple thông báo tìm thấy điện thoại, lừa chủ nhân nhập thông tin vào link để đánh cắp mật khẩu và các thông tin quan trọng. Nhiều nạn nhân cả tin đã bị lấy cắp iCloud, thậm chí bị chiếm quyền sử dụng luôn cả chiếc điện thoại đang sử dụng.

Chưa kể chủ nhân còn có thể bị kẻ xấu sử dụng mạng xã hội đăng nhập sẵn trên máy thực hiện các hành vi lừa đảo, lấy thông tin bán cho bên thứ ba, sử dụng trái phép các hình ảnh, thông tin để vay tiền qua app...

Cần làm gì sau khi bị mất iphone?
Nhiều người rơi vào tình trạng hoảng loạn sau khi đánh mất điện thoại, không biết bắt đầu xử lý từ đâu, từ đó vô tình tạo điều kiện cho kẻ gian gài bẫy. Để tránh những hậu quả nghiêm trọng, không đáng có sau khi bị trộm cắp, cướp giật điện thoại, chủ nhân cần bình tĩnh, sắp xếp công việc để giải quyết nhanh nhất các vấn đề liên quan.

Đầu tiên, để tránh bị kẻ gian chiếm đoạt quyền sử dụng SIM, người mất điện thoại cần liên lạc với nhà mạng để yêu cầu khoá SIM cả hai chiều. Ngay sau đó, đến ngay trung tâm viễn thông gần nhất để làm lại SIM, SIM điện thoại gắn liền với các tài khoản quan trọng như mạng xã hội, tài khoản ngân hàng.. nên cần được kiểm soát để tránh bị đối tượng xấu sử dụng vào các hành vi phi pháp.

Khoá tài khoản iCloud là việc bắt buộc cần phải làm để vô hiệu hoá điện thoại. Sau đó, thông báo cho bạn bè trên các tài khoản mạng xã hội biết việc bản thân bị đánh cắp điện thoại và cảnh báo nguy cơ lừa đảo, vay mượn tiền. Báo cho công an gần nhất để xử lý nếu may mắn có thể tìm lại được tài sản.

Cần cảnh giác với tất cả cuộc gọi, tin nhắn tỏ ý tốt muốn giúp đỡ lấy lại điện thoại đã mất, các đường link lạ yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân. Thiết lập bảo mật 2 lớp cho các thiết bị điện tử và không nên sử dụng điện thoại khi di chuyển trên đường.

Nguồn tin: thoidaiplus.suckhoedoisong.vn

  Từ khóa: iCloud ,Apple ,iphone ,điện thoại

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP