Trong nước

Những bữa cơm muối vừng, đậu phụ của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười

Theo lời kể của nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười có lối sống giản dị. Trong nhiều chuyến công tác, nguyên Tổng Bí thư luôn đề nghị các địa phương không đón tiếp rình rang, tránh tốn kém, lãng phí...

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười dành nhiều tình cảm với quê hương, hay về thăm, căn dặn cán bộ, chính quyền xã Đông Mỹ phải chăm lo cho đời sống nhân dân. Ảnh: TL

Cuộc điện thoại lúc 3h sáng

Trò chuyện với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Võ Hồng Phúc nhiều lần nói rằng, bản thân ông may mắn vì được làm việc cùng cụ Đỗ Mười khi cụ còn giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước. Thời điểm đó, ông Phúc đang là cán bộ cấp vụ tại Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (sau này là Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Nói về phong cách làm việc của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, ông Phúc nhấn mạnh, cụ Đỗ Mười là một người rất sâu sát với công việc, làm việc không kể ngày đêm. “Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười rất thẳng thắn, khen là khen ngay, chê là chê ngay. Điều đặc biệt là cụ rất tin tưởng và đánh giá đúng năng lực của cán bộ trẻ, thúc đẩy tinh thần cố gắng của mọi người”, ông Phúc bày tỏ.

Theo ông Phúc, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười rất chia sẻ với những hoàn cảnh éo le và những khúc mắc của người dân. Cũng chính vì thế mà những năm cụ còn đương chức và kể cả sau này, hằng ngày cụ nhận không biết bao nhiêu thư từ từ người dân, thư nào cụ cũng đọc, thậm chí cụ trực tiếp gặp gỡ bà con. Việc nào có vấn đề, đích thân cụ trao đổi với lãnh đạo địa phương, đề nghị họ giải quyết…

Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc.

Kỷ niệm ông Võ Hồng Phúc nhớ nhất đó là một lần, trong chuyến công tác tại nước ngoài, ông bàn công việc cùng ông Đinh Phú Định, lúc đó là Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ. Khi ấy ở Bỉ khoảng 21h, còn ở Việt Nam chừng 3h sáng. Do có vấn đề cần xin ý kiến nên ông Phúc đã... gọi điện cho Tổng Bí thư Đỗ Mười. Điều bất ngờ là sau khi nghe điện thoại, Tổng Bí thư rất hồ hởi và đưa ra những quan điểm giúp chuyến công tác của ông Phúc được thành công tốt đẹp.

Theo ông Phúc, trong những chuyến đi công tác xa, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười luôn đề nghị các địa phương không đón tiếp rình rang, lãng phí. “Tôi nhớ mãi nguyên Tổng Bí thư thích ăn món vừng đen. Trong những chuyến công tác, cụ cũng chỉ đề nghị được ăn cơm với muối vừng, đậu phụ”, ông Võ Hồng Phúc nhớ lại.

Còn một chuyện nữa, ông Phúc cũng không thể quên, đó là việc liên quan đến tặng quà dịp lễ, Tết, sinh nhật. Ông Phúc nhớ lại, nguyên Tổng Bí thư từng nói: “Truyền thống cha ông chúng ta là quý mến nhau, trân trọng nhau thì tặng, biếu nhau một chút quà thơm thảo, nhưng đó phải là những món quà bình dị, là tấm lòng...”.

Giản dị và gần gũi

Ngôi nhà cấp 4 đơn sơ này là nơi gắn bó với nhiều kỷ niệm tuổi thơ của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười. Ảnh: Cao Tuân

Khi nghe tin nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười vừa ra đi mãi mãi, người dân thôn Đông Phù (xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) cảm thấy hụt hẫng, tiếc thương. Những hình ảnh giản dị, chân chất về vị lãnh đạo một đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, luôn đau đáu những nỗi lo về đời sống nhân dân luôn ghi sâu trong lòng người dân nơi đây.

Trò chuyện với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Nguyễn Duy Yên (64 tuổi - cháu ruột nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười) cho biết: “Ngôi nhà cấp 4 này là nơi bác Đỗ Mười đã sinh ra và lớn lên. Đến bây giờ, ngôi nhà vẫn giữ được gần như nguyên trạng so với ban đầu, chỉ tu sửa lại những chỗ bị hỏng nặng. Khi còn khỏe, năm nào bác Đỗ Mười cũng về thăm. Xung quanh ngôi nhà có nhiều cây xanh tỏa bóng mát. Ngôi nhà là nơi con cháu tập trung mỗi khi Tết đến xuân về. Ngày chưa lâm bệnh, bác Đỗ Mười vẫn chăm đọc sách và tin tức trên báo chí. Bữa ăn hàng ngày của bác rất giản dị, đạm bạc, món hiếm khi thiếu là đậu phụ, vừng, lạc. Tôi còn nhớ rõ lúc bác Đỗ Mười làm Bộ trưởng Bộ Xây dựng, căn nhà ở quê bị tốc mái, tôi đạp xe chạy lên xin ý kiến sửa chữa. Lạ là bác bảo, cháu về cắt rạ làm mái nhà, làng mình nhiều rơm rạ lắm”.

Ông Lê Tuấn Minh, Bí thư Đảng ủy xã Đông Mỹ cũng chia sẻ: “Dù công việc bận rộn, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười vẫn dành một sự quan tâm đặc biệt đối với quê hương Đông Mỹ. Khi còn khỏe, hầu như năm nào cụ cũng về quê thăm hỏi, động viên nhân dân làm ăn. Mỗi khi về thăm, câu hỏi đầu tiên cụ dành cho các vị lãnh đạo xã đều là: Năm nay xã còn bao nhiêu hộ nghèo, có bao nhiêu hộ giàu, tình hình đời sống nhân dân ra sao? Rồi cụ căn dặn các vị lãnh đạo phải biết chăm lo cho đời sống của nhân dân, thúc đẩy kinh tế phát triển để số hộ nghèo giảm đi, số hộ giàu tăng lên”. Cũng theo lời ông Minh, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười rất gần gũi với nhân dân, có lối sống giản dị vô cùng.

Dù biết quy luật của cuộc đời sinh lão bệnh tử, nhưng khi biết tin nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười qua đời, ông Minh cũng như những người dân xã Đông Mỹ ai nấy đều bùi ngùi xót thương.

Lãnh đạo xã Đông Mỹ cho biết, mặc dù chưa có thông tin chỉ đạo từ trên về việc tổ chức tang lễ nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, nhưng bà con quê hương đã chuẩn bị chu đáo và rất mong được đón nguyên Tổng Bí thư về nơi an nghỉ cuối cùng tại quê hương Đông Mỹ.

Nhà báo Lê Thọ Bình chia sẻ: “Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười là người thẳng thắn, bộc trực và thân thiện. Cụ rất ít khi từ chối trả lời phỏng vấn hoặc trò chuyện với các nhà báo. Giọng sang sảng, đầy nhiệt tình, cụ nói say sưa, không triết lý nhiều, rất dễ hiểu, những dẫn chứng đưa ra rất cụ thể và dí dỏm. Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười có cách nói chuyện rất ấn tượng, chân tình. Điều thú vị là khi gặp những câu hỏi hóc búa, cụ thường làm người nghe ngạc nhiên vì đôi khi không trả lời thẳng vào câu hỏi mà đưa ra một câu chuyện nhẹ nhàng, thuyết phục người nghe”.

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười từ trần hồi 23h12 ngày 1/10/2018 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, hưởng thọ 101 tuổi. Ông tên thật là Nguyễn Duy Cống, sinh ngày 2/2/1917, quê ở xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Tháng 9/1960, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam, ông Đỗ Mười được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Tháng 12/1986, tại Đại hội Đảng lần thứ VI, ông Đỗ Mười được bầu vào Ban chấp hành Trung ương, Uỷ viên Bộ Chính trị và Thường trực Ban Bí thư. Hai năm sau, Quốc hội bầu ông giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Tại Đại hội Đảng lần thứ VII và VIII, ông Đỗ Mười được bầu vào Ban chấp hành Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, giữ chức Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng (6/1991 - 12/1997).

Ông Đỗ Mười là đại biểu Quốc hội các khoá II, IV, V, VI, VII, VIII, IX và được trao tặng huy hiệu 80 năm tuổi Đảng.

Tác giả: Cao Tuân

Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP