Giáo dục

Nhiều trường mầm non ở Nghệ An tự gắn mác “quốc tế”

Không đủ điều kiện, tiêu chuẩn quốc tế nhưng nhiều trường mầm non hiện nay đã đánh vào tâm lý của phụ huynh, tự gắn mác “quốc tế” cho cơ sở đào tạo của mình.

Thực tế hiện nay trường quốc tế không được pháp luật Việt Nam quy định, trừ trường hợp cơ sở đào tạo các cấp đó được xem là quốc tế nếu đạt được các tiêu chí mà thế giới đặt ra. Nghĩa là, nhiều cơ sở đào tạo gắn chữ “quốc tế”, “song ngữ” không phải là thuật ngữ pháp lý hoặc không chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam.

Lạm dụng “song ngữ” trong phê duyệt quy hoạch

Theo Luật giáo dục 2005 và Luật giáo dục 2019 (có hiệu lực thi hành từ 1/7/2020) và các điều khoản quy định tại Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục của Chính phủ thì tên riêng của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài không được đặt trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của cơ sở giáo dục đã đăng ký, với tên của doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư; không sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.

Tuy nhiên, thực tế ở Nghệ An hiện nay đang xuất hiện nhiều cơ sở giáo dục mầm non đã lạm dụng từ “quốc tế”, “song ngữ” để gắn cho tên trường và quảng cáo trên các website của mình.

Thực tế cơ sở giáo dục mầm non do chính nhà đầu tư trong nước xây dựng nhưng khi thẩm định, cấp phép, cơ quan có thẩm quyền vẫn lạm dụng từ “song ngữ” để ban hành văn bản.

Trường mầm non Happy Kids ở phường Vinh Tân, TP Vinh tổ chức khánh thành với nhiều nội dung giới thiệu là cơ sở giáo dục tiêu chuẩn quốc tế

Tại dự án xây dựng trường mầm non song ngữ Happy Kids tại phường Vinh Tân, Tp Vinh, tỉnh Nghệ An là một ví dụ điển hình. Theo đó, sau khi Công ty TNHH thương mại Tuấn Hoài có tờ trình số 198/TTr-Cty (ngày 26/12/2016) về việc xin thẩm định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 xây dựng trường mầm non song ngữ Happy Kids, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định chấp thuận phê duyệt bằng văn bản số 1124 ngày 23/3/2017.

Đáng quan tâm là tại nhiều văn bản do cơ quan có thẩm quyền tỉnh Nghệ An ban hành, phê duyệt, cụm từ “song ngữ Happy Kids” cho dự án xây dựng trường mầm non này được lạm dụng, sử dụng nhan nhản.

Vì vậy, cụm từ ngữ có yếu tố ngôn ngữ nước ngoài nói trên được các cấp quản lý nhà nước ở Nghệ An vô tư sử dụng để ban hành các văn bản làm cơ sở pháp lý. Trong khi đó, chiếu theo các quy định của pháp luật thì đây là dự án do chủ đầu tư ở Việt Nam xây dựng.

Được biết, vào ngày 15/7/2018, chủ đầu tư dự án này cũng đã tổ chức lễ khánh thành trường mầm non song ngữ Happy Kids trước sự có mặt của lãnh đạo chính quyền địa phương.

Nhiều trường tự gắn mác “quốc tế”

Đây là một thực tế đang tồn tại ở các trường mầm non được xem là VIP trên địa bàn Nghệ An hiện nay. Thậm chí, nhiều cơ sở đào tạo, chăm sóc trẻ còn tự gắn cho mình cụm từ ngôn ngữ nước ngoài để tuyển dụng, nhắm vào tâm lý sính ngoại của đông đảo phụ huynh.

Theo GS.TS Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho rằng, để một cơ sở được xem là cơ sở đào tạo quốc tế phải đáp ứng nhiều tiêu chí cao. Đó là cơ sở vật chất của nhà trường phải đạt chuẩn quốc tế hoặc có yếu tố nước ngoài đầu tư theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Ngoài ra, cơ sở đào tạo được xem là trường quốc tế phải có chương trình học quốc tế và do Bộ GD&ĐT thẩm định, cấp phép, quyết định việc đặt tên một số cơ sở giáo dục mang tính đặc thù…

Thế nhưng, nhiều cơ sở đào tạo, giáo dục mầm non ở Nghệ An hiện nay không đáp ứng được các tiêu chí trên vẫn tự phong, gắn mác cho mình là “trường quốc tế”. Cụ thể như: Trường Mầm non quốc tế Sun Kids tại phường Nghi Hương, thị xã Cửa Lò; Trường mầm non quốc tế Ánh Dương, trường mầm non Quốc tế Viet – Sing, trường mầm non song ngữ Happy Kids đều có địa chỉ ở thành phố Vinh.

Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An khẳng định hiện nay trên địa bàn Nghệ An chưa có trường nào được công nhận là trường quốc tế, song ngữ

“Hiện nay Sở GD&ĐT đã yêu cầu các cơ sở nói trên phải tháo biển đặt quảng cáo có chữ “quốc tế”, “song ngữ” xuống. Ở Nghệ An chưa có trường nào được công nhận là trường quốc tế, song ngữ cả” – GS. Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An nói.

Tuy nhiên, điều đáng nói là trong các văn bản có tính pháp lý do cơ quan chức năng ở Nghệ An ban hành, chẳng hiểu sao cụm từ “quốc tế”, “song ngữ” vẫn được ghi vào.

Phải chăng, ngay cả chủ đầu tư lẫn cấp có thẩm quyền ở đây vẫn thích tâm lý “sính ngoại” khi ký phê duyệt, ban hành văn bản để rồi ngay chính con trẻ của mình cũng vô tình bị người lớn cho rơi vào hoàn cảnh tự phong vị trí học tập trong môi trường giáo dục quốc tế, chương trình song ngữ?

Thanh Hóa giải thể 8 trường THPT trước khai giảng

Tác giả: Nhóm PV

Nguồn tin: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP