Giáo dục

Nhiều trẻ em 'muốn ở một mình' hậu Covid-19

Sau khi trở thành “cựu F0”, những thay đổi về tâm lý, nỗi buồn khiến nhiều học sinh ngại tiếp xúc, tách bản thân ra khỏi bạn bè và không muốn tương tác với người khác.

Tuần đầu tiên bạn bè trở lại trường học sau thời gian dài cũng là thời điểm mà Phát Nguyễn (học sinh lớp 12, TP Thủ Đức) nhiễm Covid-19. Phát chán nản khi phải quanh quẩn trong nhà, chịu đựng những triệu chứng của nCoV mang đến như nhức đầu, mệt mỏi, hụt hơi... trong khi bạn bè đang cùng nhau vui vẻ tựu trường.

Sau lần nhiễm bệnh này, sức khỏe của cậu học sinh lớp 12 không còn được như trước, tình trạng thường xuyên nhức đầu, mất ngủ kéo dài khiến một phần kết quả học tập của Phát đi xuống. Không ít lần vì những cơn đau đầu, mệt mỏi hành hạ, Phát phải dừng một vài lớp học thêm.

Ở năm cuối cấp với kỳ thi tốt nghiệp quan trọng phía trước, Phát nhiều lần chia sẻ với bố mẹ em cảm thấy mất đi sự tự tin, sức khỏe kém. Cậu học sinh này nhiều lần mặc cảm vì bạn bè nghĩ chuyện đau đầu là cái cớ rất “hay ho” để đôi lúc được nghỉ học “hợp pháp”.

Chị Ánh Hoa (mẹ của Phát) chia sẻ với Zing: “Sau khi âm tính nó hay than nhức đầu nhưng nhiều lúc tôi nghĩ vì nó học nhiều quá nên vậy. Trong lần họp phụ huynh gần nhất, các thầy cô cũng nhắc nhở ba mẹ phải theo sát để tránh trường hợp sức khỏe không tốt. Tính tình của nó cũng dễ nóng nảy hơn trước”.

Những vấn đề về sức khỏe và tâm lý mà Phát Nguyễn đang gặp phải không là điều hiếm sau khi mắc Covid-19. Song, vì còn ở lứa tuổi học trò, những bất ổn của các em học sinh đôi khi mang đến nhiều tác động hơn so với người lớn.

Tâm trạng lo lắng vì dịch bệnh

Bên cạnh các nhóm chia sẻ đồ ăn, đi chợ hộ... hội phụ huynh lớp học được xem là nhóm hoạt động sôi nổi nhất mùa dịch. Khi nào học sinh đi học, bao giờ trẻ được tiêm vaccine hay con ở nhà học online tâm tính thất thường thì xử lý thế nào... là nhiều vấn đề được các bậc cha mẹ quan tâm.

Học online quá nhiều làm các em học sinh gặp khó khăn khi kết nối với bạn bè. Ảnh: NVCC.

Chị Khánh Châu (36 tuổi, quận Phú Nhuận) là mẹ của hai cô con gái 8 tuổi và 10 tuổi. Thời điểm các trường tiểu học đón học sinh trở lại, hai con của chị Châu rất hào hứng được đi học. Nhưng một tuần sau, các lớp lần lượt có F0. Nhiều F1 khác cũng phải cách ly, hai cô bé lại bắt đầu rơi vào tình trạng bị lo lắng quá mức.

Thời điểm tháng 9/2021, cả nhà chị Châu lần lượt nhiễm Covid-19, đến nay dù đã khỏi hẳn nhưng ít nhiều vợ chồng chị vẫn còn một vài di chứng như chóng mặt, giấc ngủ thiếu điều độ... Hai con của chị cũng bị ảnh hưởng sức khỏe, điều này khiến các bé mang tâm lý sợ tái nhiễm.

“Mới đầu tụi nhỏ đi học cũng hào hứng lắm, xong rồi hai chị em cũng thành F1 cách ly ở nhà thế là bao nhiêu ký ức về lần nhiễm trước ùa về. Con gái nhỏ của tôi bị hen, bé vượt qua mùa dịch với rất nhiều nước mắt vì thường xuyên hụt hơi nên giờ cũng bị ám ảnh”, chị Châu cho hay.

Bà mẹ hai con cũng chia sẻ thêm, vì một số bạn trong lớp từng có người thân qua đời vì Covid-19, lũ trẻ thường chia sẻ câu chuyện này với nhau nên đôi khi tạo tâm lý hoang mang chung.

“Về thấy các mẹ nhắn một loạt trên nhóm chat là biết mấy cô mấy cậu hôm nay đi học ‘nhiều chuyện’ cái gì. Tuổi này cũng còn ngây thơ lắm, tụi nó biết gì, có gì cứ kể hết cho nhau nghe thành ra một đứa sợ là những bạn khác lo theo”, người phụ nữ này nói thêm.

Trong khi đó, ở lứa tuổi lớn hơn như các lớp THCS hay THPT, việc các em mệt mỏi, áp lực về dịch bệnh cũng khiến bố mẹ lo lắng hơn cấp tiểu học.

Gia đình anh Trần Hữu Tài (41 tuổi, quận Bình Thạnh) mắc Covid-19 lần đầu tiên sau khi con anh đi học được hai tuần. Vì cả nhà cùng nhiễm trong đó có bà nội bị tiểu đường khiến con anh Tài bị đè nặng cảm giác lo lắng và tự trách.

Người đàn ông này cùng vợ thường xuyên dành thời gian động viên các con, tránh để chúng mang suy nghĩ “đổ lỗi cho bản thân”. Ông bố hai con chia sẻ lần đầu phải đối mặt với những tâm lý thay đổi đặc biệt của con mình trong thời điểm nhạy cảm thế này.

“Cả nhà phải trấn an tụi nhỏ là mọi người đã sinh hoạt bình thường nên nguồn lây có thể đến từ bất kỳ ai. Nếu gia đình lỡ bị bệnh, nên điều trị vì đều đã tiêm ngừa. Tôi không muốn con mình cứ quanh quẩn những suy nghĩ như vậy rất ảnh hưởng tiêu cực”, anh Tài bộc bạch.

Không muốn tương tác với người khác

Trao đổi với Zing, cô Đỗ Thị Trang, Trưởng phòng Tâm lý học đường, trường Marie Curie (TP. Hà Nội), cho biết ảnh hưởng tâm lý hậu Covid-19 đến lứa tuổi học sinh rất nhiều.

Trong đó, các học sinh biểu hiện tâm trạng lo lắng, sợ hãi vì từng có người thân nhiễm nCoV và qua đời do dịch bệnh. Có không ít trường hợp chia sẻ với các thầy cô phòng Tâm lý học đường rằng các em lo sợ cho sức khỏe của bố mẹ và bản thân khi nhiễm bệnh cũng như các triệu chứng hậu Covid.

Việc không được chơi đùa với bạn bè đồng lứa khiến nhiều học sinh trở nên khép kín. Ảnh: NVCC.

Chưa kể, những học sinh thuộc nhóm “nguy cơ cao” khi có bệnh lý nền hoặc béo phì cũng bày tỏ cảm xúc tiêu cực. Trước đó, đã trường hợp học sinh bị nhiễm bệnh và chuyển nặng kể lại bản thân em bị ám ảnh với phòng cách ly, mùi sát khuẩn của bệnh viện và cả tiếng còi xe cứu thương.

“Có rất nhiều câu hỏi, thắc mắc và hàng loạt điều bối rối mà các em chia sẻ với chúng tôi. Thậm chí, có học sinh sau khi nhiễm Covid-19 rơi vào tình trạng ngại tiếp xúc, tách bản thân ra khỏi bạn bè và không muốn tương tác với người khác”, cô Trang nói.

Theo cô Trang, các học sinh còn có tâm lý tìm kiếm thông tin về Covid-19 trên mạng Internet để tự lý giải cho vấn đề của mình... Điều này tạo nên hội chứng “tự kê đơn thuốc” và khiến các em dễ rơi vào tình trạng suy nghĩ tiêu cực.

Trưởng phòng Tâm lý học đường trường Marie Curie cho biết các vấn đề tâm lý thường rơi vào nhóm học sinh bậc THCS và THPT. Trong thời gian học trực tuyến và dịch bệnh kéo dài, số lượng các em có dấu hiệu trầm cảm hay hội chứng lo âu quá mức tăng gấp 3 lần so với trước đó. Thời điểm học sinh không thể đến trường, kênh tham vấn online vẫn luôn sẵn sàng và hoạt động liên tục

Mặt khác, các em tiểu học không phải là không bị các vấn đề tâm lý. Song, ở lứa tuổi cấp một, các em dễ lấy lại trạng thái cân bằng hơn các anh chị lớp lớn hơn nếu như có vấn đề nảy sinh khi nhiễm nCoV.

“Chúng tôi có rất nhiều kênh để các em học sinh tìm đến chia sẻ và tất nhiên có rất nhiều cách để bảo vệ sự riêng tư cá nhân của các em trong vấn đề này. Bên cạnh chờ đợi học sinh tìm đến, thì các thầy cô của phòng Tâm lý học đường cũng sẽ chủ động quan sát và để ý tình trạng của các em để nhận biết đâu là người cần giúp đỡ”, cô Trang thông tin thêm.

Tác giả: Hoàng Quỳnh

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP