Trong nước

Nhiều quan chức rất giàu, nhưng thông tin 'phản ánh' không ít

Ngày 20/12, Thanh tra Chính phủ phối hợp tổ chức Toạ đàm về công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Kim, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ).

Phát biểu tại buổi toạ đàm, ông Nguyễn Văn Kim – Vụ trưởng Vụ pháp chế (Thanh tra Chính phủ) nhấn mạnh đến quyết tâm đẩy mạnh, đấu tranh PCTN vừa qua của Đảng và Nhà nước ta. Minh chứng cho việc đó là chúng ta đã phát hiện, xử lý nhiều vụ tham nhũng lớn, trong đó xử lý cả những đối tượng trước đây được coi là “vùng cấm” - không thể xử lý được.

“Việc này đã mang lại niềm tin cho nhân dân trong nước và được dư luận quốc tế đánh giá cao”, ông Kim nhận định.

Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu của công cuộc đấu tranh PCTN, ông Kim cho rằng chúng ta cần hoạt động hiệu quả, thiết thực hơn. Ngoài việc phát hiện, xử lý thì việc quan trọng hơn cả là tìm ra nguyên nhân, gốc rễ để dẫn đến tình trạng tham nhũng, thay vì xử lý từng cá nhân và đối tượng liên quan, ta cần tìm lỗ hổng về cơ chế chính sách, để có điều chỉnh vĩ mô, chứ theo đuổi từng vụ việc một thì chỉ đáp ứng yêu cầu trước mắt, vì vi phạm có ở mọi nơi.

Đề cập Luật PCTN sửa đổi vừa được thông qua, Vụ trưởng Nguyễn Văn Kim chia sẻ tiếc nuối khi vào phút chót, quy định về xử lý tài sản không giải trình rõ nguồn gốc lại “chưa được như mong muốn”.

Theo ông, trong vấn đề này, dù mong muốn nhưng ta rất khó khăn trong xử lý, nguyên nhân gồm cả khách quan và chủ quan.

Nhưng yếu tố khách quan quan trọng là thực tế hiện nay, việc quản lý những tài sản lớn trong xã hội chưa thật chặt chẽ. Tài sản của công dân cũng chưa được quản lý hiệu quả nên những giao dịch, dịch chuyển liên quan tài sản, những bất minh trong hoạt động kinh tế, dân sự đều chưa xử lý được.

Bên cạnh đó, do nền kinh tế sử dụng tiền mặt vẫn đang chiếm tỷ lệ rất lớn. Dòng tiền giao dịch trong xã hội chủ yếu là tiền mặt nên khó kiểm soát.

Ông Kim cho hay, dù có Luật phòng chống rửa tiền nhưng để khẳng định đâu là tiền sạch, đâu là tiền có vấn đề rất khó. Ví dụ, giờ cứ tiền chuyển về từ nước ngoài là hoan nghênh và coi là tiền sạch, kể cả tiền không rõ nguồn gốc. Vì thế, việc quản lý vấn đề này đang đối mặt với nhiều khó khăn..

Liên quan đến xử lý tài sản của cán bộ trong trường hợp không giải trình rõ nguồn gốc, ông Kim cảnh báo nếu làm tốt thì sẽ hữu hiệu, nhưng ngược lại, mặt trái của nó sẽ tạo ra những hệ luỵ rất đáng tiếc, bởi nó liên quan đến quyền tài sản của công dân. “Công chức cũng là công dân, cũng có nghĩa vụ kê khai và giải trình, nhưng ở mặt nào đó họ vẫn có quyền về tài sản cá nhân” – ông Kim nói.

Vụ trưởng Vụ pháp chế - Thanh tra Chính phủ cho hay, hiện nay, số người giàu trong xã hội được chia làm nhiều đối tượng. Một là doanh nghiệp, những người làm ăn. Hai là người dân nỗ lực phấn đấu. Đặc biệt, số còn lại là quan chức. Số quan chức giàu rất nhiều và nguồn gốc giàu cũng xuất phát từ nhiều hoạt động khác nhau, có hoạt động minh bạch, nhưng cũng có nhiều quan chức “giàu nhanh không rõ lý do”, trong khi những thông tin phản ánh về khối tài sản của các quan chức này không ít nhưng để chứng minh được khối tài sản này của họ lại không dễ.

Đặc biệt, ông nhắc đến tình trạng quan chức giàu “bất minh” từ việc vi phạm, lợi dụng cơ hội từ vị trí công tác của họ đem lại. Bởi vậy, ông Kim cho rằng, đấu tranh chống tham nhũng là đấu tranh với chính tật xấu của những người cầm cân nảy mực, họ cũng phải tự thay đổi mình.

Qua việc Quốc hội thông qua nhiều quy định mới trong Luật PCTN sửa đổi, ông Kim kỳ vọng dưới sự lãnh đạo của “người đốt lò vĩ đại” sẽ đốt được nhiều củi tươi, củi khô để làm cho xã hội của chúng ta tốt hơn.

Phó viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược (Thanh tra Chính phủ) Cung Phi Hùng thì nêu quan điểm cần thắng thắn nhìn vào giải pháp PCTN của Việt Nam hiện nay.

Ông nói tham nhũng không thuyên giảm mà có phần gia tăng, minh chứng là thời gian qua rất nhiều vụ án lớn xảy ra.

Ông cũng đặt ra nhiều câu hỏi dành cho Cố vấn khu vực Đông Nam Á – Thái Bình Dương về việc kê khai tài sản. Theo ông Hùng, chúng ta quy định cán bộ hàng năm vẫn kê khai nhưng kê khai xong lại gửi Vụ tổ chức cán bộ ở cơ quan đó rồi “cất đi”, có chăng cũng chỉ công khai ở cơ quan đơn vị và hầu như không ai đọc.

“Thực trạng có kê khai nhưng hình thức khiến kiểm soát kê khai thực sự khó khăn. Việc kê khai và không kiểm soát được thì PCTN đã thất bại” – ông Hùng nói và bày tỏ sự quan tâm về việc áp dụng CNTT trong kê khai và kiểm soát tài sản.

Ông cũng lưu ý cần có chế tài bảo vệ người tố cáo tham nhũng, vì có như vậy công tác PCTN mới có hiệu quả. Thực tế lâu nay ở Việt Nam, người tố cáo tham nhũng rất hay bị trù dập, trả thù.

Không đồng tình với quan điểm cho rằng tham nhũng không thuyên giảm mà còn gia tăng, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Cục trưởng Cục PCTN (Thanh tra Chính phủ) cho rằng theo đánh giá chính thức của Ban chỉ đạo T.Ư về PCTN thì tình hình tham nhũng đã thuyên giảm. Căn cứ thực tế cũng cho thấy kết quả phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng những năm gần đây có rất nhiều vụ án lớn và cán bộ cấp cao đã bị xử lý. Bên cạnh đó, quốc tế cũng đánh giá cao kết quả này chứ không phải “ta tự khen ta làm hay”.

Ông Nguyễn Tuấn Anh – Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế TTCP (Thanh tra Chính phủ) thông tin thêm, hiện nay Chính phủ đang xây dựng văn bản chỉ thị tăng cường giải pháp chống tham nhũng vặt, trong đó nhấn mạnh tăng cường tiếp nhận, giải quyết tin báo qua đường dây nóng, làm sao tiếp nhận kịp thời tin báo của người dân, DN về sự nhũng nhiễu của người có chức vụ quyền hạn. “Năm 2019 Chính phủ sẽ đẩy mạnh công tác này, nó rất quan trọng trong giải quyết tham nhũng vặt” – ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Tác giả: Phương Thảo

Nguồn tin: vietnamfinance.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP