Giáo dục

Nhiều học sinh giỏi chọn học nghề

Nhiều học sinh rất giỏi nhưng không chọn con đường học THPT rồi vào đại học. Các em chọn đi học nghề để được làm việc sớm, ra trường kiếm tiền ngay; hoặc muốn tiếp cận nghề mình yêu thích từ sớm.

Không phải học dở mới vào cao đẳng

Tại chương trình định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT tỉnh Ninh Thuận do đơn vị Kết nối giáo dục Miền Nam tổ chức, nhiều em học sinh bày tỏ băn khoăn không dám chọn học bậc cao đẳng vì sợ ra trường khó tìm việc làm hơn bậc đại học.

Trả lời các em, bà Đào Thị Như Mai (Cao đẳng Nova) cho rằng, cao đẳng thấp hơn đại học một bậc, nhưng vì vậy mà thời gian học của bậc cao đẳng cũng ngắn hơn.

"Học cao đẳng các em sẽ mất 2-3 năm, còn học đại học sẽ mất 4-5 năm, thậm chí hơn nếu các em học ngành y", bà Như Mai cho biết.

Theo bà Như Mai, hiện bậc đào tạo cao đẳng do bộ Lao động - Thương binh & Xã hội quản lý, quy định chương trình đào tạo hướng nhiều vào thực hành nghề nghiệp, thời gian thực hành chiếm khoảng 70% thời lượng đào tạo, học đến đâu, thực hành đến đó; còn học đại học thì thiên về lý thuyết hàn lâm nhiều hơn.

Bà Như Mai cho biết: "Sinh viên tốt nghiệp cao đẳng vẫn được cấp bằng cử nhân, kỹ sư. Gọi là cử nhân thực hành nếu học các ngành khối ngành kinh tế, kỹ sư thực hành nếu học các ngành khối ngành kỹ thuật".

Ông Trần Anh Tuấn - Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM - cho rằng, chính vì chương trình đào tạo hướng vào thực hành nên sinh viên cao đẳng giỏi tay nghề, am hiểu ứng dụng, ra trường làm được việc ngay. Nhờ đó, tỷ lệ sinh viên cao đẳng mới ra trường kiếm được việc làm cao hơn hẳn sinh viên tốt nghiệp đại học.

Theo bà Như Mai, không phải học sinh giỏi vào đại học, học dở mới vào cao đẳng. Tại trường Cao đẳng Nova có rất nhiều bạn học giỏi, đủ điều kiện thi đại học nhưng vẫn chọn học cao đẳng để học nhanh và ra trường dễ kiếm việc làm.

Thạc sĩ Võ Công Trí, giám đốc Tuyển sinh - Truyền thông Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn (BKC), cũng cho biết có rất nhiều học sinh giỏi ở bậc THCS đăng ký vào BKC để học chương trình 9+ (học 4 năm có bằng THPT và Cao đẳng).

Ông dẫn chứng trường hợp em Võ Phúc Khang là tân sinh viên năm học 2021-2022. Khang là học sinh giỏi 4 năm liền ở cấp THCS, đạt giải 3 kỳ thi học sinh giỏi môn Công nghệ cấp thành phố.

4 năm liền là học sinh giỏi ở bậc THCS, Võ Phúc Khang vẫn chọn học nghề tại Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn (Ảnh: BKC).

Các em chọn học nghề là đã tìm ra hướng đi từ sớm

Theo thạc sĩ Võ Công Trí, em Võ Phúc Khang chọn vào cao đẳng dù lực học rất tốt vì em yêu thích công nghệ từ nhỏ và muốn tiếp cận thực hành công nghệ ngay chứ không chờ học 3 năm THPT xong rồi vào đại học. Do đó, Khang đã chọn học chương trình 9+ ngành Công nghệ kỹ thuật Điện - Điện tử sau khi tốt nghiệp THCS.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Lành, Hiệu trưởng trường Cao đẳng cộng đồng Đắk Nông đánh giá rất cao những học sinh giỏi chọn trường nghề ngay từ đầu. Theo ông, đó là những em học sinh đã tìm ra hướng đi nghề nghiệp của mình từ rất sớm và muốn khẳng định mình. Với những em như vậy, các em sẽ học vì đam mê, vì sở thích nên sẽ rất hiệu quả.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Lành khẳng định những em biết tự xây dựng, thiết kế các mốc thời gian cho cuộc đời mình như thế là những em sẽ thành công và hạnh phúc trong tương lai.

Theo Hiệu trưởng trường Cao đẳng cộng đồng Đắk Nông, xu hướng học sinh giỏi không chọn con đường học tiếp THPT rồi vào đại học mà chọn học nghề ngày càng nhiều là nhờ thực hiện đề án "Tư vấn hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh".

Ông cho rằng, nhờ mở rộng tư vấn và truyền thông tích cực mà nhiều học sinh nhận ra lợi ích của việc chọn đúng trường, học đúng nghề để phát huy năng khiếu và làm đúng công việc mình yêu thích.

Còn phụ huynh thì thấu hiểu được, muốn con em mình có sự thành công gắn với hạnh phúc thì phải để các em học đúng ngành nghề mình yêu thích. Từ đó, phụ huynh đã ủng hộ sự lựa chọn của các em.

Ngoài ra, với những em có hoàn cảnh khó khăn, lựa chọn học nghề là để ra trường làm việc sớm, kiếm tiền ngay nhằm phụ giúp gia đình và tự thân lập nghiệp. Đây là con đường đúng đắn dành cho các em vì nếu cố đeo bám học đại học trong khi điều kiện kinh tế gia đình không cho phép sẽ rất gian nan.

Con đường học nghề phù hợp với những gia đình kinh tế khó khăn (Ảnh: Cao đẳng Viễn Đông).

Bà Nguyễn Thị Như Mai cho rằng, với những em tài chính không nhiều, chọn bậc học thời gian đào tạo ngắn để đi làm sớm, tích lũy tài chính rồi học liên thông lên bậc học cao hơn là rất phù hợp.

Bà đánh giá: "Đây chỉ là khởi điểm, các em muốn thành công dân toàn cầu thì phải học tập suốt đời. Khởi điểm không quan trọng, xác định đúng mục tiêu mới quan trọng!".

Theo thạc sĩ Võ Công Trí, những em học sinh giỏi theo học trường nghề (trung cấp, cao đẳng) sẽ có rất nhiều điểm lợi nhờ chương trình khuyến khích, định hướng phân luồng học sinh học nghề của Chính phủ.

Các em sẽ được nhà nước cấp bù học phí học nghề (với học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề) và các trường đều có học bổng cho học sinh giỏi. Như trường hợp của em Võ Phúc Khang, BKC tặng học bổng trị giá 60% học phí dành cho học sinh tài năng.

Tác giả: Tùng Nguyên

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP