Giáo dục

Nhiều đại học nghi ngờ tính chính xác của bảng xếp hạng

Đánh giá cao ý tưởng của nhóm nghiên cứu khi công bố bảng xếp hạng đại học, nhưng lãnh đạo các trường cũng chỉ ra nhiều điểm bất hợp lý.

Tại buổi tọa đàm “Một cách xếp hạng các cơ sở giáo dục Việt Nam” chiều 7/9 ở Hà Nội, nhóm chuyên gia nghiên cứu độc lập nhận được nhiều thắc mắc sau khi công bố bảng xếp hạng đại học đầu tiên tại Việt Nam.

Tiêu chí và số liệu đánh giá "thiếu hợp lý"

Đánh giá cao ý tưởng của nhóm nghiên cứu, lãnh đạo một trường đại học luôn lấy điểm chuẩn đầu vào cao bậc nhất Việt Nam cho biết nhóm nghiên cứu đã thu thập thông tin độc lập, không liên hệ với trường đề nghị cung cấp số liệu. Vì vậy, bảng xếp hạng chưa phản ánh chính xác năng lực và hoạt động của trường.

"Tuy nhiên, kết quả này có giá trị giúp các trường nhìn nhận lại mình, trước hết là việc cập nhật số liệu thống kê mới nhất lên website của trường", ông nói.

PGS Lê Thị Thu Thủy, Hiệu phó Đại học Ngoại thương - trường xếp thứ 23 trong bảng xếp hạng - cho rằng kết quả muốn thuyết phục thì dữ liệu phải chuẩn, tiêu chí đánh giá phù hợp, mẫu nghiên cứu đủ lớn và cần có sự tham gia của trường đó. Nhóm nghiên cứu dựa trên báo cáo ba công khai của các trường, nhưng chưa biết số liệu đó đã được cập nhật đầy đủ hay chưa.

Về tiêu chí đánh giá, theo bà Thủy, thế giới có xếp hạng chung, xếp theo nhóm trường do mỗi nhóm có đặc thù riêng, ví dụ Ngoại thương và Y khoa khác hẳn nhau về quy mô giảng dạy, hoạt động đào tạo, nghiên cứu... Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu đã gộp chung các trường với nhau.

Tham dự tọa đàm, PGS.TS Tạ Hải Tùng, Giám đốc Trung tâm Navis, Đại học Bách khoa Hà Nội, bày tỏ lo ngại về chất lượng dữ liệu nhà nghiên cứu sử dụng. Bách khoa có khoảng 2.300 cán bộ, bao gồm 700 người phục vụ thí nghiệm, trong khi tiêu chí năng suất nghiên cứu (chiếm 10% đánh giá xếp hạng) được tính theo số bài báo ISI trên mỗi giảng viên. Điều này dẫn đến kết quả thiếu hợp lý.

PGS.TS Tạ Hải Tùng (Đại học Bách khoa) cho rằng cần công bố dữ liệu công khai. Ảnh: Thùy Linh


“Việc tổng hợp bài báo ISI cũng cần xem xét kỹ. Ở Việt Nam, một trường đôi khi có nhiều tên quốc tế, hơn nữa tên các trường lại chưa được hệ thống hóa. Đại học Bách khoa là Hanoi University of Science and Technology, nhưng có một trường nữa là University of Science and Technology of Hanoi - Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (Đại học Việt - Pháp). Tôi nghĩcần công bố dữ liệu công khai để các trường kiểm tra, tránh nhầm lẫn”, anh nói.

Điểm thứ hai, TS Tùng không đồng ý với kết quả đánh giá theo thước đo cơ sở vật chất và quản trị. Trong bảng xếp hạng theo tiêu chí này, Bách khoa Hà Nội thậm chí không nằm trong top 20, trong khi khuôn viên và thư viện của trường "chắc chắn thuộc top đầu miền Bắc".

Nhiều nhà quản lý giáo dục cũng cho rằng việc nhóm nghiên cứu chỉ xếp hạng 49 trong tổng số hơn 300 trường đại học ở Việt Nam cho thấy mức độ tin cậy không cao, không thể xem là "đem lại tiếng nói độc lập, trung thực về bức tranh tổng thể của đại học Việt Nam hiện nay" như nhóm tuyên bố.

Bảng xếp hạng chỉ mang tính tham khảo

Xếp thứ 14 trong bảng xếp hạng, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm kỹ thuật TP HCM, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, cho rằng kết quả chỉ mang tính tham khảo, mức độ chính xác tương đối bởi chỉ do một nhóm thực hiện, dựa trên một số tiêu chí.

Theo ông Dũng, việc so sánh giữa một trường đại học với các đại học quốc gia, đại học vùng trong bảng xếp hạng là không công bằng vì sẽ có chênh lệch về số lượng báo cáo quốc tế. "Không thể so sánh một trường đại học riêng lẻ có 800 cán bộ, giảng viên với một đại học quốc gia 5.000 giảng viên được", ông nói.

Ngoài ra, việc so sánh giữa các trường đại học phải theo phân tầng là nghiên cứu hay công nghệ để tránh khập khiễng. Ví dụ, Đại học Sư phạm kỹ thuật định hướng công nghệ, tập trung đào tạo kỹ sư đáp ứng nhu cầu xã hội, nên việc nghiên cứu khoa học chỉ ở mức độ vừa phải.

Hiệu trưởng này đề xuất nhóm nghiên cứu đưa thêm tiêu chí đổi mới sáng tạo, mô hình quản lý vào bởi sức ỳ của các đại học hiện nay rất lớn, bộ máy nhiều trường còn cồng kềnh. Việc đánh giá xếp hạng đại học cũng cần xem xét những tiêu chí thực tế, thiết thực như tỷ lệ việc làm của sinh viên sau khi ra trường, đánh giá của doanh nghiệp và xã hội với chất lượng đại học đó.

PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa (Phó giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM, Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia TP HCM) khẳng định xếp hạng chủ yếu căn cứ vào hệ thống chỉ số, không phản ánh hết chất lượng toàn diện của một đại học. Bảng xếp hạng vừa qua là kênh tham khảo, bên cạnh nhiều thông tin khác.

"Tôi hy vọng sẽ có các đợt đánh giá kỹ lưỡng hơn, sâu sắc hơn, thực chất hơn về các khía cạnh khác nhau của trường đại học", ông Nghĩa chia sẻ.

Nhóm nghiên cứu gặp khó khi thu thập số liệu

Nhóm nghiên cứu bao gồm sáu chuyên gia Việt Nam đến từ các tổ chức trong và ngoài nước xác định ba thước đo xếp hạng bao gồm nghiên cứu khoa học (40%), giáo dục và đào tạo (40%), cơ sở vật chất và quản trị (20%). Trong đó, mỗi thước đo được chia nhỏ thành nhiều tiêu chí cụ thể.

Về số liệu, nhóm nghiên cứu khẳng định lấy từ website của mỗi trường, theo báo cáo ba công khai, đồng thời sử dụng phương pháp của Ngân hàng Thế giới, mỗi lần lấy số liệu thì chụp ảnh màn hình để đánh dấu thời điểm thu thập. Nếu số liệu đó không được cập nhật thì "đó là lỗi của trường". Mặt khác, nhóm đã gửi công văn cho các trường nhằm đề nghị xác minh số liệu, nhưng chỉ một số ít phản hồi.

Trước câu hỏi tại sao không lấy tiêu chí số sinh viên ra trường có việc làm, nhóm nghiên cứu cho hay chỉ 15 trên 100 trường cung cấp thông tin này, do đó việc đo lường tổng thể là bất khả thi. “Việc kiểm chứng số liệu rất khó. Hơn nữa, sinh viên ra trường làm gì mới quan trọng, nếu chạy xe ôm cũng là có việc thì rất khó để đánh giá”, TS Giáp Văn Dương, thành viên nhóm nghiên cứu nói.

Theo TS Dương, khi thực hiện, nhóm nghiên cứu từng “giật mình” với kết quả thấp của Bách khoa, Ngoại thương, Y Hà Nội… nhưng số liệu đã nói lên tất cả. Đại học Tôn Đức Thắng thể hiện rất tốt về tiêu chí công bố khoa học (chiếm 40% đánh giá xếp hạng) nên xếp vị trí thứ hai là điều "không thể chối cãi".

TS Giáp Văn Dương, TS Lưu Quang Hưng và TS Nguyễn Ngọc Anh trả lời thắc mắc tại buổi tọa đàm. Ảnh: Thùy Linh


Trả lời việc Đại học Ngoại thương có chất lượng đầu ra tốt bậc nhất nhưng chỉ xếp thứ 23, TS Nguyễn Ngọc Anh cho rằng việc sinh viên ra trường có việc làm, lương cao chỉ đánh giá được một phần chất lượng. “Nhiệm vụ của đại học là tạo ra con người và tri thức. Ngoại thương tạo ra con người rất tốt nhưng nhiệm vụ tạo ra kiến thức mới cho xã hội thì chưa được tốt lắm. Hiện trường có thêm động lực để làm việc đó thông qua bảng xếp hạng này”, ông nói.

Nhóm thừa nhận điểm bất hợp lý trong đánh giá cơ sở vật chất của Đại học Bách khoa và sẽ xem xét lại. Xét tiêu chí này, nhiều trường khai báo hàng trăm hecta diện tích theo quy hoạch, dù cơ sở chưa hoàn thiện.

Chủ biên báo cáo xếp hạng, TS Lưu Quang Hưng (Melbourne, Australia) cho rằng mỗi bảng xếp hạng xây dựng bộ tiêu chí riêng nên tạo ra kết quả không giống nhau. Đó cũng là lý do không nên nhìn vào chỉ một bảng xếp hạng để đánh giá các trường đại học. Nhóm hy vọng thời gian tới, Việt Nam sẽ có nhiều bảng xếp hạng hơn nữa để cung cấp góc nhìn đa chiều hơn.

Tác giả: Nhóm phóng viên

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP