Giáo dục

Nhiều cử nhân, thạc sĩ cất bằng đi học nghề

Nhiều thạc sĩ, cử nhân các ngành danh giá thấy công việc chuyên môn không phù hợp. Họ cất bằng, đi học những nghề mà nhiều người cho là đơn giản, tay chân để được làm công việc yêu thích.

Cuối tuần qua, mạng xã hội xôn xao trước thông tin một nghệ sĩ nhận xét người làm thợ, như thợ làm móng, hay bán hàng online có học thức không cao. Nhận xét này không những bị cộng đồng mạng phản ứng gay gắt mà nhiều chuyên gia giáo dục nghề nghiệp cũng không đồng tình.

Không thể đánh giá học thức, phẩm cách của một con người qua bằng cấp mà họ có, nghề nghiệp mà họ đang làm (Ảnh minh họa: Nguyễn Quang).

Thạc sĩ Võ Thị Hoàng Ánh, Phó hiệu trưởng phụ trách trường Trung cấp Lê Thị Riêng cho rằng, ý kiến những người làm thợ có học thức không cao là không đúng.

Theo bà Ánh, người có bằng cấp cao không có nghĩa là học vấn cao, trình độ của mỗi người thể hiện tổng hợp ở kỹ năng nghề nghiệp, khả năng làm việc, vốn sống, cách giao tiếp, ứng xử với các mối quan hệ xã hội…

Cô Ánh cho rằng lao động chân chính thì nghề nào cũng cao quý. Không phải người có bằng cấp cao thì học thức cao, phẩm chất hơn người làm thợ có bằng sơ cấp, trung cấp hay lao động tay chân.

Ở trình độ trung cấp, trường nghề không chỉ đào tạo kỹ năng làm móng, bán hàng online - đó chỉ là một kỹ năng nằm trong chương trình đào tạo hoàn thiện, có nhiều kỹ năng và các kiến thức nền tảng như quản trị kinh doanh, đạo đức nghề nghiệp…

"Người học nghề được đào tạo bài bản cả kiến thức nền tảng, kỹ năng nghề để phục vụ công việc nên không thể nói người học những nghề này là học thức không cao" - thạc sĩ Hoàng Ánh nêu quan điểm.

Theo Phó hiệu trưởng Trung cấp Lê Thị Riêng, khi chọn nghề nghiệp, quan trọng chọn làm nghề gì phù hợp với mình, có được thu nhập tốt để chăm lo cho bản thân, gia đình và đóng góp cho xã hội; còn bằng cấp chỉ là chứng nhận để đạt được những điều kiện mà đơn vị tuyển dụng yêu cầu, không thể hiện được hết năng lực hay học vấn.

Ngoài ra, vẫn có những thợ làm móng, người bán hàng online có bằng cử nhân, thạc sĩ qua quá trình phấn đấu, học tập không ngừng. Cũng có những cử nhân, thạc sĩ lại chuyển sang học nghề, đi bán hàng online, đi làm móng…

Nhiều cử nhân, thạc sĩ lại chuyển sang học nghề, đi bán hàng online, đi làm móng… (Ảnh minh họa: Nguyễn Quang).

Tại trường Trung cấp Lê Thị Riêng, năm nào cũng có thạc sĩ, cử nhân các ngành mà mọi người đánh giá là danh giá, "hot" đăng ký học các lớp dạy nghề sơ cấp, trung cấp.

Trong đó, nghề làm móng và bán hàng online trình độ sơ cấp được rất nhiều người có bằng cấp cao theo học. Nhiều người chọn học trình độ trung cấp (trung cấp Chăm sóc sắc đẹp và trung cấp Dịch vụ - Tài chính) để có nền tảng tốt hơn khi khởi sự kinh doanh trong các ngành này.

Năm nay, trường Lê Thị Riêng có 3 học viên như vậy, một người đăng ký học trung cấp Chăm sóc sắc đẹp và hai người học trung cấp Kỹ thuật chế biến món ăn.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, sự thành công trong nghề nghiệp là cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc khi làm nghề đó, có thể làm nghề suốt đời, có kinh tế để nuôi sống bản thân…

Việc lựa chọn nghề nghiệp phải phù hợp với sở thích, năng lực của bản thân và điều kiện kinh tế gia đình; còn trình độ nghề (trung cấp, cao đẳng, đại học hay sau đại học) chỉ là thứ yếu.

Các chuyên gia cho rằng, nhiều người có bằng cấp cao lại cất đi học nghề, bởi họ cảm thấy công việc tư duy không phù hợp. Họ muốn làm những công việc vận động, thoải mái, phù hợp với sở thích của bản thân.

Do đó, không thể đánh giá học thức, phẩm cách của một con người qua bằng cấp mà họ có, nghề nghiệp mà họ đang làm.

Tác giả: Tùng Nguyên

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP