Trong nước

Nhiều cán bộ ở Hà Tĩnh bị khiển trách sau vụ mất mùa diện rộng

Một số cán bộ thuộc Sở Nông nghiệp Hà Tĩnh đã chủ quan trong chỉ đạo sản xuất khiến 20.000 ha lúa nhiễm bệnh đạo ôn.

Ngày 17/7, tại kỳ họp HĐND tỉnh Hà Tĩnh, ông Đặng Ngọc Sơn, Phó chủ tịch tỉnh cho biết cơ quan chức năng vừa kỷ luật nhiều cán bộ do thiếu sót liên quan đến việc mất mùa vụ xuân năm 2017 do bệnh đạo ôn gây hại trên giống thiên ưu 8.

Theo ông Sơn, bệnh đạo ôn phát triển đúng vào thời điểm lúa trổ bông trong khi giống lúa thiên ưu 8 mẫn cảm với bệnh này. Tuy nhiên, cơ quan quản lý đã chủ quan trong chỉ đạo sản xuất, phòng trừ dịch bệnh và quản lý giống...

"Trên bao bì thóc giống ghi thông tin, thiên ưu 8 đặc biệt kháng đạo ôn, nhưng trong hồ sơ gốc khi các cơ quan chức năng kiểm tra thì kháng đạo ôn ở mức trung bình. Việc ghi sai thông tin dẫn tới tâm lý chủ quan của người dân và chính quyền", Phó chủ tịch Hà Tĩnh nói.

Người dân Hà Tĩnh buồn rầu vì lúa trổ bông lép hạt thời điểm tháng 5/2017. Ảnh: Đức Hùng

Sau khi làm rõ sự việc, Hà Tĩnh đã kiểm điểm trách nhiệm của Giám đốc và Phó giám đốc Sở Nông nghiệp; khiển trách bốn cán bộ gồm Chi cục trưởng Trồng trọt bảo vệ thực vật, Chi cục trưởng quản lý Nông Lâm Thủy sản, Chi cục phó Bảo vệ thực vật và Trưởng phòng Quản lý bảo vệ thực vật.

Theo thống kê, trong sản xuất vụ xuân 2017, có hơn 20.000 ha trồng giống lúa thiên ưu 8 bị nhiễm bệnh đạo ôn khiến sản lượng lúa giảm 100.000 tấn. Tỉnh đã phân bổ 900 tấn giống, chi 33 tỷ đồng hỗ trợ nông dân.

Liên quan việc này, Công ty cổ phần giống cây trồng Trung ương bị Bộ Nông nghiệp xử phạt 25 triệu đồng.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn, việc xử phạt trên có thể làm nhiều người không hài lòng. "100.000 tấn lúa với 25 triệu đồng xử phạt thì như thế nào. Vấn đề này đề nghị UBND tỉnh tiếp tục làm rõ, có thể vướng về hành lang pháp lý nhưng chúng ta phải làm đến cùng", ông Sơn nói.

Trung tuần tháng 5/2017, toàn tỉnh Hà Tĩnh có khoảng 20.000 ha gieo trồng giống lúa thiên ưu 8 bị nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông, trong đó nặng nhất là huyện Đức Thọ, Cẩm Xuyên, Can Lộc và Thạch Hà. Lúa bị bệnh này sẽ khô từ phần trổ bông trở lên khiến hạt bị lép hoặc vỡ nát. Nhiều người dân chia sẻ vụ này lỗ vốn trầm trọng, nhiều hộ đành gặt sớm lấy rơm về cho bò ăn.

Tác giả: Đức Hùng

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP