Trong nước

‘Nhiệm vụ đã rõ thì không nên chờ Thủ tướng phân công’

Ý kiến từ Bộ Tư pháp cho rằng các Bộ cần chủ động hơn nữa trong việc xây dựng các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, “nếu nhiệm vụ đã rõ thì không nên chờ Thủ tướng phân công”, đồng thời kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng những khó khăn, vướng mắc…

Bộ Tư pháp được đánh giá là nhạc trưởng, là cơ quan gác cửa trong việc bảo đảm tính thống nhất, tính hợp pháp, tính hợp lý và khả thi của hệ thống pháp luật.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Tổ công tác của Thủ tướng vừa tổ chức nhiều cuộc họp với các Bộ, cơ quan về tình hình xây dựng văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật, pháp lệnh.

Những năm qua, tình hình nợ đọng văn bản đã giảm mạnh, nhưng vẫn chưa được xử lý triệt để. Theo Văn phòng Chính phủ, tính tới ngày 23/3, các Bộ, cơ quan còn nợ đọng 16 văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật, pháp lệnh có hiệu lực từ 1/1/2019, gồm 14 nghị định, 1 quyết định và 1 thông tư. Ngoài ra, từ 1/7/2019, có thêm 16 luật, pháp lệnh sẽ có hiệu lực, nếu không đẩy nhanh tiến độ xây dựng thì sẽ tiếp tục có thêm các văn bản hướng dẫn bị nợ đọng.

Trả lời phỏng vấn Báo điện tử Chính phủ, ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết: Qua công tác theo dõi, đôn đốc của Bộ Tư pháp về tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh, có thể nhận thấy trong giai đoạn trước (2013-2016), tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh diễn ra thường xuyên, với số lượng văn bản nợ là tương đối lớn, chẳng hạn, cuối năm 2013 là 76 văn bản, cuối năm 2014 là 18 văn bản và cuối năm 2015 là 30 văn bản.

Tuy nhiên, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, cùng với các giải pháp quyết liệt, công tác xây dựng và ban hành văn bản quy định chi tiết đã có nhiều chuyển biến tích cực rõ nét. Văn bản quy định chi tiết được ban hành đầy đủ và kịp thời hơn, số lượng văn bản nợ ban hành giảm dần và rõ rệt qua các năm, từ 14 văn bản (năm 2016) còn 09 văn bản (2017) và đến cuối năm 2018 chỉ còn 04 văn bản.

Đạt được kết quả này là nhờ sự nỗ lực rất lớn trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự quan tâm, đầu tư nguồn lực của các bộ, cơ quan ngang bộ và vai trò theo dõi, đôn đốc thường xuyên của Bộ Tư pháp cũng như Văn phòng Chính phủ.

Thế nhưng, dù việc ban hành văn bản quy định chi tiết đã có chuyển biến tích cực qua các năm, tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết vẫn chưa được khắc phục triệt để.

Tình trạng nợ ban hành văn bản có ảnh hưởng như thế nào đến việc đưa pháp luật vào cuộc sống? Ông có đề xuất gì về giải pháp khắc phục?

Thực tế cho thấy, tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh vẫn còn diễn ra, chưa bảo đảm có hiệu lực cùng thời điểm của Luật, pháp lệnh. Vấn đề này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó có một nguyên nhân quan trọng là khi làm chính sách, cơ quan đề xuất chính sách chưa dự liệu được hết những vấn đề phát sinh, nhất là những vấn đề mới, khó, phức tạp, nội dung chính sách chưa rõ hoặc thiếu định hướng cụ thể về chính sách hoặc phải chờ kết quả thực hiện thí điểm chính sách, dẫn đến kéo dài thời gian soạn thảo, ban hành văn bản quy định chi tiết.

Việc nợ hoặc chậm ban hành văn bản quy định chi tiết sẽ dẫn tới việc triển khai luật, pháp lệnh gặp khó khăn nhất định, đặc biệt là đối với các chính sách, nội dung được giao quy định chi tiết sẽ khó được triển khai, chưa có nội dung cụ thể để điều chỉnh, thực hiện. Do đó, làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và chất lượng, hiệu quả của luật, pháp lệnh, cũng như gây khó khăn trong việc đưa pháp luật vào cuộc sống.

Để khắc phục vấn đề này, trong thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ cần thực hiện đồng bộ một số các giải pháp. Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng, ban hành văn bản; đề cao vai trò, trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác xây dựng, ban hành văn bản, lấy kết quả thực hiện công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết là một trong những căn cứ để kiểm điểm tại các phiên họp của Chính phủ…

Bộ Tư pháp tiếp tục phối hợp với Văn phòng Chính phủ thực hiện việc theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết của các bộ, cơ quan ngang bộ; hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng.

Các bộ, cơ quan ngang bộ tăng cường đầu tư nguồn lực cho công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết. Kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những khó khăn, vướng mắc trong việc xây dựng văn bản quy định chi tiết, kịp thời xin ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.

Trong thời gian nợ ban hành văn bản quy định chi tiết để không tạo ra các khoảng trống pháp lý, các bộ chủ quản cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ để xây dựng phương án khắc phục theo quy định của pháp luật để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo.

Vẫn còn một số văn bản quy phạm chưa nhất quán, phù hợp với thực tiễn gây nên những phản ứng, bức xúc trong dư luận. Giải pháp để hạn chế vấn đề này ra sao, thưa ông?

Qua công tác thẩm định và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp cho thấy, trong thời gian qua, chất lượng văn bản ban hành nhìn chung đã được nâng cao, phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, đảm bảo tính hợp hiến. Mặc dù vậy vẫn còn tình trạng một số văn bản quy phạm chưa nhất quán, phù hợp với thực tiễn.

Về vấn đề này, với vai trò là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về xây dựng và thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp sẽ thực hiện hoặc tham mưu để Chính phủ chỉ đạo thực hiện các giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế đã nêu trên, trong đó tập trung ưu tiên một số giải pháp lớn.

Cụ thể, thực hiện nghiêm quy định của Luật năm 2015, nhất là các quy định về lập đề nghị xây dựng văn bản, thẩm định, kiểm tra văn bản…

Đầu tư nguồn lực thỏa đáng, đi đôi với việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong công tác xây dựng pháp luật; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc bảo đảm tiến độ, hồ sơ, thủ tục và chất lượng các dự án, dự thảo văn bản.

Củng cố, kiện toàn và phát huy đầy đủ, hiệu quả vai trò của tổ chức pháp chế tại các bộ, ngành. Ưu tiên bố trí biên chế, tăng cường hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng, thẩm định văn bản, trong đó chú trọng năng lực phân tích, xây dựng chính sách pháp luật và kỹ năng soạn thảo, thẩm định cho những người làm công tác xây dựng pháp luật; thường xuyên tổ chức hội nghị giao ban pháp chế các bộ, ngành để thảo luận, trao đổi chuyên sâu về công tác xây dựng pháp luật, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao.

Phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì lập đề nghị, chủ trì soạn thảo nghiên cứu kỹ về những chính sách cần thể chế hoá bằng pháp luật và chuẩn bị đầy đủ hồ sơ trước khi đề xuất đưa vào Chương trình hoặc gửi hồ sơ để Bộ Tư pháp thẩm định; tham gia tích cực và chủ động hơn với các bộ, ngành trong tất cả các công đoạn, từ khâu chuẩn bị Chương trình, soạn thảo đến thẩm định văn bản.

Tiếp tục huy động trí tuệ của chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các đại biểu Quốc hội; tạo cơ chế truyền thông chính sách, sự phản biện từ các tổ chức xã hội, từ các phương tiện thông tin đại chúng vào quá trình xây dựng, thẩm định. Tăng cường tổ chức các hội thảo, tọa đàm, các hoạt động nghiên cứu trước và sau khi tổ chức thẩm định để làm rõ thêm các vấn đề phức tạp, còn có ý kiến khác nhau.

Không phải cứ trình xong là hoàn thành nhiệm vụ

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, thời gian qua, Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với VPCP trong việc đôn đốc, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo quyết liệt, nhưng vì nhiều lý do khác nhau vẫn có nợ đọng văn bản.

Về giải pháp, các Bộ, cơ quan cần chủ động triển khai công việc sớm. “Hai năm gần đây, nhiều khi Quốc hội đang thảo luận về dự án luật thì Bộ Tư pháp và VPCP đã phối hợp chặt chẽ để rà soát các nội dung cần hướng dẫn, đến khi luật được thông qua thì Thủ tướng có ngay quyết định giao nhiệm vụ xây dựng văn bản hướng dẫn. Với các nhiệm vụ đã rõ, đề nghị các Bộ không đợi đến khi Thủ tướng phân công, vì luật cũng là do các Bộ soạn thảo”, Thứ trưởng Hiếu nêu quan điểm.

Một gợi ý khác, các Bộ, cơ quan có thể ghép các nội dung hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh vào một nghị định thay vì nhiều nghị định, vì bất kỳ nghị định nào cũng phải qua các trình tự, thủ tục bắt buộc, nếu ban hành 3 nghị định thay vì 1 nghị định thì khối lượng thủ tục, công việc cũng tăng lên gấp lần.

Thứ ba, ông Hiếu đề nghị với “các vấn đề phức tạp thì nên xin ý kiến lãnh đạo Chính phủ sớm, tránh tình trạng làm đi làm lại nhiều lần, vừa không bảo đảm chất lượng, vừa không bảo đảm thời gian”.

Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cũng đề nghị các Bộ cần tích cực hơn trong việc cho ý kiến vào các dự thảo do Bộ khác trình; cơ quan chủ trì cũng phải tổng hợp đầy đủ các ý kiến góp ý, không tiếp thu cũng phải giải trình cụ thể. Theo Thứ trưởng, một trong những vấn đề nổi lên trong công tác xây dựng các văn bản là tâm lý “trình xong là hoàn thành nhiệm vụ”, còn khâu chỉnh lý, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ còn chưa được coi trọng trong nhiều trường hợp. Đồng thời, ông đề nghị Bộ chủ trì cũng “không nên lấy lý do là Bộ này, Bộ kia chưa có ý kiến” mà nên chủ động tiến hành các bước tiếp theo.

Cuối cùng, ông đề nghị cần nâng cao hơn nữa chất lượng hồ sơ, dự thảo, nhất là trong xác định phạm vi điều chỉnh của văn bản.

Hà Chính (ghi)

Tác giả: Lê Sơn (thực hiện)

Nguồn tin: Báo điện tử Chính phủ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP