Trong nước

Nhiệm kỳ khóa XII: Không ai được phép đứng trên, đứng ngoài tổ chức Đảng

Chủ trương không ai được phép đứng trên tổ chức, đứng ngoài tổ chức và với tinh thần không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ, Đảng ta đã kỷ luật hàng vạn đảng viên.

Kể từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn đặc biệt quan tâm công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, coi trọng công tác tự xây dựng, tự chỉnh đốn. Nhiều chủ trương, Nghị quyết của Đảng được xây dựng, ban hành xuất phát từ thực tiễn, lựa chọn đúng vấn đề, đánh giá đúng thực trạng và đề ra đúng các giải pháp để khắc phục.

Trong nhiệm kỳ khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có nhiều quyết định quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt đã có nhiều chủ trương, nghị quyết, quy định… nhằm ngăn chặn triệt để biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên.

Hội nghị Trung ương 4 khóa XII

Ngay từ đầu nhiệm kỳ khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ. Đây là lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương đưa ra hệ thống 27 biểu hiện suy thoái thuộc 3 nhóm tư tưởng - chính trị, đạo đức - lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và Nghị quyết Đại hội XII đã giúp mỗi cán bộ, đảng viên luôn nhìn nhận lại mình, tự soi, tự sửa, kịp thời khắc phục những hạn chế, khuyết điểm của bản thân. Qua đó góp phần răn đe, ngăn chặn và đẩy lùi một số biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng, bước đầu củng cố niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là xây dựng Đảng về đạo đức càng trở nên bức thiết hơn khi trên thực tế có một “bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên bản lĩnh không vững vàng, trước những diễn biến phức tạp của thời cuộc và mặt trái của kinh tế thị trường đã nhạt phai lý tưởng cách mạng, suy thoái về đạo đức, lối sống. Thay vì đề cao nguyên tắc “dĩ dân vi bản” (lấy dân làm gốc), “dĩ công vi thượng” (lấy việc công trên hết), có người đã lợi dụng cương vị, chức trách được giao để phục vụ lợi ích cá nhân, sa đà vào lối sống "vinh thân phì gia", xa hoa, cách biệt với nhân dân, tìm mọi kẽ hở của cơ chế, chính sách, luật pháp để làm trái, gây nhiễu nhương, phiền hà doanh nghiệp và người dân, thất thoát lớn tài sản của Nhà nước.

Nhiều người trong số đó giữ cương vị cao, đã được điểm mặt, chỉ tên, bị thi hành kỷ luật Đảng, thậm chí phải chịu trách nhiệm hình sự, như trường hợp các ông Đinh La Thăng, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Nguyễn Thành Tài… Hay như trường hợp ông Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Tổng biên tập Nhà xuất bản Tri thức bị khai trừ khỏi đảng, vì có bài viết, phát ngôn trái với cương lĩnh chính trị, điều lệ Đảng, Nghị quyết, Chỉ thị quy định của Đảng, Nhà nước.

Ông Phạm Tất Thắng

Ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng: “Với một đảng viên lâu năm, từng giữ các chức vụ quản lý quan trọng, có kinh nghiệm, nhận thức đầy đủ mà vẫn vi phạm như vậy thì rõ ràng đây là vi phạm nghiêm trọng. Vi phạm của ông Chu Hảo là vi phạm điều lệ Đảng, vi phạm những điều Đảng viên không được làm, diễn ra trong một thời gian dài mà tổ chức đảng đã có những nhắc nhở, nhưng ông không sửa chữa mà tiếp tục có những sai phạm mới. Những sai phạm của ông Chu Hảo đã tự diễn biến, tự chuyển hóa. Tôi cho rằng việc xử lý đó là nghiêm khắc, đúng quy định cũng như điều lệ Đảng”.

Chủ trương không ai được phép đứng trên tổ chức, đứng ngoài tổ chức và với tinh thần không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ, từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, Đảng ta thi hành kỷ luật 87.000 cán bộ, đảng viên. Đây là minh chứng rõ nét cho thấy quyết tâm của Đảng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và tiếp tục khẳng định: “Ngoài lợi ích của Tổ quốc, của Nhân dân, Đảng ta không có lợi ích nào khác. Tất cả là vì sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của nhân dân”. Bởi vậy, nhân dân rất đồng tình, ủng hộ với những kết luận, quyết định kịp thời của Trung ương về các tập thể, cá nhân sai phạm.

Qua theo dõi các thông báo kỳ của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Hà Hữu Đức, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội cho rằng, việc xử lý kỷ luật nghiêm những đảng viên vi phạm, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", cả cán bộ đương chức và nghỉ hưu đã giúp mỗi cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa, tự điều chỉnh hành vi, tích cực rèn luyện đạo đức, lối sống, tác phong công tác.

"Tôi mong muốn tiếp tục sàng lọc đội ngũ cán bộ đảng viên có vi phạm. Đó là thường xuyên liên tục hoàn thiện thể chế bằng các nghị quyết, chỉ thị, quy định như Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: phải nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế luật pháp", ông Đức bày tỏ.

Để làm trong sạch bộ máy, Đảng xác định yếu tố cơ bản, trực tiếp quyết định kết quả phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chính là sự gương mẫu của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Trong 3 năm trở lại đây, Trung ương đã ban hành hàng loạt văn bản quy định đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, tổ chức. Cụ thể là Quy định 55-QĐ/TW về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, kịp thời chấn chỉnh tác phong công tác, lối sống xa hoa, lãng phí gây phản cảm trong xã hội và gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh, giản dị, tiết kiệm.

Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định 08-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, chỉ rõ 8 nội dung các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương phải gương mẫu đi đầu, phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống; đồng thời, yêu cầu cán bộ giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương, ông Nguyễn Mạnh Hiển cho rằng: “Nêu gương thì nói phải đi đôi với làm. Tôi chỉ tâm niệm 1 điều, mình nói cái gì thì mình làm cái đó cho chuẩn. Suy nghĩ và hành động đặt lợi ích chung lên trên hết, từ công tác cán bộ cho đến quá trình chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, nhất là phải có tư duy để sự phát triển chung của tỉnh tốt hơn. Tôi mong Đảng phải mạnh, chính quyền phải hành động, nói đi đôi với làm”.

Trong những năm qua, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn gắn liền với việc đẩy mạnh cuộc vận động Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị và trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của mỗi tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên, có tác dụng lan toả trong Đảng cũng như toàn xã hội. Nhiều vấn đề bức xúc, nổi cộm đã được cấp ủy, chính quyền tập trung giải quyết triệt để, nhiều địa phương, đơn vị chọn khâu đột phá là tập trung quyết liệt đổi mới cách thức lãnh đạo, điều hành công việc, đẩy mạnh cải cách hành chính, quan tâm công tác cán bộ, xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

GS.TS Hoàng Chí Bảo

Giáo sư, Tiến sỹ, chuyên gia cao cấp Hoàng Chí Bảo, cho rằng, mỗi đảng viên, cán bộ coi việc rèn luyện đạo đức như một nhu cầu thường xuyên, nhu cầu văn hóa, không cần ai thúc gục, không cần ai áp lực, thúc đẩy, nó là tự thân của chính mình. Không giáo dục đảng viên phẩm chất về lòng tự trọng, có lương tâm, danh dự, biết xấu hổ khi làm điều sai, điều xấu, người ta ý thức được điều ấy thì trong hành vi hàng ngày không có sai phạm, phải thực hành văn hóa đạo đức như thế thì đời sống đạo đức trong đảng mới tốt được.

Mặc dù vậy, cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, công tác xây dựng Đảng hiện vẫn còn không ít hạn chế, khuyết điểm. Công tác tổ chức, cán bộ và quản lý cán bộ, đảng viên còn yếu kém. Nhiều cán bộ, đảng viên chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu trong công tác và trong lối sống. Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái. Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII nêu rõ, một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng trong nhiệm kỳ Đại hội XIII là Kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, khoá XII về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ để ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ./.

Tác giả: Sơn Lâm

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP