Trong tỉnh

Nhếch nhác trên tuyến đê biển gần 100 tỷ đồng ở Nghệ An

Ngoài bị lấn chiếm để kinh doanh vật liệu xây dựng, thời gian gần đây, dọc tuyến đê biển qua xã Quỳnh Thuận (Quỳnh Lưu) đang biến thành nơi tập kết rác thải, gây ô nhiễm môi trường.

Dự án xây dựng công trình đê biển Quỳnh Long, Quỳnh Thuận, Sơn Hải và Quỳnh Thọ được triển khai thi công vào năm 2011. Đây là công trình được Nhà nước đầu tư theo chương trình chống xói lở ven biển của Chính phủ trong kế hoạch hàng năm, với tổng mức đầu tư hơn 94,5 tỷ đồng.

Sau 6 năm thi công, đến tháng 2/2017, công trình được nghiệm thu và bàn giao cho các xã liên quan tự quản lý, bảo vệ. Tuy nhiên, từ khi tuyến đê đi vào hoạt động, nhiều hộ dân ở xã Quỳnh Thuận đã tập kết vật liệu xây dựng trên đê để kinh doanh, thu lợi cá nhân, làm ảnh hưởng đến môi trường và kết cấu chân đê.

Trên tuyến đê này có 3 hộ kinh doanh vật liệu xây dựng, đổ vật liệu ngay trên đê. Ảnh chụp chiều 4/4/2019: Tân Bảo

Theo tìm hiểu, bãi tập kết vật liệu xây dựng (gồm các loại như cát, đá, gạch táp lô) của ông Đậu Văn Hân ở xã Quỳnh Thuận đã tồn tại hơn 2 năm nay. Ngoài ra, vẫn còn một số hộ cũng kinh doanh vật liệu xây dựng cũng nằm dọc tuyến đê này, gây cản trở giao thông.

Trao đổi về thực trạng đang xảy ra, ông Trần Ngọc Bình - Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thuận cho biết: "Chính quyền đã mời các hộ kinh doanh vật liệu xây dựng lên để giải quyết, yêu cầu ký cam kết tạm ngừng hoạt động; những chỗ vật liệu còn tồn đọng thì giải quyết để trả lại mặt bằng đê”.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu, vào ngày 4/4/2019, các hộ kinh doanh vật liệu xây dựng vẫn hoạt động, các xe ô tô trọng tải vẫn chở vật liệu đổ tập kết tại mặt đê.

Rác thải sinh hoạt được tập kết ngay trên đê, đoạn trước miệng cửa tiêu úng cho 2 xã Quỳnh Long và Quỳnh Thuận. Ảnh chụp chiều 4/4/2019. Ảnh: Tân Bảo

Không những việc chiếm dụng mặt đê để tập kết vật liệu xây dựng chưa được xử lý dứt điểm, thời gian gần đây, tuyến đê biển này còn biến thành nơi tập kết rác thải xây dựng và rác thải sinh hoạt.

Theo quan sát, trên tuyến đê này có hệ thống cửa thoát nước nhằm tiêu úng, ngập lụt cho 2 xã Quỳnh Thuận và Quỳnh Long. Thế nhưng, ngay miệng cửa, rác thải được tuôn xuống gây cản trở dòng chảy.

Những thực trạng trên làm ảnh hưởng đến môi trưởng, cản trở người tham gia giao thông, tạo nên sự nhếch nhác, bẩn thỉu ở tuyến đê có tổng mức đầu tư gần 100 tỷ đồng.

Rác thải không được thu gom xử lý, chất đầy dọc bờ đê. Ảnh chụp chiều 4/4/2019. Ảnh: Tân Bảo

Đê biển có vai trò trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt ngăn chặn nước biển dâng khi có bão, lũ. Tại điều 7, chương 1 - Luật Đê điều quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm gồm: phá hoại đê điều; sử dụng xe cơ giới vượt quá tải trọng cho phép đi trên đê; đổ chất thải trong phạm vi bảo vệ đê; để vật liệu trên đê; chiếm dụng, sử dụng hoặc di chuyển trái phép vật tư dự trữ phòng, chống lũ, lụt, bão… Thế nhưng, tuyến đê biển xã Quỳnh Thuận (Quỳnh Lưu) đang tồn tại những sự việc trên.

Tác giả: Tân Bảo - Lê Vũ

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP