Giáo dục

“Nhập khẩu giáo dục chẳng 'ngon' như nhập khẩu thuốc tây đâu!“

Trên là một trong những ý kiến của các chuyên gia giáo dục về thông tin Việt Nam sẽ xem xét 'nhập khẩu' chương trình giáo dục của những nước tiên tiến như Phần Lan...

Áp dụng một cách máy móc, rập khuôn là nguyên nhân lớn nhất khiến cho mô hình VNEN thất bại. ẢNH: N.A

Sau khi một số báo đưa thông tin về việc Việt Nam sẽ xem xét “nhập khẩu” chương trình giáo dục của những nước tiên tiến như Phần Lan, các chuyên gia giáo dục trong nước đã có những bình luận trên trang cá nhân của mình về vấn đề này.

Hầu hết các ý kiến đều tỏ ra lo ngại vì điều kiện để thực hiện chương trình của nước ta quá chênh lệch.

Nhập khẩu chương trình nhìn từ bài học VNEN

Tôi hỏi chuyên gia tư vấn VNEN, bà Fiona (Úc), về trường tiểu học Úc thì bà nói: Về cơ bản, VNEN và trường tiểu học Úc không khác nhau nhiều. Tuy nhiên, bên Úc thì mỗi lớp chỉ hơn 20 HS, không có sách giáo khoa dùng chung toàn quốc, mỗi lớp có đồng thời 2 giáo viên (GV).

Thế mới biết VNEN rất hiện đại nhưng tại sao nhiều GV sợ hãi, phụ huynh phản đối, địa phương “tẩy chay”? Theo tôi, đó là do điều kiện Việt Nam chưa phù hợp. Nhất là năng lực sư phạm của nhiều GV còn bất cập, sĩ số HS quá đông, chưa kể cơ chế quản lý còn nhiều vấn đề...

Thế cho nên, nhiều GV nói với tôi, một bộ phận học sinh ngày học VNEN, tối và cuối tuần học (lại) theo kiểu truyền thống. Tôi nghe GV khen VNEN chủ yếu góc độ tự quản của học sinh, ít ai khen chất lượng.

Mới đây lại nghe nói, Bộ GD-ĐT (có ý định) nhập khẩu chương trình giáo dục Phần Lan. Ta biết, Phần Lan là một trong những nước có chất lượng giáo dục phổ thông tốt nhất thế giới, đương nhiên chương trình cũng rất tuyệt vời. Tuy nhiên, có gì đảm bảo là nhà trường Việt Nam "tải" được chương trình Phần Lan? Vấn đề là phải đồng bộ từ chương trình, cơ chế quản lý, chế độ lương, năng lực sư phạm của GV, sĩ số học sinh...

Do vậy, theo tôi, điều ngành giáo dục cần làm trước mắt và trước hết là: đổi mới cơ chế quản lý, bồi dưỡng GV, quan tâm đến đời sống của GV, giảm sĩ số học sinh. Những điều đó mà không giải quyết được thì đổi mới sẽ khó thành công.

GV là người thợ, học sinh là những sản phẩm của họ! Thử hỏi có bao nhiêu phần trăm giáo dục đã và đang tin vào VNEN? Bộ hãy làm cho GV tin vào chương trình giáo dục sau 2018 đi!

PGS Nguyễn Hữu Hợp (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội)

Không có đội ngũ giỏi thì cũng như không

Vâng, sẽ rất tốt nếu các bác làm được điều này! Chỉ lo không biết có ai nhớ cho rằng vấn đề mấu chốt vẫn phải là con người. Chương trình hay mà chẳng có đội ngũ giỏi để thực thi thì cũng như không! Bài học về VNEN vẫn nhãn tiền còn đó. Nên biết thêm rằng ở Phần Lan, GV muốn được tuyển dụng dạy tiểu học phải có trình độ thạc sĩ. Trong khi đó ở ta thì chỉ cần đạt 12,5 điểm cho 3 môn thi là đã đủ chuẩn vào ĐH sư phạm để ra làm thầy.

Để có được nền giáo dục chất lượng đứng đầu thế giới như bây giờ, người Phần Lan đã tập trung đầu tư rất nghiêm túc cho công tác đào tạo GV trong suốt nhiều thập niên từ thế kỷ trước đến nay. Còn ta, sau hơn 70 năm ở miền Bắc và 40 năm ở miền Nam, chất lượng đội ngũ sư phạm chỉ thấy càng ngày càng xuống dốc và vẫn đứng ngoài lề những chuẩn mực chung của các nền giáo dục tiến bộ. Nhập khẩu giáo dục sẽ chẳng "ngon" như nhập khẩu xăng dầu hay thuốc tây đâu!

Nguyễn Thị Kiều Oanh (Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường quốc tế Canada)

Tôi nghĩ làm giáo dục không ai dại gì…

Ngày nay nhập khẩu chương trình giáo dục không có quốc gia nào làm cả. Ngay cả chương trình đại học tiên tiến bị xuyên tạc méo mó thành nhập khẩu. Thực chất là nhập công nghệ thực hiện chương trình giáo dục mà không phải chỉ nhập nội dung của chương trình.

Tuy nhiên, tôi nghĩ đã làm giáo dục không ai dại gì mà copy một chương trình từ nước ngoài về vì: Thứ nhất, điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, môi trường giáo dục, luật pháp... không giống nhau, nên điều kiện thực hiện sẽ không tương tự. Thứ hai, cấu trúc hệ thống giáo dục không giống nhau về phương diện cấp học, hệ thống quản lý và các thiết chế giáo dục. Thứ ba, năng lực quản lý vĩ mô, vi mô và đội ngũ nhà giáo rất khác nhau. Thứ tư, Việt Nam đang triển khai phát triển chương trình giáo dục và sách giáo khoa mới, không lý do gì mà đi nhập khẩu chương trình... có chăng là học hỏi kinh nghiệm a,b,c... trong việc phát triển chương trình và sách giáo khoa cũng như kinh nghiệm ứng phó với thách thức của đổi mới giáo dục lại rất cần thiết.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh (nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT)


Còn tiếp

Tác giả: Như Anh (tổng hợp)

Nguồn tin: Báo Thanh Niên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP