Giáo dục

Nhân dịp hè, phụ huynh nên "vá lỗ hổng" trong giáo dục giới tính ở trẻ

Chính phụ huynh chứ không phải ai khác phải thay đổi nhận thức về việc trang bị kiến thức về giới cho con trẻ ngay từ nhỏ, trước khi bọn trẻ chập chững đến trường.

Bài viết "Đừng sợ giáo dục giới tính sẽ khuyến khích trẻ ăn trái cấm" trên báo Dân trí một lần nữa đánh động phụ huynh về nhiệm vụ khó nhằn bao lâu nay bị tránh né, thờ ơ: Dạy con trẻ về giới tính và bảo vệ cơ thể.

Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của cô giáo Trần Thị Thùy cuối bài báo: "Nhân dịp nghỉ hè, cộng với tình hình dịch bệnh, trẻ có nhiều thời gian ở nhà, cha mẹ hãy khéo léo gợi mở, tạo ra bầu không khí tự nhiên để trao đổi với con các vấn đề liên quan đến giới tính"!

Gia đình phải là cái nôi bảo vệ con trẻ đầu tiên, thiết thực và quan trọng nhất. Sau bao nhiêu cảnh báo từ truyền thông, một vài đoạn phỏng vấn nhanh trên truyền hình về câu hỏi "Bạn có quan tâm giáo dục giới tính cho con cái không?" dành cho nhiều bố mẹ, đa phần câu trả lời vẫn là sự dè chừng lẫn ngạc nhiên của chính bậc sinh thành đối với sự an toàn của con trẻ.

Thậm chí một số phụ huynh còn chất vấn sao phải "vẽ đường cho hươu chạy", một số khác thì cực kỳ ngây thơ bộc bạch: "Tôi tưởng nhà trường phải dạy các con về giới tính và chống xâm hại tình dục chứ?".

Vâng, chính sự thờ ơ đến mức vô tâm của phụ huynh khiến con trẻ vuột mất cơ hội được biết, được học, được trang bị nhận thức về xâm hại tình dục, kỹ năng bảo vệ bản thân trước các mối nguy hiểm.

Chính phụ huynh chứ không phải ai khác phải thay đổi nhận thức về việc trang bị kiến thức về giới cho con trẻ ngay từ nhỏ, trước khi bọn trẻ chập chững đến trường.

Chính phụ huynh phải thường xuyên nhắc nhở, thủ thỉ với con trẻ về những vùng nhạy cảm, giới hạn của hành động âu yếm, cách ứng xử trước cử chỉ thân mật của người xung quanh, sự phản kháng và cầu cứu khi bắt gặp những mối nguy hiểm từ người khác… Và tôi nghĩ trong bối cảnh thông tin rộng mở như hiện nay, không hề quá khó khi phụ huynh muốn cập nhật những kiến thức về giới, kỹ năng phòng chống xâm hại.

Trong khi khá nhiều phụ huynh vẫn đang tự giam mình trong "tháp ngà" muôn đời của việc bàn lui "đừng vẽ đường cho hươu chạy" thì nhà trường phải gánh trọng trách bảo vệ trẻ trước nguy cơ xâm hại học đường một cách nặng nề hơn, khó nhọc hơn hẳn.

Tuy nhiên, thực trạng giáo dục giới tính bảo vệ sự an toàn của trẻ trước nguy cơ xâm hại tình dục hiện nay trong nhà trường vẫn còn nhiều khoảng trống.

Trong khi nhiều nước phát triển đã đưa chương trình giáo dục giới tính vào dạy từ sớm ở trường phổ thông một cách chi tiết, bài bản, cởi mở thì chúng ta vẫn còn khá tranh cãi nên dạy bọn trẻ về sự dậy thì, quan hệ tình dục, sự sinh sản… vào thời điểm nào là hợp lý.

Thực tế thì bọn trẻ hôm nay dậy thì khá sớm, thậm chí có cháu tầm lớp 1, lớp 2 đã xuất hiện kinh nguyệt nhưng chu kỳ kinh nguyệt và vệ sinh trong thời kỳ kinh nguyệt mãi đến tận lớp 4, 5 mới được trang bị.

Thực tế thì bọn trẻ hôm nay nảy sinh xúc cảm giới tính khá sớm, các con đã sớm yêu từ hồi lớp 6, lớp 7 nhưng mãi đến tận cuối năm cấp hai mới được trang bị "cẩm nang" cần thiết về tình yêu, tình dục…

Khi người lớn vẫn đang e dè, ngần ngại trao đổi với con trẻ về kiến thức giới tính, sức khỏe sinh sản thì nguy cơ trẻ đối diện với các mối nguy về xâm hại càng cao.

Khi nhà trường và gia đình cứ mải đá qua đẩy lại trách nhiệm giáo dục giới tính cho trẻ thì chỉ khiến bọn trẻ càng loay hoay, rối rắm với những biến đổi trên cơ thể, thay đổi trong cảm xúc của bản thân.

Lời giải nào tối ưu nhất để "vá lỗ hổng" trong giáo dục giới tính và phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ em? Tất cả phụ thuộc vào sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, tư duy của gia đình và nhà trường.

Tác giả: Nguyễn Thanh

Nguồn tin: Báo Dân trí

  Từ khóa: nghỉ hè ,phụ huynh ,học sinh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP