Xã hội

Nhà báo Xuân Hải: 'Ấn tượng với mô hình tổ chức báo chí xa toà soạn'

"10 năm có thể chỉ là một khoảng thời gian ngắn so với lịch sử của 1 tờ báo, nhưng là quãng thời gian cần và đủ để khẳng định sự tồn tại có trách nhiệm của 1 nhà báo, một văn phòng đại diện".

Chúng ta còn nhớ cách đây 2 năm, trong cuộc giao ban báo chí của ban Tuyên Giáo Trung ương - bộ Thông tin truyền thông - hội Nhà báo Việt Nam, nhân sai phạm nội dung trong bài viết ký tên phóng viên thường trú tại Sóc Trăng của một tờ báo điện tử, lãnh đạo ban Tuyên giáo Trung ương một lần nữa nhấn mạnh việc tuyển chọn và sử dụng cộng tác viên, phóng viên thường trú quá dễ dãi, của một số cơ quan báo chí; đồng thời yêu cầu các báo cần rút kinh nghiệm và sớm chấn chỉnh tình trạng trên.

Gần đây, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, việc một tạp chí và một tờ báo có những vi phạm trong việc đưa tin sai sự thật, khiến Thanh tra sở Thông tin truyền thông (TT - TT) Hà Tĩnh buộc phải có văn bản đề nghị Bộ TT - TT xử lý, lại thêm một lần làm nóng lại vấn đề về trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.

Nhà báo Phan Xuân Hồng nhận kỷ niệm chương của Bộ Công an vì có thành tích trong hoạt Vì an ninh Tổ quốc.

Văn phòng Đại diện Báo Đời sống & Pháp luật (VPĐD Báo ĐS&PL) tại miền Trung không nằm trong tình trạng đó. Có thể thấy sự kết nối của tòa soạn với VPĐD; việc quản lý PV, CTV của Văn phòng; sự kết nối của VPĐD với các cơ quan, đơn vị ở địa phương và các PV của các cơ quan báo chí hoạt động trên địa bàn là hết sức chặt chẽ, chuyên nghiệp và đầy chia sẻ, tạo nên sự thành công này.

Với sự giúp đỡ của các tỉnh, sự quan tâm sâu sát của tòa soạn và với cái tâm của người cầm bút cùng bản lĩnh của Trưởng VPĐD - người đã có nhiều năm làm báo và bản lĩnh không ngại va chạm – câu chuyện về thành công của VPĐD này là một câu chuyện có thật.

Những gì VPĐD báo ĐS&PL tại miền Trung làm được thì chúng ta đã được nghe trong nhiều báo cáo, tham luận. Ở đây, tôi chỉ xin nêu vài con số thống kê xã hội học thuần tuý, để bổ sung cho những gì mà chúng ta nghĩ về hành trang 10 năm hình thành và phát triển của họ: Chỉ tính riêng địa bàn Hà Tĩnh, trong 10 năm, VPĐD này đã đưa lên mặt báo trên 5.000 tin, bài, ảnh, góp phần vào việc phát triển KTXH trên địa bàn Hà Tĩnh; giới thiệu với bạn bè trong nước và quốc tế về một mảnh đất truyền thống, đổi mới và phát triển bền vững, cũng như chỉ ra những bất cập ở góc này, góc kia một cách thẳng thắn, thiện chí và đầy trách nhiệm.

Đại diện UBND tỉnh Hà Tĩnh tặng bằng khen cho VPMT báo ĐS&PL

Cũng có thể có 1 hoặc hơn thế trong tổng số tin bài này đã làm "mếch" lòng ai đó, nhưng điều quan trọng là tất cả đều xuất phát từ sự trung thực và cái tâm của người cầm bút. Và, tôi cho đó là niềm tự hào của những người theo nghiệp viết.

Bên cạnh phát triển chất lượng nội dung, mảng công tác nhân đạo, từ thiện cũng được VPĐD báo ĐS&PL quan tâm. Với số tiền ủng hộ các hộ nghèo, các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; ủng hộ đồng bào vùng lũ do cán bộ, PV, BTV đóng góp lên đến hàng trăm triệu đồng; kết nối, vận động từ các nguồn khác lên hàng chục tỷ đồng; xây dựng được 10 nhà tình nghĩa (mỗi nhà từ 50 – 100 triệu đồng đồng) đã minh chứng rất rõ nét. Với một VPĐD mà làm được ngần ấy việc, thiết tưởng cũng là điều xứng đáng được những người làm báo như chúng tôi ghi nhận và học tập.

Một trong những hoạt động xã hội của VPMT.

Có một điều khá đặc biệt (chữ “đặc biệt” tôi dùng trong mối quan hệ so sánh với các tổ chức báo chí xa tòa soạn khác) là VPĐD báo ĐS&PL tại miền Trung có thể nói là đơn vị độc lập xa toà soạn duy nhất được nhận khá nhiều hình thức khen thưởng của các bộ, ban, ngành Trung ương và các đơn vị địa phương. Đơn cử, tập thể và cá nhân của VPĐD này đã được Bộ Công an, Bộ TT - TT, Bộ TN - MT, Trung ương Hội Luật gia, Hội Chữ thập đỏ, Bộ tư lệnh BĐBP, Ban Tuyên giáo TW... tặng Bằng khen và kỷ niệm chương các loại; Được Chủ tịch UBND các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh tặng Bằng khen; được nhiều cấp sở ngành địa phương tặng giấy khen.

Riêng với hội Nhà báo Hà Tĩnh, mối quan hệ với VPĐD báo ĐS&PL tại miền Trung là khá chặt chẽ, thường xuyên có sự chia sẻ về thông tin cũng như công tác từ thiện nhân đạo; ủng hộ một cách tích cực các chủ trương của Hội trong việc hướng các hội viên hoạt động đúng tinh thần Luật Báo chí, Điều lệ hội Nhà báo Việt Nam và 10 điều quy định đạo đức người làm báo.

10 năm có thể chỉ là một khoảng thời gian ngắn so với lịch sử của 1 tờ báo, nhưng là quãng thời gian cần và đủ để khẳng định sự tồn tại có trách nhiệm của một nhà báo, một văn phòng đại diện. Nhưng rõ ràng các bạn đồng nghiệp ở VPĐD Báo ĐS&PL tại miền Trung đã có được 10 năm hoạt động trách nhiệm và hiệu quả.

BTV, PV của VPMT trao đổi nghiệp vụ.

Trong bối cảnh hiện nay, báo chí đang ngày càng có ảnh hưởng và tác động to lớn, nhanh nhạy tới nhận thức, tình cảm và thái độ của nhân dân; tới tâm trạng và dư luận xã hội trong và ngoài nước, tới tình hình kinh tế, chính trị, an ninh, tới hình ảnh và uy tín của đất nước trên thế giới.

Chính vì vậy trách nhiệm của người làm báo cũng nặng nề hơn. Mỗi nhà báo phải cân nhắc nhiều hơn khi viết để làm sao nội dung mỗi bài báo riêng lẻ cũng như cơ cấu nội dung tổng thể của các thông tin trên báo giúp cho xã hội nhận thức đúng bản chất sự việc; giúp bạn đọc có thái độ tích cực với cuộc sống.

Mặt khác, không thể dễ dãi, tùy tiện khi viết. Kể cả khi viết về những cái hư hỏng, tiêu cực dù lớn đến đâu cũng không được làm cho người đọc mất lòng tin và dũng khí, ngược lại phải tiếp thêm sức mạnh cho mọi người có thêm dũng khí, quyết tâm tham gia tích cực hơn, chủ động hơn vào cuộc đấu tranh đến cùng đẩy lùi những tiêu cực. Đội ngũ những người làm báo phải tổ chức phản bác lại những hành động và luận điệu sai trái một cách kiên quyết, mạnh mẽ, kịp thời, có sức thuyết phục cao.

Xin được gửi gắm niềm tin và trách nhiệm ấy cho giới báo chí miền Trung nói chung, VPĐD Báo ĐS&PL tại miền Trung nói riêng.

Nhà báo Nguyễn Xuân Hải - Chủ tịch hội Nhà báo tỉnh Hà Tĩnh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP