Thế giới

Nguy cơ và triển vọng cho khủng hoảng Triều Tiên năm 2018

Bán đảo Triều Tiên năm 2018 vẫn đối mặt nguy cơ bùng phát chiến tranh song triển vọng về các cuộc đàm phán đã được nhen nhóm.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: AFP.

Triều Tiên lâu nay vẫn là một trong những quốc gia bí ẩn nhất thế giới và việc dự đoán hành động của Bình Nhưỡng luôn là thách thức đối với giới chuyên gia. Theo Quartz, 2018 có thể là năm mà Triều Tiên đạt được khả năng phóng tên lửa mang theo đầu đạn hạt nhân thực sự đủ sức vươn tới đất liền Mỹ, dù Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định "điều đó sẽ không xảy ra".

Chính quyền Trump năm qua đã áp đặt những biện pháp trừng phạt khắc nghiệt lên Triều Tiên, song ông chủ Nhà Trắng vẫn hoài nghi về tác dụng của chúng. Tổng thống Mỹ ra tín hiệu rằng Washington sẵn sàng triển khai lực lượng nếu cần để ngăn chặn mối đe dọa hạt nhân từ Bình Nhưỡng. Trung Quốc, trong khi đó, đã chuẩn bị cho kịch bản người tị nạn từ quốc gia láng giềng tràn qua biên giới nếu chiến tranh bùng phát trên bán đảo Triều Tiên.

Nguy cơ chiến tranh

Kịch bản tồi tệ nhất cho năm 2018 là một cuộc chiến tranh nổ ra trên bán đảo Triều Tiên. Trả lời phỏng vấn trang tin Atlantic, thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham cho biết khả năng ông Trump sử dụng biện pháp quân sự với Triều Tiên là 30%. Nhưng tỷ lệ này sẽ tăng lên 70% nếu Bình Nhưỡng tiến hành một vụ thử hạt nhân khác.

Hiện không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Triều Tiên sẽ dừng việc thử nghiệm vũ khí, bao gồm cả vũ khí hạt nhân, trong năm 2018. Sau lần phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) thứ ba hồi tháng trước, nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố Triều Tiên cuối cùng đã "hoàn thiện lực lượng hạt nhân quốc gia".

Từ "hoàn thiện" mà ông Kim sử dụng dường như ngụ ý Triều Tiên sẽ giảm cường độ tiến hành những vụ thử nghiệm. Tuy nhiên, hồi đầu tháng, ông lại khẳng định các chuyên gia Triều Tiên sẽ tiếp tục tạo ra "những vũ khí và trang bị tốt nhất" nhằm "củng cố lực lượng hạt nhân cả về số lượng lẫn chất lượng".

Thượng nghị sĩ Graham trong cuộc phỏng vấn với Atlantic cho hay Tổng thống Trump "nhất quyết rằng ông sẽ không cho phép Triều Tiên bùng nổ". Từ "bùng nổ" được dùng với hàm ý Triều Tiên đạt khả năng "gắn đầu đạn hạt nhân lên tên lửa có thể bắn trúng Mỹ hiệu quả".

Đến giờ vẫn chưa rõ liệu Triều Tiên đã làm chủ công nghệ cần thiết để gắn đầu đạn hạt nhân vào tên lửa hay chưa. Dù vậy, Bình Nhưỡng đã cho thấy những tiến bộ rõ rệt về công nghệ tên lửa trong năm qua và 2018 có lẽ sẽ là năm mà họ "bùng nổ", cây bút Steve Mollman từ Quartz bình luận.

Tuần trước, một nhóm gồm gần 60 đô đốc và tướng quân đội Mỹ về hưu đã cùng ký vào một bức thư gửi lên Tổng thống Trump, cảnh báo "biện pháp quân sự không thể là lựa chọn ưu tiên" trong xử lý khủng hoảng Triều Tiên và Mỹ phải "khởi xướng cũng như dẫn dắt một nỗ lực cấp bách và khẩn trương nhằm đóng băng chương trình phát triển tên lửa, hạt nhân của Triều Tiên, đồng thời giảm căng thẳng ở khu vực".

Tiếp tục thử tên lửa

Tên lửa Hwasong-15 Triều Tiên trước khi khai hỏa hồi tháng 11. Ảnh: Reuters.

Triều Tiên trong năm qua đã cho thấy sự tiến bộ đáng kể về năng lực quân sự nhưng còn một điều mà nước này chưa thực hiện để chứng minh năng lực hạt nhân: Phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) theo chiều ngang.

Triều Tiên hồi tháng trước khiến cả thế giới bất ngờ khi thử mẫu ICBM mới mang tên Hwasong-15 bằng cách phóng nó lên độ cao 4.475 km. Thể hiện được khả năng bay ấn tượng, song tên lửa Triều Tiên sau đó rơi xuống vùng biển Nhật Bản, cách nơi khai hỏa 950 km. Đây chỉ là một phần nhỏ trong quãng đường mà ICBM phải đi theo phương nằm ngang nếu Triều Tiên muốn tấn công các mục tiêu trên Bờ Đông nước Mỹ, chẳng hạn New York, cách Bình Nhưỡng 10.916 km.

Trước yêu cầu đưa ra dự đoán về cuộc khủng hoảng tên lửa Triều Tiên trong năm 2018 từ News.com.au, chuyên gia nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương Evan Medeiros nhận định phóng tên lửa theo phương ngang sẽ là bước đi tiếp theo của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

"Tôi không nghĩ ông Kim Jong-un sẽ dừng lại", ông Evan Medeiros nhận xét. "Tôi cho rằng chén thánh đối với ông ấy là phải thực sự sở hữu ICBM mang sức mạnh hạt nhân, hoạt động hoàn hảo, có thể vươn tới Mỹ".

"Tôi không tin Triều Tiên hiện tại có khả năng đó và ông Kim Jong-un cũng khó lòng thuyết phục các nước khác nếu chưa tiến hành một vụ phóng tên lửa theo phương ngang", ông Medeiros cho hay. "Những cuộc thử nghiệm tên lửa của Triều Tiên tới nay mới chỉ được gọi là phóng ở góc độ cao. Bạn chưa thể nói là đã thử nghiệm toàn bộ quỹ đạo nếu chưa phóng tên lửa theo đường parabol. Tôi nghĩ Triều Tiên cần thể hiện điều này".

Trong vụ thử nghiệm hồi tháng 11, Triều Tiên gắn một đầu đạn hạt nhân giả vào tên lửa nhưng theo ông Medeiros, Bình Nhưỡng có thể đi xa hơn thế vào năm sau. "Kịch bản tồi tệ nhất là họ tiếp tục thử nghiệm và đến cuối cùng thực hiện một vụ nổ hạt nhân trên không nhằm tuyên bố với thế giới 'chúng tôi không chỉ có ICBM mà còn có đầu đạn hoạt động tốt'".

Tuy nhiên, theo ông Medeiros, nếu Triều Tiên tiếp tục thử tên lửa, Mỹ chắc chắn không khoanh tay đứng nhìn. "Mỹ, đồng minh và cả Trung Quốc sẽ áp đặt những động thái gây áp lực lớn nhất và thắt chặt vòng phong tỏa đối với Triều Tiên", ông nhấn mạnh.

Triển vọng đàm phán

Bộ Thống nhất Hàn Quốc hồi đầu tuần cho rằng chính quyền nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể sẽ chấp nhận "đàm phán với Mỹ nhưng vẫn tìm kiếm cơ hội để được công nhận là một quốc gia hạt nhân" trong năm 2018.

Khi những biện pháp trừng phạt "khắc nghiệt nhất" đối với Bình Nhưỡng bắt đầu phát huy tác dụng, Triều Tiên có lẽ không còn cách nào khác là phải ngồi vào bàn thảo luận, giới phân tích đánh giá.

Về phía Mỹ, Washington cũng đã phần nào cho thấy họ mong muốn một cuộc đối thoại với Triều Tiên. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hồi đầu tháng tuyên bố Washington sẵn sàng đàm phán vô điều kiện nhằm chấm dứt căng thẳng với Bình Nhưỡng. Phát ngôn của người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ lập tức nhen nhóm những tia hy vọng. Nhưng không lâu sau đó, trước sức ép từ Nhà Trắng, ông Tillerson đã phải đổi giọng, khẳng định "Triều Tiên cần tìm đường trở lại bàn đàm phán. Chiến dịch gây áp lực phải và sẽ tiếp tục đến khi đạt được mục tiêu phi hạt nhân hoá".

Liên Hợp Quốc tháng 12 đã cử ông Jeffrey Feltman, nhà ngoại giao hàng đầu, phó thư ký phụ trách các vấn đề chính trị, tới Triều Tiên 4 ngày. Đây là chuyến thăm cấp cao nhất của một quan chức Liên Hợp Quốc đến Triều Tiên trong vòng 6 năm.

Miêu tả chuyến thăm là "sứ mệnh quan trọng nhất" mình từng đảm nhận, Feltman cho biết ông đã ngụ ý về một "cánh cửa mở" với Triều Tiên và hy vọng rằng "cánh cửa dẫn tới một giải pháp thương lượng giờ đây sẽ lớn hơn".

Bên cạnh đó, Điện Kremlin cũng thông báo Nga sẵn sàng làm trung gian đối thoại giữa Triều Tiên và Mỹ nếu hai bên đồng ý để Moscow nắm giữ vai trò này.

Trung Quốc sẵn sàng ứng phó

Chiến tranh bùng phát ở Triều Tiên là kịch bản Trung Quốc không bao giờ mong muốn. Tuy nhiên, Bắc Kinh khẳng định họ đã sẵn sàng ứng phó với nó.

Tờ Global Times mới đây dẫn lời một quan chức quân đội Trung Quốc nhấn mạnh "chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên có thể bùng phát bất cứ lúc nào từ nay đến tháng ba. Trung Quốc nên chuẩn bị tinh thần cho nguy cơ chiến tranh Triều Tiên bùng phát".

Mặt khác, các lực lượng vũ trang Trung Quốc, cả trên bộ lẫn trên biển, thời gian qua liên tục tiến hành những cuộc tập trận quân sự gần Triều Tiên. Một tờ báo nhà nước ở tỉnh Cát Lâm, giáp Triều Tiên, còn đăng bài báo liệt kê những việc cần làm để hạn chế ảnh hưởng của phóng xạ trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân. Theo một số báo cáo, Trung Quốc được cho là đang xây dựng một mạng lưới trại trú ẩn nhằm đối phó với nguy cơ khủng hoảng người tị nạn ở Triều Tiên.

Dù là đồng minh lớn nhất của Triều Tiên, Trung Quốc cũng bắt đầu có những động thái gây áp lực lên chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un vì chương trình hạt nhân và tên lửa. Theo số liệu hải quan mới công bố, Trung Quốc đã không xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ sang Triều Tiên trong tháng 11. Bắc Kinh cũng không nhập quặng sắt, than hay chì từ Bình Nhưỡng trong thời gian này.

Tác giả: Vũ Hoàng

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP