Thể thao

Nguy cơ tiêu cực ở lượt về V.League

Thể thức đặc biệt của V.League mùa 2020 khiến nhiều CLB không còn mục tiêu rõ ràng ở lượt về. Họ sẽ chọn thái độ nào: cống hiến sòng phẳng hay giúp những đồng minh?

"Hoan hô đội bóng tỉnh ta
Đi làm kinh tế ở xa mới về".

Đó là câu thơ mà CĐV dành cho một CLB V.League trong quá khứ, ám chỉ hành động phân phát điểm số cho các đối thủ trong bối cảnh đội đã kiếm đủ điểm, hoàn thành mục tiêu mùa giải. Điều đó liệu có lặp lại ở lượt về V.League 2020?

Ở nhóm B, CLB Đà Nẵng (16 điểm) cùng Thanh Hóa, SLNA (15 điểm) đều đã bỏ khá xa vị trí cuối bảng của Quảng Nam (9 điểm). Cộng thêm thực lực của mình, họ có quá nhiều lợi thế trong cuộc chiến trụ hạng, do đó có điều kiện để chơi thảnh thơi ở lượt về V.League.

Hải Phòng (áo đỏ) bất ngờ thắng đội bóng có phong độ cao hơn SLNA 3-1 nhờ một ngoại binh đã tịt ngòi nửa mùa giải. Ảnh: Minh Chiến.

Tại nhóm A, tình hình còn rõ ràng hơn với trường hợp của CLB Hà Tĩnh và HAGL. Hai đội này đều bắt đầu mùa bóng với mục tiêu không gì khác hơn là trụ hạng. Với họ, việc vào top 8 đã là thành công rực rỡ. Mục tiêu mùa giải của họ được hoàn thành ngay sau lượt đi. Và chỉ những kẻ mộng mơ mới nói họ còn thực lực hay tham vọng cho cuộc đua vô địch.

Thể thức đặc biệt của mùa bóng 2020 khiến giai đoạn cuối lượt đi trở thành thời điểm quan trọng nhất với nhiều CLB. Lúc này, nhiều đội ở cuối nhóm A và đầu nhóm B đều hoàn tất nhiệm vụ mùa giải.

HAGL, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, SLNA hay thậm chí cả Bình Dương có thua cả 7 (hoặc 5) trận nữa, có lẽ cũng không sao cả. Tình trạng hiện tại của họ là lên không được, xuống chẳng xong. Nói họ không biết làm gì trong giai đoạn 2 cũng không sai.

Lịch sử bóng đá Việt Nam từng chứng kiến nhiều trường hợp tương tự. Khi một đội bóng không còn động lực, cầu thủ của họ liệu còn đủ quyết tâm trước các đối thủ? Kể cả khi cầu thủ còn muốn đá, lãnh đạo đội có dám chơi sòng phẳng, có cần những trận thắng vô thưởng, vô phạt nhưng có thể gây ảnh hưởng tới mối quan hệ, điều có thể cần thiết ở mùa giải năm sau?

Nhìn một lượt bảng xếp hạng, chúng ta thấy nhiều mối quan hệ “anh em” kiểu đó ở cả nhóm A và B. Đó là cặp HAGL và CLB TP.HCM, CLB Hà Nội và Hà Tĩnh hay SLNA và Hải Phòng.

Thái độ tiếp cận của những tập thể “không còn gì để làm này” sẽ ảnh hưởng nhiều tới giai đoạn 2 V.League.

HAGl (áo trắng) đang có phong độ thấp vẫn thắng đội nhì bảng TP.HCM ở vòng 13, qua đó đủ điểm để vào top 8. Ảnh: Quang Thịnh.

Chúng ta phải nói về điều này bởi ngay ở lượt đi, đã có hàng loạt dấu hiệu lạ xuất hiện trong vài trận cầu. Nhiều kết quả không phản ánh đúng tương quan lực lượng giữa các đội đã xuất hiện. HAGL đè bẹp á quân TP.HCM 5-2, CLB Hải Phòng bất ngờ thắng đậm SLNA 3-1 còn đương kim vô địch Hà Nội mất điểm trước đội bét bảng Quảng Nam.

Đâu là điểm chung trong 3 trận ấy? Thứ nhất, cả ba trận đều diễn ra ở 2 vòng cuối, thời điểm số phận các đội đã tương đối rõ ràng. Thứ hai, đội mạnh hơn, được đánh giá cao hơn đều mất điểm. Thứ ba, các cặp đấu này đều diễn ra giữa những đội có quan hệ gần gũi: CLB TP.HCM là đối tác của bầu Đức và được HAGL cho mượn Công Phượng hồi đầu mùa, CLB Hải Phòng có dàn HLV và cầu thủ người Nghệ An, CLB Hà Nội và Quảng Nam đều có mối liên hệ với ông bầu Đỗ Quang Hiển.

Những cặp đấu này đều chứng kiến các kỷ lục. HAGL chưa lấy lại phong độ, vẫn lần đầu tiên ghi được nhiều hơn 3 bàn trước TP.HCM đang hừng hực khí thế. CLB Hà Nội vừa đè bẹp 2 ứng viên vô địch tại Cúp Quốc gia, vẫn mất điểm khó hiểu dưới tay đội bét bảng. Còn SLNA không hiểu sao lại để thủng lưới 3 bàn bởi một ngoại binh đã tịt ngòi suốt nửa mùa giải (Diego Silva).

Quan trọng hơn, điểm số có được từ những trận cầu ấy đều đã khiến cục diện bảng xếp hạng thay đổi rõ rệt. HAGL nhờ 3 điểm trước TP.HCM để vào top 8, vị trí tốt nhất của họ trong hơn nửa thập kỷ qua. CLB Hải Phòng nhờ 3 điểm trước SLNA mà bứt hẳn lên, đẩy Quảng Nam vào thế khó khăn.

Và đấy mới là câu chuyện của 2 vòng đấu. Nửa mùa giải còn lại, các đội bóng ở nhóm A còn 7 vòng nữa, nhóm B còn 5 vòng. Nhiều CLB đã hoàn thành nhiệm vụ, một số khác sẽ đạt mục tiêu trong vài vòng nữa.

Khi đó, họ còn động lực chơi bóng không? Họ sẽ tiếp tục cống hiến hay sẽ thi đấu cho những mối quan hệ dài hơi hơn ở mùa giải sau? Đó là nguy cơ mà những nhà tổ chức giải cần nhìn thấy trước, là điều mà không một người hâm mộ nào muốn thấy ở lượt về V.League 2020.

Tác giả: Minh Chiến

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP