Pháp luật

Người tâm thần gây án (3): Để người tâm thần sống chung với gia đình, cộng đồng là… tội ác!

Bệnh tâm thần rất đa dạng, và mức độ bệnh cũng khác nhau, do đó việc phát hiện ra một người bị mắc bệnh tâm thần là không hề dễ dàng. Bệnh tâm thần có thể chữa khỏi, có người mất một vài năm nhưng có người phải điều trị suốt đời. Bệnh cũng dễ tái phát nếu không tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị của bác sĩ. Phóng viên báo ANTĐ đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Ngô Hùng Lâm, Giám đốc Bệnh viện tâm thần Hà Nội xung quanh vấn đề này.


PV: Thưa ông, ông có thể chia sẻ cách để nhận biết một người bị mắc bệnh tâm thần được không ạ?

Để khẳng định một người có bị bệnh tâm thần hay không thì người đó phải được khám và theo dõi bởi bác sỹ chuyên khoa tâm thần. Trong cuộc sống, nhận biết người mắc bệnh tâm thần là khó khăn, chỉ nhận biết dễ dàng khi bệnh ở giai đoạn nặng, còn ở các giai đoạn khởi phát hoặc ổn định rất khó phát hiện.

Điều dễ thấy nhất ở người có biểu hiện rối loạn tâm thần là thay đổi bất thường rõ rệt so với trước đây về tư duy (lời nói), cảm xúc, hành vi và mối quan hệ với người xung quanh. Thay đổi này làm mất hoặc suy giảm khả năng học tập, làm việc các mối quan hệ xã hội.

Ví dụ: một người trước đây vui vẻ hoạt bát bỗng trở nên buồn chán, mất hứng thú sở thích, mệt mỏi, bi quan thậm chí muốn chết. Các biểu hiện trên làm người đó không học tập làm việc được thì người đó nhiều khả năng bị trầm cảm.

PV: Bệnh tâm thần nguy hiểm như thế nào, thưa ông?

Bệnh tâm thần rất đa dạng. Theo phân loại của tổ chức y tế thế giới có khoảng 10 nhóm bệnh chính và rất nhiều bệnh và thể bệnh khác nhau. Thông thường, để đánh giá mức nguy hiểm của bệnh người ta thường căn cứ vào nguy cơ mà người đó gây nguy hiểm cho bản thân và cho xã hội. Nguy hiểm cho bản thân là tự sát hoặc tự gây thương tích. Nguy hiểm cho xã hội là hành vi bạo lực, giết người hoặc phá hoại tài sản...

Các nghiên cứu chỉ ra rằng bệnh nhân trầm cảm có tỷ lệ tự sát cao nhất, bệnh nhân nghiện chất (đặc biệt là ma tuý tổng hợp, rượu) thường có nhiều hành vi bạo lực hơn cả. Đặc biệt bệnh nhân bị rối loạn tâm thần (chẳng hạn tâm thần phân liệt) nếu có sử dụng rượu, ma tuý thì nguy cơ bạo lực và tự sát cao. Do đó để đánh giá bệnh tâm thần có nguy hiểm không cần căn cứ vào thể bệnh, các bệnh lý khác kèm theo, tiền sử gia đình, cá nhân và cả môi trường xã hôi mà họ sinh sống.

Không nên chủ quan chung sống với người tâm thần mà không có sự tư vấn, điều trị của bác sĩ.

Việt Nam hiện có gần 15% dân số - tương đương khoảng 13,5 triệu người đang mắc các rối loạn tâm thần phổ biến và khoảng 3 triệu người mắc các rối loạn tâm thần nặng.

Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo tham vấn chiến lược quốc gia về sức khỏe tâm thần giai đoạn 2016-2025 và tầm nhìn đến 2030 do Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tổ chức ngày 7-12 tại Hà Nội.

TS Lại Đức Trường, đại diện WHO tại Việt Nam, cho biết hiện nay, có đến 70%-80% người mắc bệnh chưa được phát hiện bệnh để điều trị.

PV: Vậy thưa ông, có nên để người bị mắc bệnh tâm thần sống chung với gia đình, cộng đồng hay không?

Các gia đình có người thân có biểu hiện bị tâm thần nên sớm đưa họ các cơ sở chuyên khoa tâm thần để khám, theo dõi để sớm phát hiện bệnh và điều trị. Bệnh tâm thần có thể ổn định tốt nếu tuân thủ điều trị duy trì, phát hiện sớm các biểu hiện tái phát và điều trị kịp thời. Những người bệnh tiến triển tốt, sau khi chữa khỏi có thể về chung sống cùng gia đình nhưng vẫn phải tuân thủ theo hướng dẫn điều trị tại nhà của bác sĩ, tránh bệnh tái phát.

Hiện nay, có nhiều người bị tâm thần, thậm chí mức độ nặng nhưng không được gia đình cho đến bệnh viện chữa trị, vẫn họ để sống chung cùng gia đình như vậy rất nguy hiểm. Người tâm thần thường dễ bị kích động, dễ gây những hành vi nguy hiểm cho những người xung quanh.

PV: Bệnh tâm thần có thể chữa khỏi được không? Và khả năng tái phát như thế nào ạ?

Bệnh tâm thần có thể chữa khỏi hoặc ổn định lâu dài. Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm thể bệnh, đáp ứng và tuân thủ điều trị, yếu tố môi trường xã hội và chăm sóc y tế, điều kiện kinh tế xã hội...

Các nghiên cứu chỉ ra tỷ lệ tái phát bệnh cao ở người không tuân thủ điều trị, môi trường sống không thuận lợi, điều kiện kinh tế và an sinh xã hội kém, không có việc làm và sống một mình. Tất nhiên tỷ lệ tái phát còn phụ thuộc vào thể bệnh.

PV: Với những kinh nghiệm của mình, ông có thể chia sẻ cách để quản lý người bị tâm thần như thế nào để hiệu quả nhất ạ?

Để quản lý người bệnh tâm thần tránh nguy cơ cho bản thân, gia đình và xã hội, điều quan trọng nhất phải tuân thủ chặt chẽ điều trị duy trì tránh tái phát. Nên nhớ rằng có nhiều bệnh phải điều trị nhiều năm thậm chí suốt đời. Việc điều trị này do bác sỹ quyết định.

Ngoài ra cần có môi trường sống tốt cho bệnh nhân, tránh các sang chấn tâm lý, một chế độ sinh hoạt, thể dục, thể thao, tạo công ăn việc làm phù hợp. Muốn làm tốt điều này cần có sự phối hợp của bệnh viện, gia đình, cơ quan, chính quyền và nhiều tổ chức cá nhân khác mới đem lại hiệu quả.

PV: Xin cảm ơn ông!

Tác giả bài viết: P.Hà

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP